Triết lí nhân sinh hay nhân sinh quan là vấn đề quan trọng đối với mỗi con người, là toàn bộ những kinh nghiệm, cách nhìn nhận chung nhất về cuộc sống của con người và cũng là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt mục tiêu, hành động của con người. Bên cạnh đó nhân sinh quan còn là nguồn gốc của mọi suy nghĩ, hành vi và chi phối các hoạt động của con người trong đời sống. Nói vắn tắt thì nó là cách người ta nhìn cuộc đời hay là cái đạo làm người của người ta. Trong đoạn trích Lưu Quang Vũ đã thể hiện những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc. Nếu trong tích truyện dân gian, được sống là niềm hạnh phúc lớn lao, nên mặc dù mang thân anh hàng thịt nhưng Trương Ba vẫn sống cuộc sống vui vẻ, thì trong vở kịch của Lưu Quang Vũ, việc phải trú nhờ vào thân xác thô kệch của anh hàng thịt lại là một nghịch cảnh phi lý, trái tự nhiên, là hoàn cảnh trớ trêu mà hồn Trương Ba buộc phải chấp nhận, quy phục. Đây chính là mấu chốt của tấn bi kịch mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt. Chính vì vậy cuộc đối thoại giữa hồn và xác tuy căng thẳng, quyết liệt nhưng mang đến nhiều ý nghĩa và triết lí nhân sinh sâu sắc. Trong tích truyện cổ, dân gian tuyệt đối hóa vai trò của linh hồn, cho rằng hồn luôn quyết định và điều khiển thể xác. Còn ở đây Lưu Quang Vũ đã thể hiện quan niệm mới mẻ là linh hồn và thể xác dù có mối quan hệ hữu cơ với nhau nhưng chúng vẫn có sự tồn tại độc lập tương đối, chi phối lẫn nhau. Sự chi phối của xác hàng thịt với hồn Trương Ba cho thấy rất rõ điều đó. Hơn nữa, hồn và xác là những ẩn dụ nghệ thuật. Xác hàng thịt là ẩn dụ cho bản năng, nhu cầu ham muốn, dục vọng tầm thường của con người, hồn Trương Ba là thế giới tinh thần luôn hướng đến sự thanh cao, trong sạch, lương thiện.
Xung đột giữa Hồn và Xác là một tình huống kịch đặc sắc, tô đậm bi kịch “bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo”, sự thiếu hài hòa, không thống nhất trên các phương diện: linh hồn và thể xác, vật chất và tinh thần, nội dung và hình thức, bản năng và lý tưởng, cao cả và tầm thường… là xung đột dai dẳng giữa các mặt tồn tại trong một con người. Có thể nói cuộc đấu tranh giữa linh hồn và xác thịt chính là cuộc đấu tranh giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng, giữa phần người và phần con trong mỗi con người. Trong cuộc đấu tranh thường xuyên diễn ra trong con người ấy thì linh hồn phải biết kiểm soát, chế ngự thể xác chứ không được để thể xác lấn át rồi đổ hết tội cho nó. Nếu để thể xác lấn át, con người sẽ trở nên phàm phu, thô tục, tha hóa, sẽ chạy theo những ham muốn tầm thường. Từ bi kịch của hồn Trương Ba không được sống là mình, Lưu Quang Vũ đặt ra vấn đề khuyên người ta phải biết sống hài hòa giữa linh hồn và thể xác, sống đúng là mình. Ông cũng phê phán lối sống giả, không đúng là mình khiến con người dễ bị tha hóa. Mặt khác, tác giả cũng phê phán lối sống chỉ vì linh hồn, vì quá trọng linh hồn mà bỏ bê thể xác khiến thể xác nhếch nhác, khổ sở. Đó cũng là lối sống duy tâm, cực đoan, lười biếng và không tưởng. Sự tha hóa của hồn Trương Ba còn khiến chúng ta nhận ra rằng con người sống trong môi trường dung tục rất dễ bị tha hóa, dung tục hóa.
Điều này làm ta nhớ đến một câu nói “Những thói xấu ban đầu là người khách lạ qua đường, sau đó là người bạn thân ở chung nhà và kết cục trở thành ông chủ khó tính” hoặc nhớ đến câu tục ngữ mà cha ông ta bằng trải nghiệm của mình đã đúc rút thành “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Vì vậy, con người cần luôn tự hào về đời sống tâm hồn của mình; dũng cảm nhìn thẳng vào sự tha hoá của bản thân; nỗ lực đấu tranh với nghịch cảnh, với dục vọng tầm thường để vươn tới những giá trị tinh thần cao quý. Sâu sắc hơn, từ mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác trong đoạn trích, Lưu Quang Vũ còn hướng chúng ta đến mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Nội dung và hình thức vốn là hai phạm trù khác nhau, không thể từ cái nọ suy ra cái kia nhưng chúng phải thống nhất với nhau trong một chỉnh thể . Nếu đúng thống nhất và phù hợp với nhau thì có thể tạo nên giá trị và sức mạnh. Còn nếu chúng không phù hợp với nhau sẽ làm giảm giá trị, thậm chí có nguy cơ đe dọa đến đến sự tồn tại của sự vật hiện tượng.