(Tham khảo giáo trình “Tiếng Việt và Tiếng Việt thực hành” của Lã Thị Bắc Lý – Phan Thị Hồng Xuân – Nguyễn Thị Thu Nga)
(Dùng để phục vụ cho câu đọc hiểu, nghị luận văn học và thi đánh giá năng lực)
- THỦ PHÁP TU TỪ NGỮ ÂM.
- Lặp phụ âm:
Là biện pháp lặp phụ âm đầu hoặc cuối để tăng tính biểu cảm.
Ví dụ: “Đường tường lửa lựu lập lòe đâm bông”.
- Điệp vần (Điệp âm chính).
Là thủ pháp điệp lại vần (âm chính) nhằm tăng tính biểu cảm. Điệp vần trong tiếng Việt phải hài hòa về âm sắc (bổng, trung hòa hoặc trầm).
Ví dụ:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi”.
- Điệp thanh
Là thủ pháp lặp đi lặp lại các thanh điệu thuộc nhóm bằng trắc nhằm tạo nhạc điệu.
Ví dụ: Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi -> điệp liên tiếp 7 thanh bằng.
- Hài thanh.
Hài thanh là thủ pháp hài hòa giữa các biện pháp điệp ngữ âm nhằm tạo ra sự hài hòa, cân bằng về mặt âm thanh.
Ví dụ: Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo. -> Điệp âm đầu “tam”, “tứ”, điệp thanh…
- Tượng thanh.
Là thủ pháp dùng từ ngữ, ngữ âm tương đồng để miêu tả âm thanh.
Ví dụ: “Lộp bộp”.
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi ve cầm lầu tịch dương”.
(Bảo kính cảnh giới số 43 – Nguyễn Trãi)
- THỦ PHÁP TU TỪ NGỮ NGHĨA.
- Chia theo quan hệ liên tưởng
a, So sánh
So sánh là biện pháp dùng một sự vật này để so sánh với một sự vật khác có tính chất tương đồng hoặc liên tưởng về hình ảnh và ngữ nghĩa, trong đó cả hai sự vật so sánh đều hữu hình. Phép so sánh có so sánh ngang bằng, so sánh không ngang bằng.
Dấu hiệu: A là B, A như B, A thành B, A hơn/kém B, A – B.
Ví dụ:
“Trăng tròn như cái dĩa
Lơ lửng mà không rơi
Những hôm nào trăng khuyết
Trông giống con thuyền trôi “
(Nhược thủy)
b, Ẩn dụ.
Ẩn dụ là biện pháp dùng sự vật này để liên tưởng đến sự vật kia (dựa trên sự liên tưởng về hình ảnh và nghĩa).
Ví dụ: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng / Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” (Viếng lăng Bác)
c, Hoán dụ.
Hoán dụ là biện pháp dùng sự vật này để liên tưởng đến sự vật kia (dựa trên mối quan hệ logic giữa 2 đối tượng).
Ví dụ: “Áo chàm đưa buổi phân li” ( “Việt Bắc” – Tố Hữu)
-> “Áo chàm” giúp liên tưởng đến người dân Việt Bắc.
d, Nhân hóa
Nhân hóa là biện pháp sử dụng những hành động, trạng thái, xúc cảm của con người lên những sự vật không phải con người.
Ví dụ: “Mầm non mắt lim dim/ Cố nhìn qua kẽ lá / Thấy mây bay hối hả / Thấy lất phất mưa phùn” (Mầm Non, Võ Quảng).
e, Phúng dụ.
Phúng dụ là sự miêu tả bằng hình ảnh sinh động để biểu đạt những vấn đề về đạo đức, luân lý. Chức năng chủ yếu của phúng dụ là chức năng nhận thức.
Ví dụ: “Vắng mợ thì chợ vẫn đông.”. -> Hình ảnh “mợ”, “vợ” được phúng dụ đi. Bề mặt nổi, câu này có nghĩa là nếu không có mợ thì chợ vẫn sẽ đông, vẫn sẽ làm ăn phát đạt. Về mặt hàm ý, câu này thể hiện việc không có ta thì cuộc đời vẫn sẽ tiếp tục, vẫn sẽ như mọi khi, nên đừng quá đề cao bản thân.
2, Chia theo cấu tạo theo mối quan hệ tổ hợp.
a, Điệp ngữ.
Điệp ngữ là biện pháp lặp lại một cách có ý thức hai hay nhiều lần từ, ngữ như nhau nhằm nhấn mạnh nội dung cần biểu đạt. Điệp ngữ có thể phân loại theo nhiều cách khác nhau.
Về vị trí điệp, ta chia thành: điệp nối tiếp, điệp chuyển tiếp, điệp vòng.
Về cụm ngữ được điệp ta chia thành: điệp từ, điệp ngữ, điệp ngữ pháp (điệp cấu trúc).
Ví dụ:
“ hàng ngàn cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió…”
b, Tiệm tiến.
Tiệm tiến là phương thức sắp xếp các từ ngữ xoay quanh một nội dung theo trình tự tăng dần hoặc giảm dần nhằm mục đích gây ấn tượng đặc biệt với nội dung trình bày.
“Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh”. -> đối tượng từ ngữ có sự tăng tiến và giảm dần. “làng” tăng lên “nước; “nước” giảm thành “mái nhà tranh”.
c, Ngoa dụ.
Ngoa dụ là cách nói cường điệu quy mô của những hiện tượng với mục đích biểu đạt sâu vào bản chất của sự vật, sự việc.
Ví dụ: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người” (Tố Hữu)
“Trái tim thép của tao mách bảo tao rằng hãy cắm đôi sừng bằng kim cương vào bụng mày…” (Chú dê đen)
-> trái tim thép là trái tim ngoan cường, dũng cảm; “đôi sừng bằng kim cương” thể hiện lòng quyết tâm rắn chắc, bền bỉ…
d, Nói giảm, nói tránh.
Nói giảm, nói tránh là cách dùng hình thức biểu đạt nhằm giảm bớt mức độ để thay thế cho từ diễn đạt bình thường nhằm thể hiện sự tế nhị, lịch sự.
Ví dụ: “Áo bào thay chiếu anh về đất” (Tây Tiến).
hay “Anh bạn dãi dầu không bước nữa” -> chỉ cái chết
e, Đồng nghĩa kép.
Đồng nghĩa kép là thủ pháp dùng các từ hoặc ngữ có sự tương đồng về nghĩa để tránh lặp từ và cung cấp cho người đọc những thông tin mới về sự vật, hiện tượng.
Ví dụ:
“Hoan hô anh giải phóng quân
Kính chào anh, con người đẹp nhất
Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất…” (Tố Hữu)
Các từ in đậm đều là đồng nghĩa kép bổ nghĩa cho đại từ “anh”.
f, Tương phản. (thủ pháp đối lập).
Là việc sử dụng các từ hoặc các ngữ có mối quan hệ đối lập với nhau nhằm tạo nên sự ấn tượng cho các diễn đạt.
Ví dụ:
“Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. (Tràng giang – Huy Cận)
“Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”. (“Việt Bắc”, Tố Hữu)
g, Im lặng.
Im lặng là thủ pháp sử dụng các diễn đạt bỏ lửng nội dung (bằng dấu chấm lửng) nhưng vẫn thể hiện trong đó hàm ý sâu xa hơn.
Ví dụ:
“Cháu đi đường cháu
Chú lên đường xa
Đến nay tháng sáu
Chợt nghe tin nhà…
Ra thế…
Lượm ơi…”
(Tố Hữu)
Trong một vài trường hợp, thủ pháp im lặng vẫn phát huy tác dụng mà không cần dấu chấm lửng
Ví dụ: “Mị đứng lặng trong bóng tối.” -> Một đoạn văn, một câu văn duy nhất. Nhưng thẳm sâu bên trong lại là cả một bầu trời dội vang trong tâm hồn Mị.