Từ những ngày mới hình thành nhận thức, cha đã luôn răn dạy tôi những bài học về lối sống kỷ luật, và mãi cho đến tận hôm nay, những bài học ấy vẫn vẹn nguyên giá trị ban đầu. Sống có kỷ luật không phải là luôn luôn tuân theo những nguyên tắc gắt gao, ràng buộc như nhiều người vẫn nghĩ, sống có kỷ luật hiểu đơn giản chỉ là lối sống tự chủ, biết sắp xếp gọn gàng những mục tiêu, những công việc cần làm để cân bằng cuộc sống và duy trì tình trạng ấy, không trì hoãn lối sống có kỷ luật giúp chúng ta giữ những thói quen tốt, điều hoà nhịp độ của cuộc sống để giảm tối đa những rắc rối không đáng có. Lối sống kỉ luật giống như một chiếc đòn bẩy, nó nâng cao, làm tiến bộ những khả năng sẵn có của mỗi chúng ta, thậm chí đào sâu khai thác những tiềm năng của mỗi người, tôi luyện nó và giúp ta mỗi ngày đều trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân. Lối sống kỷ luật đi liền với sự kiên trì. Ta có thể lấy những con người Nhật Bản làm một điển hình. Nếu không có sự kiên trì được hun đúc trong kỉ luật, liệu đất nước nhỏ bé lắm thiên tai ấy có vượt qua được những cơn đại nạn tối tăm để vươn lên trở thành một trong những siêu cường kinh tế của thế giới hay không ? Câu trả lời chắc chắn là không thể, và từ đó chúng ta nhận thức được ý nghĩa lớn lao của đức tính kỷ luật trong cuộc đời của mỗi con người. Kỷ luật là một lối sống đẹp không ai có thể phủ nhận, nhưng một số hiểu lầm về kỷ luật rằng nó khô khan, cứng nhắc sẽ làm cho nhiều người ngại duy trì lối sống này, rồi cứ thế thả mình theo một dòng chảy trì hoãn và dần đánh mất những giá trị bản thân. Vậy nên để tránh những nỗi lo lắng vô căn cứ về lối sống kỷ luật, mỗi chúng ta hãy nhìn trực diện vào những giá trị tích cực mà nó đem lại cho bản thân, gia đình và toàn xã hội rồi bắt tay ngay vào thực hiện nó. Tôi và bạn, chúng ta hãy cùng nhau tạo những thói quen kỷ luật ngay từ bây giờ, chắc chắn ngày chúng ta hái được “trái ngọt” sẽ đến sớm thôi !
Ý nghĩa của lối sống kỷ luật