Ví dụ minh họa được lấy từ chính bài làm của học sinh (được ẩn danh kĩ càng).
A. LỖI CHÍNH TẢ.
– Lớp mình chủ yếu mắc các lỗi chính tả về các từ láy do có sự khác nhau về vùng miền, cũng như có những từ bị lệch chuẩn hóa trong văn nói dẫn đến việc học sinh không biết cách viết chính tả.
Vd: chân trọng (trân trọng), vô hình chung (vô hình trung), chính sác (chính xác), bức phá (bứt phá), bước ngoặc (bước ngoặt)….
– Ngoài ra, các bạn còn sai chính tả do chưa hiểu nghĩa của một số từ có cấu tạo là từ Hán Việt.
Vd: tiến chình (tiến trình), thăm quan (tham quan),….
B. LỖI DÙNG TỪ.
B.1, Dùng thừa từ.
– Nhiều bạn trong lớp mình dùng nhiều từ có nghĩa giống nhau ở cạnh nhau, làm xuất hiện trường hợp thừa từ.
Vd:
– “tối ưu nhất” -> sai vì “tối ưu” đã mang nghĩa là tốt nhất rồi nên thêm chữ “nhất” vào thì sẽ bị dư.
– “Tác giả nhà thơ” -> từ tác giả đã bao hàm cả từ “nhà thơ” rồi.
B.2, Lặp từ.
– Hiện tượng lặp từ rất phổ biến trong lớp mình. Các bạn dùng một từ nhiều lần, trong cùng 1 câu hoặc nhiều câu sau đó.
Vd: “Hay chính những giai nhân mà chính tác giả đã từng mơ ước”.
B.3, Dùng từ sai ngữ cảnh do chưa phân biệt được các từ có cùng trường nghĩa.
Một số bạn tìm cách khắc phục lỗi lặp từ bằng cách sử dụng từ gần nghĩa, nhưng các bạn chưa phân biệt được bản chất của chúng nên có hiện tượng dùng từ sai.
Vd:
- “Nguyễn Tuân là một người có tầm nhìn viễn vọng, một lúc đã bao quát cả thác đá sông Đà” -> Bạn cố tình thay từ “xa” thành “viễn vọng”. Nhưng thực chất cụm từ “nhìn xa” ở đây mang nghĩa là có tầm nhìn bao quát, rộng lớn. Còn từ “viễn vọng” lại thường dùng ở cự li rất xa, ngoài ra sự kết hợp “nhìn viễn vọng” còn mang hàm ý là trông đợi một thứ gì đó ảo tưởng. Nên trường hợp này bạn dùng từ sai.
- Nguyễn Tuân là một cây bút đa tài của nền văn học Việt Nam thời gian đổi mới. -> sửa lại thành “thời đại” hoặc “thời kì”.
- Dùng ngoại ngữ:
Ngoại trừ các thuật ngữ khoa học, tên riêng thì các bạn không được viết ngoại ngữ dưới mọi hình thức. Điều đó thể hiện rằng các bạn chưa có vốn từ tốt để diễn đạt nó sang tiếng Việt.
Ví dụ: Nhiều bạn trẻ ngày ngày sống ảo, chạy theo những cái like, cái share…
-> Sửa lại: Nhiều bạn trẻ ngày ngày sống ảo, chạy theo những tương tác…
C. LỖI VIẾT CÂU VÀ DIỄN ĐẠT CÂU.
- Diễn đạt tối nghĩa do sắp xếp sai các thành phần trong câu.
– Ở lỗi này, học sinh thường đặt thành phần bổ ngữ ở vị trí chưa phù hợp, gây hiểu nhầm cho người đọc:
Vd: “Tô Hoài là một trong những cây bút chuyên viết về truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Việt Nam.”
-> Câu này bạn diễn đạt tối nghĩa vì có thể hiểu theo nhiều cách:
+ Tô Hoài là một nhà văn xuất sắc
+ Truyện ngắn của ông xuất sắc.
-> Để sửa thì mình sẽ điều chỉnh lại thành phần trong câu: “Tô Hoài là một trong những cây bút xuất sắc chuyên viết về truyện ngắn của nền văn học Việt Nam.”
Vd2: “Tô Hoài đã khắc họa nên nhân vật Mị mang tâm hồn khát khao sống, khát khao tự do bằng ngòi bút của mình.
-> Sửa lại: Tô Hoài, bằng ngòi bút của mình, đã khắc họa nên nhân vật Mị mang tâm hồn khát khao sống, khát khao tự do.
Lưu ý là phải có dấu phẩy hai bên vì khi đổi vị trí thì ngữ màu đỏ đã trở thành trạng ngữ, mà theo nguyên tắc thì trạng ngữ phải được ngăn cách với nòng cốt bằng dấu phẩy.
- Diễn đạt mâu thuẫn ý.
– Đây là lỗi mà các bạn viết ý trên “vả” ý dưới, hai ý tương khắc với nhau về nghĩa.
Ví dụ:
– “không lay động khe khẽ” -> Đã “không lay động” rồi thì lấy đâu ra “khe khẽ”.
– “bình thản nhưng cũng vô cùng dữ dội”
– “Phép so sánh bờ sông Đà khiến cho hình ảnh càng trở nên cụ thể. Từ một bãi đá của đời thực đã trở thành một chốn huyền ảo của “bờ tiền sử”, mơ hồ như một “nỗi niềm cổ tích”.
- Diễn đạt đứt mạch ý.
– Đây là trường hợp các bạn viết ý trên và ý dưới không có sự liên kết. Hai ý một cái ở Lạng Sơn, một cái ở Cà Mau.
Vd: Có một câu nói rất hay: “Hai người tù cùng nhìn qua khung cửa sổ, người chỉ thấy song sắt, người còn lại thì thấy những vì sao”. Vì vậy, chúng ta cần phải nỗ lực hết mình để thấu hiểu được giá trị của sự lắng nghe trong cuộc sống.
-> Câu đầu và câu sau là hai thế giới khác nhau.
Vd2: Bằng sự am hiểu sâu sắc về tâm lý con người, Tô Hoài đã khắc họa thành công giá trị nhân đạo cho đoạn trích.
-> Tự nhiên đang “tâm lý” cái xuống câu sau thành “nhân đạo”.
Vd3: “Mị sẽ bị trói thay vào nơi mà A Phủ bị trói nếu A Phủ trốn thoát. Số phận của những người nông dân nghèo vô cùng đau khổ dưới tay cường quyền. “
- Diễn đạt bị chập các thành phần ngữ pháp.
– Lỗi diễn đạt này nằm ở chỗ học sinh tự ý gộp các thành phần câu với nhau làm cho câu bị thiếu, bị cụt
- Chập phụ chú và vị ngữ.
Vd: Tô Hoài – một nhà văn đa tài đã viết nên truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.
-> Ở câu này, bạn đó đã chập phụ chú ngữ với vị ngữ làm một, dẫn đến việc thiếu vị ngữ. Cách sửa là đặt dấu “-” để kết thúc phụ chú: Tô Hoài – một nhà văn đa tài – đã viết nên truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”
- Chập chủ ngữ và trạng ngữ
Vd: Qua bài thơ “Tây Tiến” đã cho ta thấy vẻ đẹp của những người lính hào hùng, hào hoa.
-> Bạn này đã chập trạng ngữ với chủ ngữ, khiến cho câu này nòng cốt chưa có chủ ngữ. Cách sửa là bỏ từ “qua” hoặc thêm chủ ngữ vào: Qua bài thơ “Tây Tiến”, tác giả đã cho ta thấy vẻ đẹp của những người lính hào hùng, hào hoa.
- Lựa chọn liên ngữ, quan hệ từ chưa phù hợp.
Vd: Tuy là một nhà văn nông thôn nên Kim Lân đã viết những truyện ngắn vô cùng thân thuộc với người đọc.
-> Câu này mối quan hệ phải là nhân quả, không phải nghịch đối. Và quan hệ từ “Tuy” không thể đi với “nên”.
Vd2: Mặc dù Mị đã cắt dây trói cho A Phủ nhưng sau đó cô đã đứng lặng trong bóng tối.
-> Xét về mặt kết cấu văn bản thì hai vế này mang mối quan hệ tuyến tính, không phải mối quan hệ đối lập. Sửa thành “Sau khi” và bỏ cụm “nhưng sau đó”.
- Lỗi tách, gộp câu không phù hợp.
Một số bạn khi viết do bị ảnh hưởng của văn nói nên các bạn chưa đặt dấu câu tốt, dẫn đến việc cách bạn tách hoặc gộp câu sai yêu cầu, làm cho diễn đạt bị mơ hồ, tối nghĩa.
Ví dụ:
– “Bằng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, Kim Lân đã khắc họa thành công bữa cơm ngày đói vô cùng thảm hại, đáng thương, ngoài ra, Kim Lân còn miêu tả độc đáo chân dung của những người nông dân ham sống, mặc cho cái chết đang đến gần.”
-> Ở ngữ cảnh này, bạn gộp câu không phù hợp do chưa nắm được lý thuyết câu.
+ Trong tiếng Việt, có 2 loại câu ghép chính là câu ghép chuỗi và câu ghép có quan hệ từ. Nhưng ở đây, cụm từ “ngoài ra” không phải quan hệ từ mà là “liên ngữ”, mà câu ghép thì không thể được kết nối bởi “liên ngữ”, nên trường hợp này bắt buộc phải tách câu.
Sửa: “Bằng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, Kim Lân đã khắc họa thành công bữa cơm ngày đói vô cùng thảm hại, đáng thương. Ngoài ra, Kim Lân còn miêu tả độc đáo chân dung của những người nông dân ham sống, mặc cho cái chết đang đến gần.”
* Ngôn ngữ là vỏ bọc của tư duy, việc sử dụng tốt ngôn ngữ sẽ giúp cho các bạn có thể tư duy hầu hết các bộ môn khoa học (không chỉ riêng môn Văn). Vì thế nên cô và các anh/chị rất mong rằng các bạn sẽ nhận ra lỗi sai từ file này (và cả phần 1 nữa) để phấn đấu và cải thiện cách sử dụng ngôn ngữ của mình. Vì nếu các bạn chỉ có ý tưởng mà không biết cách truyền đạt thì cũng sẽ rất khó để nó có thể chạm đến trái tim người đọc. – TG Huy