I. Chủ đề và đề tài.
– Nhà văn dùng chất liệu từ cuộc sống để xây dựng nên tác phẩm. Tài liệu mà cuộc sống cung cấp cho nhà văn gọi là đề tài.
– Đề tài trong văn học tồn tại dưới mọi hình thức duy vật của cuộc sống. Đề tài phản ánh có thể rộng (Truyện Kiều; Hoàng lê nhất thống chí => Tác phẩm có nhiều đề tài), có thể hẹp (Bánh trôi nước; Đề đền sầm nghi Đống => Tập trung vào những đề tài cố định).
– Từ một đề tài nhỏ vẫn có thể rút ra một chủ đề lớn (Bánh trôi nước)
– Chủ đề là vấn đề mà nhà văn nhận thức được từ đề tài trong cuộc sống, nêu lên thành vấn đề chủ yếu và tìm cách giải quyết trong tác phẩm theo thế giới quan cá nhân của mình. Ví dụ: Từ một đề tài “bánh trôi nước”, nữ sĩ Xuân Hương đã rút ra, thể hiện thành công một vấn đề mang tính cốt lõi của xã hội đương thời: phẩm chất và thân phận của con người.
– Chủ đề sẽ là kim chỉ nam để nhà văn hướng đến và hoàn thiện tác phẩm của mình. Một tác phẩm không có chủ đề rõ ràng sẽ trở nên mơ hồ, khó tiếp nhận. Chủ đề mang tính thống nhất mọi yếu tố trong tác phẩm: sáng tạo, phản ánh, nội dung, hình thức,… Ngược lại mọi yếu tố trong tác phẩm phải tuân theo hướng đi của chủ đề và đề tài.
– Cách lựa chọn chủ đề và đề tài phản ánh chân thực phong cách và nhân cách của nhà văn.
– Một chủ đề hay phải là một chủ đề mới, sâu, phát hiện và lý giải đúng những băn khoăn, trăn trở của cuộc đời và nhà văn sẽ là người lĩnh hội và tìm ra hướng giải quyết.
* Bài tập luyện tập:
Câu 1: Xác định đề tài và chủ đề trong bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên.
Câu 2: Chủ đề trong truyện ngắn “Lão Hạc” mà Nam Cao hướng đến là gì ? Từ đó nêu suy nghĩ của em về phong cách văn học của Nam Cao.
Câu 3*: Cùng một chủ đề và đề tài nhưng nhiều nhà văn sẽ có cách khai thác khác nhau. Theo em đó là bản chất gì của văn học? Bản chất ấy có phải là điều kiện đủ để văn học sống còn hay không
II. Nội dung
– Văn học phản ánh hiện thực nhưng không phải là sự sao chép hời hợt nông cạn mà thông qua sự sáng tạo và thế giới quan cá nhân của nhà văn.
– Nội dung tác phẩm văn học là toàn bộ những ý nghĩa, tư tưởng, tâm tư, tình cảm trước cuộc sống mà nhà văn muốn gửi gắm đến người đọc thông qua đứa con tinh thần của mình.
– Ví như văn học là một tảng băng trôi thì phần nổi là hình thức và phần chìm là nội dung. Nghĩa là để hiểu hết mọi điều tác giả muốn gửi gắm, người đọc phải nâng cao tầm đón nhận của mình. Hiểu được nội dung tức là hiểu được cốt lõi của tác phẩm.
– Nội dung cần có hai chú ý yêu cầu như sau: Nội dung phải chân thật và nội dung phải nhân đạo. Thiếu mất cả hai thì tác phẩm sẽ không còn mang giá trị đích thực.
+ Nội dung chân thật là không che giấu sự thật, phát hiện được mọi bức thiết của cuộc sống.
+ Nội dung nhân đạo là thông qua vấn đề nhận thức nhà văn thể hiện sự quan tâm, đồng cảm, đấu tranh và băn khoăn tìm ra lối thoát cho con người. Trân trọng và nâng niu tình người.
III. Hình thức
– Nội dung là cái thứ nhất nhưng chưa phải là điều kiện đủ của văn học. Nội dung phải được thể hiện bằng một hình thức sáng tạo độc đáo, thích hợp mới có sức mạnh. Nội dung quyết định hình thức nhưng hình thức ảnh hưởng to lớn đến nội dung.
– Nội dung và hình thức gắn bó với nhau chặt chẽ như thịt với da. Khi tiếp nhận tác phẩm cần đánh giá mối quan hệ giữa nội dung và hình thức.
– Hình thức của tác phẩm bao gồm: Thể loại, kết cấu, bút pháp, nghệ thuật thể hiện, ngôn từ,… phản ánh trình độ sáng tạo của nhà văn.
– Hình thức hay là hình thức có tính sáng tạo cao và phù hợp nhất với nội dung, có sức biểu hiện cao, gây ấn tượng mạnh và sâu sắc.