So sánh Đất nước và Sóng

Đề bài: Cùng khắc họa khao khát được cống hiến cho quê hương, mỗi nhà thơ lại có một cách biểu đạt riêng đầy xúc cảm. Trong chương “Đất Nước” – trích trường ca “Mặt đường khát vọng”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết: 

“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…” 

Còn trong thi phẩm “Sóng”, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh lại bộc bạch:

 “Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa bể lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.”

Anh chị cảm nhận gì về hai đoạn thơ trên?

Bài học sinh được điểm cao – K23345 – Phạm Ngọc Huyền – 4.75/5.00

Bài làm 

                Bàn về sứ mệnh của người nghệ sĩ trong văn chương Thạch Lam từng chia sẻ: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới”. Nhà văn Macxen Pruxt thì cho rằng: “ Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới. Văn chương luôn đòi hỏi người cầm bút tìm ra những điều mới và không ngừng sáng tạo. Thế nhưng, Nguyễn Khoa Điềm và Xuân Quỳnh đã thổi hồn khát vọng được cống hiến cho quê hương qua bài thơ “Đất Nước” trích “Trường ca mặt đường khát vọng” và thi phẩm “Sóng”. Viết về đề tài quen thuộc nhưng mỗi nhà thơ biến hóa lời thơ của mình theo một cách riêng đầy cảm xúc. Nếu Nguyễn Khoa Điềm đưa ra tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân và việc định nghĩa Đất Nước đã thể hiện “Đất nước nhân dân” qua đó mỗi người trẻ cần biết cống hiến cho việc xây dựng Tổ quốc. Thì Xuân Quỳnh gợi nhắc chúng ta vĩnh cửu hóa tình yêu góp phần cho sự giàu đẹp của Đất nước, tiêu biểu qua hai đoạn thơ: 

“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…” 

Còn trong thi phẩm “Sóng”, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh lại bộc bạch:

 “Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa bể lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.”

          Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là người nghệ sĩ tiêu biểu trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Ông trực tiếp tham gia cuộc chiến nên lời thơ rất chân chất, giàu tính chiêm nghiệm kết hợp giữa trữ tình và tư duy của một người tri thức. Người nghệ sĩ ấy khắt khe với những tác phẩm của mình, dù viết về đề tài quen thuộc vẫn có lối đi riêng. Điều này được thể hiện qua đoạn trích “Đất nước” trích “ Trường ca mặt đường khát vọng”. Tác phẩm được viết tại chiến trường bình – trị – thiên năm 1971  khi mà Đất Nước đang sống những ngày tháng mưa bom bão đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đoạn trích “Đất nước” thuộc chương V của trường ca, được coi là đoạn trích thành công nhất của nhà thơ. Tác giả viết để đánh thức tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam sẵn sàng hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống Mỹ. Kết hợp tinh tế với chất liệu dân gian, Nguyễn Khoa Điềm đã làm nổi lên tư tưởng “Đất nước Nhân dân” từ đó mỗi người đọc nhận thức trách nhiệm của mình với Đất Nước.

            Nghĩ về Đất Nước, mỗi người lại có những suy nghĩ khác nhau, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng vậy! Ông đã tự đặt ra những câu hỏi “Đất nước có tự bao giờ”, “Đất nước là gì?” Sau đó, tự đi tìm câu trả lời cho băn khoăn ấy. Từ đó, nhà thơ khẳng định một tư tưởng về quan hệ gắn bó thiên nhiên và con người, giữa Đất Nước, Nhân Dân. Những người con Đất Việt đã làm nên tấm bản đồ địa lý cho Đất Nước, qua đây tư tưởng “ Đất Nước Nhân Dân” được làm rõ:

“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…” 

             Thiên nhiên Việt Nam giữa lăng kính của nhà thơ hiện lên một phần máu thịt của nhân dân. Nghệ sĩ họ Nguyễn không đề cập đến địa danh cụ thể, tác giả chỉ nói đến điều bình dị mà ai cũng quen thuộc “ ruộng đồng”. Thế nhưng, có lẽ mảnh đất ấy tuy không tên, không tuổi ấy vậy ai cũng biết tới nó, không to lớn mà lại quá thân thuộc trong trái tim mỗi người. Hình ảnh những thửa ruộng bạt ngàn lúa chín, lom khom vài người dân đang tần tảo với công việc đồng áng của mình. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp bao đời của người dân Việt Nam. Cấu trúc “ Và ở đâu”, “chẳng mang” bộc lộ giọng thơ mạnh mẽ, quả quyết về sự hóa thân của mỗi người dân làm giàu cho mảnh đất quê hương. Mỗi tâm hồn người dân Việt đã làm nên “một dáng hình” cho Tổ quốc thân yêu. Hình hài của Đất Nước hôm nay đều được người dân thổi hồn bằng những khát vọng, giấc mơ, lí tưởng và lối sống qua nhiều thế hệ. Bởi lẽ, nếp sống của nhân dân đã ảnh hưởng đến lí tưởng, dòng chảy lịch sử và đặt nền móng cho truyền thống văn hóa của Tổ quốc thân yêu. Không phải một vị anh hùng chỉ là những con người bình thường nhưng qua cái nhìn của nhà thơ mỗi cá nhân đã tạo nên tấm bản đồ cho dân tộc, từng rừng núi, cây cỏ, mảnh đất quê hương đều có bóng hình của chúng ta. Dù là nhỏ bé hay to lớn thì mọi nẻo đường ấy luôn hiện lên tâm hồn của nhân dân. Dấu ba chấm kết thúc cho đoạn thơ mở ra suy tưởng mênh mông cho độc giả. Ngôn từ bộc lộ cảm xúc nhưng dòng chảy của trái tim đang rung động miên man không thể viết nên thành lời. Qua đó, mỗi người đọc sẽ ý thức được sứ mệnh của mình với đất nước. Chất thơ “ trữ tình triết luận” của Nguyễn Khoa Điềm đánh thức bao suy nghĩ dường như đã ngủ quên để không chỉ các thanh niên bây giờ mà cả hiện tại, tương lai đều nhận thức được trách nhiệm to lớn của mình.

          Cùng với Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh cũng là nhà thơ tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nữ thi sĩ luôn trăn trở khao khát về một hạnh phúc đời thường. Thơ của chị luôn chan chứa tình cảm với nhiều cung bậc cảm xúc, còn là tiếng lòng của người phụ nữ nhiều trắc ẩn nhưng vẫn hồn nhiên và luôn da diết tìm tình yêu của cuộc đời mình. Điểm nổi bật trong tiếng thơ của Xuân Quỳnh là luôn khơi gợi những cảm xúc trong sâu nội tâm. Thi phẩm “Sóng” là minh chứng cho  điều đó. Bài thơ được viết vào năm 1997, in trong tập “Hoa dọc chiến hào” thể hiện khát vọng tình yêu của người phụ nữ. Tuy sự tàn khốc của chiến tranh đã ăn mòn đi tâm hồn của nhiều người, vần thơ Xuân Quỳnh cất lên khơi gợi đến chiều sâu cảm xúc, từ đó mỗi người cống hiến hết mình cho đất nước. 

             Khát vọng tình yêu luôn rực cháy trên ngực trẻ nhưng nó sẽ chết nếu ta cố giữ nó mà không cống hiến cho đời. Xuân Quỳnh luôn khao khát về tình yêu nhưng không vì thế mà chị cho rằng nó “ Tình yêu là sự ích kỷ hay chiếm hữu”. Chúng ta hãy vĩnh cửu hóa tình yêu. Hòa quyện nó với cái chung của dân tộc. 

 “Làm sao được tan ra

  Thành trăm con sóng nhỏ

 Giữa bể lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”.

           Nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết: “ Yêu là chết trong lòng một ít/ Bởi mấy khi yêu mà chắc được yêu”. Tình yêu có được không hề dễ dàng nhưng Xuân Quỳnh nguyện một lòng để được cống hiến tình yêu của mình cho đời.

Hai từ “Làm sao” kết hợp với “ được” như một lời chân thành nguyện dâng hiến tình yêu không hề gượng ép bắt buộc. Cặp từ đối nghịch “ Sóng nhỏ – Bể lớn” ta thấy được tình yêu thật nhỏ bé khi đứng giữa cuộc đời.  Tác giả thể hiện khát khao của mình qua từ chỉ số lượng “ Trăm”. Từng đợt sóng cứ mạnh mẽ  “Muốn tan ra” để hòa mình vào nhịp điệu của dòng nước. Cũng như người phụ nữ muốn tình yêu của mình được mãi với cuộc đời. Hai câu thơ cuối như hoàn thiện khát vọng mãnh liệt của thi nhân hòa mình vào bao la của biển trời, để tình yêu này sẽ mãi vỗ ra những đợt sóng dịu dàng, mang đến những khát khao tình yêu và niềm hạnh phúc cho đất nước, cho cuộc đời. Đặt trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ những tình cảm cá nhân cất gọn trong vùng sâu của trái tim  nhưng tiếng thơ của Xuân Quỳnh vẫn cất lên đi sâu vào nội tâm của con người. Chúng ta yêu nhưng không hề ích kỉ. Chị viết lên khát khao tình yêu để dặn dò người trẻ hãy vẫn sống với những cảm xúc của chính mình. Lấy những tình cảm ấy cống hiến cho cuộc sống, cho đất nước làm đẹp cho bóng dáng của xứ sở giống Nguyễn Khoa Điềm đã viết:

“ Khi hai đứa cầm tay 

Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất nước vẹn tròn, to lớn”

           Thi phẩm “Sóng” và đoạn trích “Đất nước” đều ra đời trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Cả hai nhà thơ đều muốn khơi gợi nhận thức của người trẻ về sứ mệnh của bản thân với Đất nước. Với giọng văn triết lý, ngôn từ mộc mạc, giản dị. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm nổi bật lên tư tưởng “ Đất nước Nhân dân” để mỗi chúng ta hiểu được đất nước có trong tâm hồn, chúng ta làm nên đất nước. Qua đó nhận thức trách nhiệm của mình. Còn với thi sĩ Xuân Quỳnh chị đi sâu vào thế giới nội tâm và đi nhắc nhở mỗi người phải biết hóa tình yêu tô điểm cho đất nước.

           Đoạn trích “Đất nước” và thi phẩm “Sóng” đã khơi gợi mọi cảm xúc người trẻ qua mọi thế hệ về trách nhiệm cống hiến cho Tổ quốc. Qua đó, mỗi người ý thức được bản thân của mình. Nguyễn Khoa Điềm và Xuân Quỳnh là những nghệ sĩ tài năng, mỗi người đều đánh thức bao ấn tượng đã ngủ quên trong lòng độc giả. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *