NHÀ VĂN VÀ QUÁ TRÌNH SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
Tài liệu dành cho học sinh không chuyên Văn nên trình bày tương đối cơ bản, dễ hiểu, phù hợp với những học sinh học Văn khá trở lên.
I. Nhà văn là ai?
- Nghĩa hẹp: Nhà văn là những người sáng tạo nên các tác phẩm văn chương nói chung.
- Nghĩa rộng: Là người sáng tạo nghệ thuật bằng phương tiện chữ viết, qua đó thể hiện những góc nhìn, tư duy và tình cảm đối với thế giới khách quan.
- Tuy nhiên, quan điểm của nhà văn được phát triển thông qua sự tiến bộ của lý luận và phê bình văn học:
- “Một nhà nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo trong cốt tuỷ.” (Sê-khốp)
- “Nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại.” (Balzac)
- “Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ.” (Thạch Lam)
- Một số tài liệu khu biệt rõ ràng hai khái niệm “nhà văn” và “nhà thơ”. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết lựa chọn khái quát chung cho cả hai đối tượng trên.
II. Làm thế nào để định nghĩa một nhà văn chân chính?
Tất cả mọi người đều có thể viết nhưng không phải ai cũng trở thành nhà văn. Có rất nhiều nhà văn nhưng không phải ai cũng được xem là một nhà văn chân chính. Như vậy có bao nhiêu phương diện để độc giả nhìn nhận anh có phải là một nhà văn tài giỏi, thực thụ hay không?
- Phương diện 1: Cách anh đối xử với cuộc đời. Nhà văn là một người mang hiện thực vào trang viết. Hiện thực ấy xấu xa hay tốt đẹp, tăm tối hay trong sáng; phụ thuộc phần lớn vào cách anh nhìn nhận nó. Nếu nhà văn không yêu thương con người, yêu thương cuộc đời; những trang văn của anh sẽ đầy rẫy sự thù hận, tăm tối, khó có thể truyền cảm hứng cho người đọc.
- Phương diện 2: Cách anh đối xử với chính mình. Sáng tạo nghệ thuật là một quá trình xuất tâm (1), nên nó khó có thể trọn vẹn nếu như nhà văn không có một nội tâm phong phú, một trí tưởng tượng linh hoạt, đa dạng. Nếu anh không biết anh là ai, lối viết của anh ra sao; nhà văn ấy sẽ dễ dàng đi vào lối mòn và nhanh chóng bị lãng quên. Một nhà văn thực thụ luôn nỗ lực tìm tòi, khám phá để làm giàu đẹp cho tâm hồn, thỏa mãn ước mơ, khát vọng của mình (điển hình là Nguyễn Tuân).
- Phương diện 3: Cách anh sáng tạo hình tượng, cốt truyện và sử dụng ngôn ngữ. Nếu như hai phương diện trên là nền tảng thì phương diện 3 chính là công cụ giúp nhà văn khẳng định sâu sắc tên tuổi của mình vào tâm trí người đọc. Mỗi nhà văn lại có một cách viết khác, một sự sáng tạo khác. Cùng một hiện thực, cùng một hình tượng người nông dân; nhưng nhà văn Ngô Tất Tố thấy sưu cao thuế nặng; Phạm Duy Tôn thấy lũ lụt, thiên tài; còn Nam Cao lại thấy bi kịch bị tha hóa con người. Cách dùng ngôn ngữ cũng là một trong những dấu ấn riêng, đương cử như Nguyễn Tuân với cách sử dụng từ độc đáo “dòng sông hoang dại như một bờ tiền sử, hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tiền xưa” đã thức dậy trong người đọc biết bao nhiêu cách nhìn về dòng sông Đà. Từ đó dẫn đến phương diện số 4.
- – Phương diện 4: Cách anh giáo dục người đọc. Văn chương không chỉ mang giá trị nhận thức, thẩm mỹ mà còn có thể giáo dục người đọc. Như vậy, nhà văn không chỉ viết để thỏa cái ham muốn tầm thường của bản thân, mà còn phải vươn đến một sứ mệnh cao hơn, đó là thay đổi con người. Hay nói như Nam Cao đó là “nâng giấc cho những con người không ai nâng giấc”. Thông qua tác phẩm, nhà văn truyền đạt những bài học, kinh nghiệm sống đắt giá cho người đọc, từ đó giúp họ hoàn thiện và sống tốt hơn cuộc đời của mình.
III. Một nhà văn cần có những năng lực gì?
- Năng lực về nhận thức cảm tính (cảm giác, tri giác).
- Cảm giác và tri giác chính là hai yếu tố nổi bật của một nhà văn. Ai cũng có thể cảm giác, ai cũng có thể tri giác; nhưng để trở thành một nhà văn, hai khả năng ấy phải thật sự đạt đến mức độ vô cùng nhạy cảm, tinh tế.
- Ví dụ: Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất nhẹ như là rơi nghiêng”. Lắng nghe tiếng lá rơi (một âm thanh vốn dĩ rất mỏng) đã khó, đằng này dựa vào tiếng lá rơi ấy mà đã đoán cả thế rơi của nó. Hay như Nguyễn Tuân khi quan sát màu nước sông Đà đã tinh tế phát hiện đó chính là “màu xanh ngọc bích”, chứ không phải đục đục, lờ lợ như “màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô”.
=> Năng lực về nhận thức cảm tính chính là tiền đề cho sự nhạy cảm của một nhà văn.
- Năng lực về nhận thức lý tính (tư duy, tưởng tượng).
- Nhà văn là một bậc thầy tư duy, tưởng tượng. Như Hoàng Phủ Ngọc Tường trong suốt thủy trình của sông Hương, ông luôn cảm nhận nó dưới góc nhìn của những cô gái khác nhau. Khi là “cô gái Digan”, rồi lại “người đẹp đang nằm ngủ mơ màng”, có lúc lại là “nàng Kiều chí tình trở về tìm Kim Trọng”. Chính năng lực về nhận thức lý tính đã giúp cho áng văn của anh trở nên sống động, thu hút, để lại rất nhiều ấn tượng cho người đọc.
- Không chỉ có vậy, năng lực về tư duy còn được thể hiện qua năng lực ngôn ngữ của nhà văn. Không phải tự nhiên mà nhà văn lại là một người “cân một nghìn miligam quặng chữ”, để chắt lọc từ ngữ sao cho đúng, hay là một điều hết sức khó mà chỉ có những nhà văn đa tài mới có thể thực hiện.
- Năng lực về tình cảm.
- Nhà văn phải là một người có cảm xúc tinh tế, mãnh liệt với cuộc đời, với con người… Nếu như không có tình cảm, mọi thứ anh viết nên đều trở nên khô khan, giáo điều, khó có thể chạm đến tâm hồn người đọc. Bởi lẽ chỉ có trái tim mới có thể chạm đến trái tim.
- Ví dụ: Nếu như Nguyễn Tuân không yêu sông Đà, không quý mến con người lao động; áng văn “người lái đò sông Đà” sẽ chẳng bao giờ được đón nhận và yêu thích rộng rãi như ngày hôm nay.
- Ngoài ra, năng lực về cảm xúc còn được biểu hiện cụ thể thông qua cách nhà văn viết nên tác phẩm. Ví dụ như Thạch Lam từng viết trong “Hai đứa trẻ”: “Chiều, chiều rồi, một chiều êm ả như ru, văng vẳng có tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng theo gió nhẹ đưa vào”. Đọc câu văn ấy, ta nhận ra sự thanh thản, nhẹ nhàng, êm dịu của mạch cảm xúc vào lúc chiều tà; kèm theo đó có chút bâng khuâng và buồn man mác.
- Năng lực tình cảm chi phối rất lớn đến những năng lực khác. Bởi lẽ không có thái độ, tình cảm rõ ràng; anh không thể viết hay, càng không thể làm rung động người đọc. Tình cảm chính là tiền đề cho vô vàn những giá trị đẹp đẽ của văn học: thẩm mỹ, nhân đạo, tư tưởng…
IV. NHỮNG NHÂN TỐ CHI PHỐI ĐẾN NHÀ VĂN.
- Yếu tố thời đại khách quan.
Nhà văn chịu ảnh hưởng nhất định đến xã hội, thời điểm mà anh sinh sống. Tư tưởng, quan điểm của nhà văn trung đại chắc chắn sẽ khác với tư tưởng, quan điểm của nhà văn hiện đại. Không chỉ có vậy, qua mỗi xã hội khác nhau, nhà văn lại có những cách nhìn khác nhau. Nhà văn phương Tây thường theo đuổi văn học lãng mạn, còn nhà văn phương Đông lại thường viết về văn học hiện thực; văn học Nhật Bản chuộng thể loại thơ hai-ku thì văn học Trung Quốc lại phổ biến với thơ Đường luật.
- Yếu tố chủ quan
Trong một vài trường hợp, chính cuộc sống của nhà văn cũng chi phối đến quan điểm sáng tác của anh ta.
Vd: Nhà văn Hàn Mặc Tử khi lâm bệnh thường có những ám ảnh nhất định về cái chết:
“ Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhựt tan thành máu,
Và khối lòng tôi cứng tợ si?”
V. QUÁ TRÌNH SÁNG TẠO NÊN MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC
- Quá trình tích lũy.
Đây là quá trình nhà văn thu thập những chất liệu để xây đắp nên tác phẩm. Có thể liệt kê các công đoạn sau:
+ Tìm ý tưởng, cảm hứng
+ Tìm chất liệu sáng tác
+ Xác định cảm hứng, tư tưởng
+ Tưởng tượng cốt truyện, tình tiết.
….
Quá trình tích lũy là quá trình quan trọng nhất, vì nó là nền tảng không chỉ cho phương diện hình thức mà còn quyết định đến giá trị nội dung của tác phẩm. Quá trình tích lũy càng công phu, càng tâm đắc; tác phẩm sẽ càng hay.
- Viết
Viết là công đoạn cuối cùng sau khi đã tích lũy xong chất liệu. Có thể liệt kê các công đoạn sau:
+ Viết nháp (tùy)
+ Viết hoàn chỉnh
+ Sửa đổi nếu có
Trong một vài thể loại đặc biệt như ký, nhà văn hoàn toàn có thể vừa tích lũy, vừa viết. Hai quá trình này diễn ra song song, đan cài vào nhau. Nhưng việc tích lũy luôn phải đi trước vì anh không thể viết hay nếu như anh không biết mình nên viết gì.
VI. THỬ TÀI TƯ DUY CỦA BẠN NHÉ!
Theo bạn, có bao giờ nhà văn viết trước khi tích lũy tri thức hay không ? Vì sao việc tích lũy lại vô cùng quan trọng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng ?