Mẫu số 1: Mở bài Người lái đò sông Đà
Nguyễn Tuân là một trong các tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Ông là một nghệ sĩ lớn, nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển của văn học nước nhà. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân có thể tóm gọn trong một chữ “Ngông”. Để thể hiện phong cách này, trong mỗi trang viết của ông đều thể hiện sự độc đáo, tài hoa và uyên bác; luôn tiếp cận con người từ góc độ tài hoa, nghệ sĩ; luôn nhìn nhận sự vật từ phương diện văn hóa, mỹ thuật. Nguyễn Tuân thành công ở cả hai giai đoạn sáng tác trước và sau cách mạng tháng Tám. Thể loại sở trường của ông là Tùy bút, và rất nhiều tác phẩm đặc sắc. Trong đó, Tùy bút “Người lái đò sông Đà” có thể được xem là một trong những áng văn tiêu biểu nhất của ông.
Mẫu số 2: Mở bài Người lái đò sông Đà
Nguyễn Tuân là một nhà văn yêu cái đẹp, suốt đời ông đi tìm cái đẹp và suốt đời ông trăn trở về cái đẹp. Nếu như trước cách mạng tháng Tám, nhà văn Nguyễn Tuân đã thoát ly hiện thực để tìm cái đẹp ở một thời vắng bóng, thì sau cách mạng tháng Tám, vẫn giữ nguyên cốt cách về cái đẹp, vẫn là một con người đam mê và yêu cái đẹp, nhưng ông đã tìm ra nó ở một phương diện khác, đó là cái đẹp ở con người và thiên nhiên.
Tây Bắc là một mảnh đất “để duyên, để nợ” cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ. Và mỗi nhà văn, nhà thơ lại khai thác Tây Bắc ở một phương diện và góc độ khác nhau. Nguyễn Tuân cũng như vậy. Ông đã dành một món quà thiêng liêng và ý nghĩa tặng cho mảnh đất này bằng cách khai phá và khám phá ra cái “thứ vàng mười” của thiên nhiên Tây Bắc: vừa hùng vỹ lại thơ mộng, hay “chất vàng mười đã qua thử lửa” ở con người Tây Bắc thông qua tác phẩm “Người lái đò sông Đà”.
Mẫu số 3: Mở bài Người lái đò sông Đà
Nổi lên như một vì sao tinh tú trên thi đàn văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân được biết đến là một trong những cây bút có sức sáng tạo dồi dào bậc nhất với những thành tựu xuất sắc ở cả hai giai đoạn trước và sau cách mạng. Ông là một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, có cá tính độc đáo. Một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, viết về cái đẹp và say trong cái đẹp. Nguyễn Tuân thường khám phá thế giới ở văn hóa thẩm mỹ, thường miêu tả con người trong vẻ đẹp tài hoa của người nghệ sĩ. Ông sáng tác nhiều thể loại, nhưng đặc biệt thành công ở thể tùy bút. Tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân ở thể loại này là tùy bút “Người lái đò sông Đà”.
Mẫu số 4: Mở bài Người lái đò sông Đà
Nguyễn Tuân là một người nghệ sỹ luôn luôn đề cao tính nghệ thuật, đề cao cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ. Bởi chính ông là một phong cách vô cùng độc đáo trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Nguyễn Tuân luôn có ý thức viết sao cho không giống ai từ đề bài, nhân vật, lối kết cấu cho đến hành văn, cách dùng từ, đặt câu, … và trong thực tế sáng tác, Nguyễn Tuân đã làm đúng được như thế. Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” được rút ra từ tập tùy bút “Sông Đà”, xuất bản lần đầu năm 1960 thể hiện rõ phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân sau cách mạng thông qua vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ và hình ảnh người lao động bình thường nhưng tài ba và trí dũng.
Mẫu số 5: Mở bài Người lái đò sông Đà
Hiếm có một nhà văn nào mà lại được các nhà phê bình văn học xưng tụng là “bậc thầy phù thủy của ngôn ngữ, kho từ vựng phong phú của tiếng Việt” hay là “Văn của ông không dùng cho những người nông nổi, thường thức”, nhà văn ấy mới chỉ cầm bút hai năm đã nổi tiếng. Đó không phải là ai khác, mà chính là Nguyễn Tuân. Nhà văn Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đào và sâu sắc. Trước cách mạng tháng Tám, ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại mà ông thường gọi là “Vang bóng một thời” thì giờ đây, trong tư tưởng của Nguyễn Tuân không có sự đối lập giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Mong muốn tìm ra những đối tượng gây cảm giác mạnh ở những cảnh đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, đất nước và những thành tích của nhân dân trong chiến đấu, lao động. Tiêu biểu cho phong cách này là đoạn trích “Người lái đò sông Đà” được trích trong tập tùy bút “Sông Đà” của ông.