Những nhận định về bài thơ “Tây Tiến”

  1. “Tây Tiến là sự tiếp tục của một dòng thơ lãng mạn nhưng đã được tác giả thổi vào một hồn thơ rất trẻ, rất mới, khác hẳn những tiếng thơ bi lụy não nùng…”

(Vũ Thu Hương – Vẻ đẹp văn học cách mạng)​

  1. “Tạo dựng chân dung người lính đẹp một cách bi tráng và hào hoa như vậy, Quang Dũng đứng riêng biệt ra một lối khác người. Bản thân tác giả cũng trong đội hình những người lính đó. Tâm hồn tác giả hòa vào gương mặt tâm hồn những người lính trong thơ, để làm nên một kiểu chân dung người lính mang cốt cách nghệ sĩ: không chỉ giỏi chiến trận mà còn có năng lực phát hiện và yêu mến cái đẹp trong môi trường sống của mình.”

(Chu Văn Sơn, Tiếng nói tri âm 2, NXB Trẻ, 1996)​

  1. “Quang Dũng không viết một cái gì chung chung. Với anh, thơ là sản phẩm mang sắc thái riêng và cụ thể những gì anh đã sống trải, quan sát và ghi nhận được. Phần không nhỏ tạo nên sức hấp dẫn và giá trị lâu dài của thơ anh chính là ở tính cụ thể, chân xác ấy.”

(Mai Hương, Quang Dũng (1921-1988), Tạp chí Văn học số 3, 1990)​

  1. “Quang Dũng vào “làng” thơ cách mạng với bài thơ “Tây Tiến”. Như có mối duyên gì ràng buộc, bài thơ ấy gắn bó với người làm ra nó đến mức cứ nói đến Quang Dũng là người ta nhớ đến bài thơ Tây Tiến và ngược lại.”

(Trần Lê Văn, Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, báo Giáo viên nhân dân,1989)​

  1. “Chính niềm thương nhớ máu thịt và lòng tự hào chân thành của Quang Dũng về những người lính Vệ quốc đoàn – đồng đội ông trong đoàn quân Tây Tiến là âm hưởng chủ đạo của bài thơ đã khiến người đọc cảm động sâu xa. Thật hiếm thấy bài thơ nào viết về đồng đội lại thắm đượm ân tình chân thành đến thế.”

(Đặng Anh Đào, Tây Tiến, Giảng văn chọn lọc Việt Nam. NXB Hà Nội, 1998)​

  1. “Như vậy, hùng vĩ gắn với thơ mộng là cái nhìn riêng của hồn thơ lãng mạn Quang Dũng trước núi rừng Tây Bắc. Xuyên qua cảnh vật là hoài niệm tinh tế mà sâu nặng, bâng khuâng một tình yêu không nói hết của tác giả với một vùng đất nước gắn bó thiết tha một thời với người lính.”

(Nguyễn Quang Trung, Phân tích bình giảng tác phẩm văn học 12, NXB Giáo dục, 2004)​

  1. “… Tây Tiến … nơi mà con người Tây Tiến, chiến sĩ Tây Tiến, núi rừng Tây Tiến đã vượt ra ngoài những cảm quan ban đầu của hồn thơ Quang Dũng để đến với đại ngàn thi hứng. Nơi ấy, cuồn cuộn dòng chảy lạnh lùng và đa tình, hiện thực và lãng mạn, bi và tráng. Một Tây Tiến không chỉ níu kéo bước chân người lính trong nỗi niềm nhớ… Tất cả đều gợi ấn tượng của sự “lạ hóa”, của những vẻ đẹp kì ảo khó gọi tên…”.

(Đinh Minh Hằng, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng, NXB Giáo dục).​

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *