Nhận xét về chi tiết kết thúc truyện “Chí Phèo”

Nhà văn Ai-ma-tốp đã từng nhận định rằng: “Một tác phẩm chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng”. Bởi lẽ khi nhà văn đặt dấu chấm hết cho tác phẩm thì cũng đồng thời mở ra cho nó một đời sống mới, sống trong những trăn trở và tình cảm của bạn đọc. Với Nam Cao ông cũng để cho tác phẩm “Chí Phèo” của mình có một cái kết đầy day dứt, suy ngẫm trong lòng bạn đọc như vậy. Kết thúc truyện “Chí Phèo” là chi tiết: Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng: “Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào?” Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…”. Với một cái kết bỏ ngỏ như vậy, Nam Cao đã tô đậm thêm giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm đồng thời để “Chí Phèo” mang giá trị riêng trong dòng chảy văn học.

Trước hết phải nói về vai trò, ý nghĩa của kết thúc truyện đối với văn học nghệ thuật. Trong tác phẩm văn học, kết thúc truyện là khâu cuối cùng để hoàn thành văn bản, có vai trò quan trọng trong việc khái quát nội dung, chủ đề tư tưởng, tăng khả năng nhấn mạnh và biểu cảm cho tác phẩm văn chương, đồng thời góp phần mở ra những tầng ý nghĩa mới. Phần kết thúc trong văn bản nghệ thuật mang đậm dấu ấn và cá tính sáng tạo của nhà văn. Kết thúc không chỉ có ý nghĩa giản đơn là sự dừng lại hay chỉ là kết thúc số phận nhân vật, kết thúc mâu thuẫn mà kết thúc truyện còn có vai trò gợi mở ra nhiều vấn đề của cuộc sống, của quá khứ, hiện tại và tương lai, tạo nên sự đồng sáng tạo đối với người đọc. Người đọc sẽ thực sự tâm đắc khi thưởng thức phần kết truyện độc đáo ấn tượng. Do đó, phần kết truyện phải tạo ra những âm vang in dấu ấn trong tâm tưởng người đọc, khiến cho họ phải suy nghĩ về các vấn đề mà tác giả đặt ra trong tác phẩm. Chính nhà văn Đỗ Chu đã từng viết: “Kết thúc truyện: đó là một hành động dễ gây ra những gì xúc động đột ngột. Ta sẽ rất sung sướng nếu cảm thấy vừa khép kín một cái gì hình thành. Và ta sẽ buồn bã biết bao nếu chợt nhận ra mình đã lầm lẫn. Ở phút dừng lại, có thể biết những gì mình đã viết ra thành công đến đâu.”

Với cái kết của truyện ngắn “Chí Phèo” làm dấy lên trong suy nghĩ bạn đọc về những điều tác giả gợi mở ở cuối truyện, phải chăng trong bụng thị là đứa con đã được thành hình sau những ngày tháng chung sống như vợ chồng với Chí Phèo? Thị sẽ vượt qua định kiến để nuôi nấng đứa nhỏ hay lựa chọn bỏ lại ở chiếc lò gạch hoang như người mẹ khốn khổ của Chí Phèo đã từng làm? Chi tiết chiếc lò gạch cũ lần nữa xuất hiện càng khắc họa sâu sắc thêm suy ngẫm trong lòng bạn đọc. Nam Cao không để cái chết của Chí Phèo là dấu chấm hết cho tác phẩm. Bởi nếu dừng lại ở đấy, thì truyện sẽ chỉ bó hẹp trong một số phận, một cuộc đời của một con người. Cái chết của Chí là một cái sự kết thúc bị thảm cho nhân vật nhưng nó chưa chấm dứt hoàn toàn tấn bị kịch. Khi Chí Phèo chết thi sẽ có thêm Chí Phèo con ra đời, và ai dám chắc trong một cái xã hội phong kiến đầy bất công như vậy lại không có thêm những cường hào, Bá Kiến khác. Như vậy cái kết đã gợi mở sự tiếp diễn của hiện tượng Chí Phèo như là một điều tất yếu của xã hội đương thời.

Đồng thời hình ảnh cái gạch cũ ở cuối tác phẩm cũng tạo ra một kết cấu đầu cuối tương ứng. Tác phẩm mở ra bằng hình ảnh cái lò gạch cũ bỏ hoang nơi Chí Phèo bị bỏ rơi và kết lại cũng là hình ảnh cái lò gạch cũ bị bỏ hoang, xa nhà cửa và vắng người qua lại- có thể là nơi Thị Nở sẽ sinh ra đứa trẻ và bỏ rơi nó vì không có khả năng nuôi dưỡng hay thừa nhận. Kết cấu này không chỉ tạo ra sự logic cho tác phẩm mà còn hé mở một quy luật tàn khốc: chừng nào còn có một xã hội thu nhỏ như làng Vũ Đại, còn có những tay cường hào ác bá như Bá Kiến, đội Tảo, lý Cường thì chừng ấy sẽ có những hiện tượng như Binh Chức, Năm Thọ, Chí Phèo. Cái kết đó cũng đã phản ánh phần nào hạn chế mang tính tất yếu của văn học giai đoạn 1930-1945, thời kỳ mà người nông dân chưa có cách mạng soi đường, dẫn lỗi để rồi lão Hạc phải tự tử vì day dứt lương tâm (“Lão Hạc”- Nam Cao), chị Dậu phải bỏ chạy giữa màn đêm mờ mịt như số phận của chính mình (“Tắt đèn”- Ngô Tất Tố), vì hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ không cho họ được quyền lựa chọn một cái kết khác.

Qua chi tiết kết thúc truyện đã thể hiện được tinh thần nhân đạo sâu sắc của nhà văn Nam Cao khi đồng cảm, thấu hiểu được cuộc sống bất hạnh, bị chà đạp và tha hóa của người nông dân trong xã hội cũ. Bên cạnh đó qua việc khắc sâu mâu thuẫn của người nông dân và tầng lớp địa chủ vẫn luôn tồn tại, Nam Cao cũng đã đặt ra yêu cầu về hướng giải quyết để thay đổi thực tại, giải phóng cho tầng lớp nhân dân, đó cũng chính là cái giá trị đích thức mà nhà văn, “nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” muốn hướng tới.