Phân tích Tràng Giang – Huy Cận

A. Tìm hiểu chung

– Trước CMT8 Huy Cận được xem là một trong những nhà thơ hàng đầu của phong trào Thơ Mới. Thơ ông kết hợp điêu luyện hai yếu tố cổ điển của thơ Đường và hiện đại của Thơ Mới. Huy Cận như gợi dậy cái hồn Đông Á nhưng rất mới mẻ. Ông là một người có cảm hứng mãnh liệt về vũ trụ với một cái tôi của kẻ lữ thứ bơ vơ.

– “Tràng Giang” nằm trong tập thơ “Lửa Thiêng” – tập thơ đầu tay đưa Huy Cận lên vị trí hàng đầu của thơ mới. Bài thơ khắc họa một không gian sông nước hùng vỹ, mênh mông cũng như cái tôi cô đơn, ướm đượm nỗi buồn của nhà thơ.

B. Phân tích

a, Nhan đề và lời đề từ (Chỉ dùng cho đoạn 34, phân tích 12 không cần đoạn này)

– “Tràng Giang” là từ Hán Việt gợi lên sự cổ kính. Khác với Trường Giang, “Tràng giang” có hai âm “ang” là âm vang, gợi tả lên một không gian sông nước mênh mông rộng lớn.

– Lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” vừa thâu tóm cả tình thơ và cảnh thơ. Ở cảnh thơ đó là “sông dài”, “trời rộng”. Ở tình thơ đó là “Bâng khuâng” và “nhớ”. Lời đề từ như thổi vào bài thơ một linh hồn sống, đó là tài năng và cũng là minh chứng cho niềm yêu thiên nhiên của Huy Cận.

b, Khổ 1: Không gian sông nước mênh mông, cảnh vật ướm đậm nỗi buồn

* Câu 1,2: Cảnh mênh mông, lòng người cô đơn

– Động thái “gợn” diễn tả chuyển động mềm mại, nhẹ nhàng của những con sóng trên mặt sông.

– Cụm từ “tràng giang” là từ Hán Việt gợi nên sự cổ kính, trang trọng. Sở dĩ tác giả không dùng Trường giang là vì để tránh nhầm lẫn với con sông trong thơ Lý Bạch (“Duy khiến Trường giang thiên tế lưu”). Từ láy vần “ang” là vần mở đã gợi tả nên một không gian mênh mông rộng lớn. 

– Từ láy “điệp điệp” đi cùng cảm xúc “buồn” như diễn tả một nỗi buồn chồng chất, miên man không bao giờ dứt

=> Tác giả tưởng tượng những con sóng trên dòng tràng giang cứ gợn lên, gợn lên, vô hồi vô hạn triền miên không dứt kéo theo đó cũng là những nỗi buồn dâng lên trong lòng vô hồi vô hạn, dai dẳng và khó dứt. Đó là minh chứng cho một cái tôi đa sầu đa cảm của nhà thơ. 

– Ngòi bút của Huy Cận đã đặc tả hình ảnh “con thuyền” là sự sống duy nhất trên dòng nước. Nhưng sự hiện diện của nó không khiến cho khung cảnh thêm rộn rã mà ngược lại còn tô điểm thêm sự u buồn, quạnh quẽ. 

– Hình ảnh “con thuyền xuôi mái” rẽ nước thành những đường thẳng “song song” gợi tả nỗi buồn. Phải chăng đó chính là ẩn dụ cho những kiếp người buông thả, nổi trôi giữa dòng sông cuộc đời. Thi liệu quen thuộc khiến cho ta nhớ đến bài thơ “Đăng Cao” của Đỗ Phủ:

“Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ

Bất tận trường giang cổn cổn lai”

=> Câu thơ mang đậm nét cổ điển với những thi liệu quen thuộc.

* Câu 3,4: Cảnh ly tán, lòng người u sầu.

– Nghệ thuật đăng đối trong cụm từ “thuyền về nước lại” gợi nên sự chia li, tan tác. Dường như thuyền và nước chẳng có điểm chung nào cả. Huy Cận chắc hẳn phải giàu nỗi niềm mới có thể cảm nhận được sự chia li trong chính những sự vật không thể chia lìa. Điều ấy khiến người đọc liên tưởng đến ý thơ của Hàn Mặc Tử trong “Đây thôn Vĩ Dạ”:

“Gió theo lối gió, mây đường mây”.

Từ sự cảm nhận ấy mà nỗi buồn như được tăng cấp lên rất nhiều lần. Chẳng phải là “buồn điệp điệp” nữa mà nó đã lan rộng ra khắp không gian trở thành mối “sầu trăm ngả”. 

– Bằng việc sử dụng biện pháp đảo ngữ “Củi” cùng nhịp thơ 1/3/3, tác giả đã nhấn mạnh vào hình ảnh “Củi” là một hình ảnh khô héo, thiếu sức sống. Không chỉ như thế mà “một” cành củi còn bị “mấy” dòng nước vùi dập, đẩy đưa. Hình ảnh ấy chính là ẩn dụ cho những con người tri thức trước cách mạng tháng 8. Họ là những người mang lòng yêu nước nhưng vẫn chưa tìm thấy con đường để đi nên luôn trong tình thế bất lực, bị dòng đời đưa đẩy, nổi trôi. Sở dĩ đây được đánh giá là hình ảnh mang đậm nét hiện đại là vì trong thơ xưa khi nói về thân phận con người, các nhà thơ thường dùng hình ảnh trang trọng như: cánh bèo, hoa trôi, áng mây. Việc Huy Cận sử dụng hình ảnh giản dị cũng là một sự mới mẻ và mang tính thời sự của xã hội bấy giờ. Nói như Tố Hữu:

“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước

Biết chọn dòng nào hay để nước cuốn trôi”

=> Khổ thơ mang đậm nét cổ điển. Thể thơ thất ngôn vận dụng nghệ thuật đối của thơ Đường, sử dụng thi liệu quen thuộc như: thuyền, nước. Cùng với đó là cách nhìn hiện đại, hình ảnh mới mẻ: cành củi khô. Khổ thơ đã khắc họa được một không gian sông nước mênh mông rộng lớn kéo theo đó là nỗi buồn vô biên trong cõi lòng nhà thơ. 

c, Khổ 2: Không gian hoang vắng, cô liêu.

*Câu 1,2: Đời sống vắng vẻ, tĩnh lặng

– Tác giả đã thêm vào không gian hàng loạt sự vật như: cồn cát, gió, làng xa, chợ chiều. Nhưng điều đó không những không khiến không gian thêm rộn rã mà còn góp phần đẩy sự hoang vắng lên tột cùng. 

– Sử dụng các từ láy đặc sắc:

+ “lơ thơ” gợi tả sự ít ỏi, thưa thớt

+ “ đìu hiu” gợi sự hiu hắt, quạnh quẽ.

=> Như thổi vào khung cảnh một khối u buồn não nề. Người đọc từ đó có thể liên tưởng đến ý thơ của Đặng Trần Côn/Đoàn Thị Điểm trong Chinh Phụ Ngâm:

“Non kì quạnh quẽ trăng treo

Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy giờ”

– Từ “đâu” gợi ra 3 cách hiểu: vừa là ở đâu (câu hỏi), vừa là đâu có (nghi vấn), vừa là đâu đây (tường thuật). Nhưng hiểu theo cách nào thì cũng đều đặc tả một không gian tĩnh lặng đến đáng sợ, ám ảnh. Âm thanh “chợ vãn” hiện lên mơ hồ và không mang cảm giác vui vẻ. Chợ vãn luôn gợi đến nỗi buồn về một sự tan tác, chấm dứt của ngày dài: “Chợ họp đã vãn từ lâu, người đã về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên thềm đất chỉ còn có rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía…”. 

=> Đó là khao khát mong muốn giao hòa với cuộc sống của nhà thơ Huy Cận.

*Câu 3,4: Vũ trụ bao la

– Tiểu đối (đối ngay trong câu thơ) được sử dụng một cách hài hòa

+ Nắng xuống / Trời lên => Không gian được mở từ chiều cao đến chiều sâu

+ Sông dài / Trời rộng => Không gian mở rộng thêm chiều dài và ngang.

– Phép đối giữa hai câu thơ với nhau: Sâu chót vót / Bến cô liêu

=> Không gian dường như được mở ra nhiều chiều kéo theo đó là con người càng trở nên nhỏ bé, rợn ngợp. 

– Biện pháp tu từ liệt kê được sử dụng ở câu cuối: sông dài, trời rộng, bến cô liêu

=> Sự cảm nhận đến tột cùng của độ rộng lớn không gian cũng như là sự cô đơn trong cõi lòng nhà thơ.

– Cách dùng từ sáng tạo “sâu chót vót”. Dường như không gian không chỉ được mở ra ở chiều cao mà còn là bề sâu. Thể hiện sự tinh tế trong cách nhìn của Huy Cận.

– Cụm ngữ “sông dài trời rộng” nhắc lại lời đề từ => Nhắc lại một lần nữa sự vô biên của không gian (*)

=> Khổ thơ được sử dụng nhuần nhuyễn yếu tố cổ điển với bút pháp lấy động tả tĩnh, đối lập của Đường thi cùng với cách dùng từ sáng tạo, đặc sắc nêu cao tinh thần thơ mới. Khổ thơ đã tô đậm thêm sự hiu hắt, quạnh quẽ, vắng lặng cho không gian sông nước, kéo theo đó là sự nhỏ bé, mặc cảm, cô liêu của con người. 

d, Khổ 3: Không gian hoang vu và khao khát giao hòa của thi nhân:

– Câu hỏi tu từ “bèo dạt về đâu” gợi lên thân phận con người, nỗi buồn của thế hệ bơ vơ không biết đi đâu về đâu.

– Cụm từ “hàng nối hàng” như muốn nhấn mạnh đây không phải là nỗi buồn đơn lẻ mà là cả một thế hệ con người trong xã hội đương thời. Hai tiếng “về đâu” cất lên thật khắc khoải và da diết.

– Hình ảnh “bèo” quen thuộc trong các câu hát quan họ xưa (Bèo dạt, mây trôi, chốn xa xôi…anh ơi, em vẫn đợi chờ…) và cũng là thi liệu điển hình dùng để gợi tả thân phận con người trong thơ ca trung đại:

Nghĩ mình mặt nước cánh bèo

Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

– Phép điệp “không” kết hợp với những cụm từ gợi nhắc sự sống như “1 chuyến đò”, “cầu” đã khắc họa rõ nét sự hoang vắng đến đỉnh điểm. Ngay cả một dấu hiệu của sự sống đều được phủ định. 

– Phép liệt kê bờ xanh và bãi vàng không hề gợi lên sự trù phú và màu mỡ mà trái lại khi đi cùng với từ láy “lặng lẽ” càng làm cho không gian thêm phần kiệt quệ, thiếu sức sống. Những bờ bãi xa hun hút nối tiếp nhau dãn dài không gian đến vô biên.

=> Cảnh vật trong khổ thơ như thiếu hoàn toàn sức sống và trở nên quạnh quẽ vì thiếu đi bóng dáng của con người.

– Nghệ thuật biểu đạt đạt đến tầm cao trong việc khắc họa cái đã thấy và cái chưa thấy:

+ Tác giả nhìn thấy: bèo dạt, bờ xanh, bãi vàng => Hiện thực của xã hội bấy giờ

+ Tác giả không nhìn thấy: chuyến đò, cầu => Ước mơ giao cảm

=> Khổ thơ được xây dựng bằng nhiều thi liệu cổ điển như “bèo”, thủ pháp đối của Đường thi cũng như là cách nhìn và cách thể hiện mới mẻ của nhà thơ. Tác giả đã khắc họa nên được một không gian hoang vắng đến tột độ không có bóng dáng của con người. Thông qua đó bày tỏ khao khát được giao cảm với cuộc đời, với con người. 

c, Khổ 4: Không gian hũng vỹ, tráng lệ và nỗi nhớ quê của tác giả

* Câu 1,2: Không gian mênh mông, hùng vỹ

– Huy Cận đã sử dụng hàng loạt các bút pháp của thơ Đường

+ lấy điểm tả diện

+ lấy động tả tĩnh (hoạt động của cánh chim) => Sự vận động ấy không mạnh mẽ mà trái lại còn gợi sự khắc khoải, mỏi mệt. Tô điểm thêm cho không gian bao la, rợn ngợp. 

– Thiên nhiên tràng giang hiện lên mang màu sắc cổ điển: hùng vỹ, tráng lệ nhưng đượm buồn.

– Hình ảnh “mây đùn núi bạc” thật ấn tượng, hùng vỹ với những tầng mây xếp chồng lên trên các đỉnh núi được nắng chiều rọi trong như núi bạc đầu. 

– Động từ “đùn” khiến ta liên tưởng đến câu thơ của Đỗ Phủ:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.”

(Thu hứng – Đỗ Phủ)

Vì sự cảm nhận ấy mà cảm vật tuy hùng vỹ nhưng không thể làm vơi đi nỗi sầu.

– Hình ảnh “cánh chim” là thi liệu quen thuộc trong thơ ca phương Đông, ước lệ cho buổi chiều sắp đến. Cánh chim sà xuống như chở cả bóng chiều, hồn chiều => Gợi lên sự cổ điển cho câu thơ:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ”

(Mộ – Hồ Chí Minh)

“ Cánh chim thoi thóp về rừng”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

– Nghệ thuật tương phản được sử dụng: Cánh chim nhỏ bé hữu hạn đối lập với vũ trụ bao la vô hạn => Bầu trời càng mênh mông, xa vắng thì nỗi buồn càng được tô đậm, càng trở nên khắc khoải và da diết. 

– Toàn bài thơ thiếu vắng sự sống, cánh chim hiện lên như một mầm sống duy nhất nhưng lại được đặt trong cảnh hoàng hôn => Hình ảnh ấy thật tàn tạ, hiu hắt khiến nỗi buồn như được khơi dậy khắp bầu trời. 

=> Tứ thơ đậm chất cổ điển với các bút pháp đường thi cũng như chất liệu sáng tác quen thuộc: mây, núi, chim. 

* Câu 3,4: Vượt thoát nỗi buồn, nhà thơ tìm về với tình quê, tình nước.

– Cách sử dụng từ ngữ đặc sắc, mới lạ “dợn dợn” chứ không phải “dờn dợn” đã mở ra nhiều chiều liên tưởng khác nhau. Cụm từ như tách tràng giang thành hai làn 2 sóng. Làn sóng ở câu thơ mở đầu là làn sóng của tràng giang, của thiên nhiên. Còn ở đây phải chăng chính là những đợt sóng dợn dợn trong lòng người đang dâng cao, triền miên và vô biên khó dứt => Nỗi buồn của một người con xa xứ

– Huy Cận đã mượn tứ thơ của Thôi Hiệu:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?”

(Hoàng Hạc Lâu)

– Khói hoàng hôn và nỗi nhớ quê nhà là tứ thơ mang đậm nét cổ điển. Nhưng Huy Cận lại hiện đại hơn và thể hiện đúng tinh thần của thơ mới:

+ Thôi Hiệu buồn nhớ quê hương vì ngoại cảnh. Ông đứng trên Hoàng Hạc lâu thấy khỏi sóng chiều mà nhớ quê hương.

+ Còn Huy Cận không cần ngoại cảnh, không cần khói sóng nhưng vẫn nhớ quê hương da diết. Vì thế mà Hoài Thanh đã nhận xét: “Nỗi buồn nhớ trong “Tràng Giang” được tỏa ra từ hồn 1 người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh”

-(*) Nỗi buồn của Huy Cận cất lên thật da diết khi đứng ngay trên quê hương mình mà lại bồi hồi nhớ quê. Phải chăng nhà thơ chẳng còn quê nhà để mà nhớ. Đặt trong bối cảnh xã hội loạn lạc, tăm tối lúc bấy giờ, người ta khó mà tìm thấy lối thoát cho chính bản thân mình. Nỗi buồn của Huy Cận hoàn toàn có cơ sở và được đánh giá là “nỗi buồn vong quốc”. 

=> Đoạn thơ mang âm hưởng cổ điển với những bút pháp Đường thi như chấm phá, tả cảnh ngụ tình, sử dụng thi liệu quen thuộc trong thơ ca phương Đông như: mây, cánh chim, mượn tứ thơ cổ nhưng được thể hiện theo một hình thức mới, cách nhìn mới và sự sáng tạo vô hạn đúng với tinh thần Thơ Mới của Huy Cận. Tác giả đã khắc họa rõ nét một khung cảnh mênh mông, hùng vỹ và sự vượt thoát nỗi buồn để tìm về với tình nước, tình quê. 

C. Tóm lại  

* Giá trị nội dung

Bài thơ “Tràng Giang” đã vẽ trước mắt ta những một bức tranh hùng vĩ, với cách nhìn độc đáo vừa gần vừa xa, vừa cao vừa sâu, nhưng bao trùm không gian ấy là một nỗi buồn. Đó không chỉ là nỗi buồn cô đơn lẻ loi của chính tác giả mà còn là nỗi buồn của một thế hệ khi phải sống trong cảnh nước mất nhà tan. Bức tranh mà Huy Cận tạo nên với những hình ảnh gần gũi như sông nước bến thuyền vừa mang một vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại. Điều đó đã tô đậm thêm sự độc đáo trong thơ của Huy Cận.

* Giá trị nghệ thuật

Hình ảnh thơ giàu sức gợi, mang đậm phong vị Đường thi, với những hình ảnh cổ điển tiêu biểu.