Các phương pháp sửa lỗi, cải thiện diễn đạt mà học sinh nên biết

A. CÁCH CẢI THIỆN DIỄN ĐẠT. 

  1. Đọc nhiều để mở rộng vốn từ. 

Đọc không chỉ mang lại cho chúng ta kiến thức mà còn là một hình thức rất tốt để cải thiện kĩ năng viết. Thông qua việc đọc thường xuyên, học sinh sẽ biết thêm nhiều từ mới, nhiều cách diễn đạt mới để làm phong phú cho bài viết của mình. 

Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng biết cách đọc hiệu quả, hãy tham khảo một số thủ thuật sau đây:

+ Đừng chỉ đọc bằng mắt, hãy cầm trên tay một cây bút dạ quang hoặc bút chì để đánh dấu lại những ý chính quan trọng giúp ta nắm được thông tin của bài. 

+ Song song với việc đọc ý chính, khi gặp một từ vựng nào đó mới lạ, hoặc được sử dụng một cách vô cùng hay, độc đáo thì ta cũng nên khoanh lại hoặc ghi ra một cuốn sổ tay nhỏ. 

+ Trong lúc đọc, nếu gặp từ khó hiểu, hãy đọc chú thích hoặc tra từ điển nghĩa của nó. Trong lúc tra từ điển, đừng chỉ tập trung vào nghĩa thông thường mà hãy đọc hết tất cả trường hợp nghĩa khác của nó. 

Vd: từ “bất tử” có nghĩa là không chết, nhưng ở phương ngữ Nam Bộ, nó còn có nghĩa là bất thình lình, không báo trước: “Sao con tới bất tử mà không bảo cô ?”. 

  1. Có kiến thức ngữ pháp tiếng Việt. 

Học sinh sẽ không thể nào viết đúng, viết hay nếu như mù mịt kiến thức ngữ pháp tiếng Việt. Vì vậy để diễn đạt hay (thậm chí chuyên nghiệp) thì cần phải hiểu cách ngôn từ vận hành thế nào. 

Vd một câu diễn đạt sai ngữ pháp: Được sáng tác vào những năm tháng chiến tranh khói lửa, Nguyễn Khoa Điềm viết nên bài thơ “Đất Nước” với mong muốn đánh thức sứ mệnh và trách nhiệm của thế hệ trẻ ở những vùng đô thị tạm chiếm. 

Sửa cho đúng ngữ pháp: Được sáng tác vào những năm tháng chiến tranh khói lửa, tác phẩm “Đất Nước” được viết nên với mong muốn đánh thức sứ mệnh và trách nhiệm của thế hệ trẻ ở những vùng đô thị tạm chiếm. 

Nếu học sinh không có kiến thức ngữ pháp, không biết cách dùng từ, dấu câu, đặt câu cho đúng thì việc diễn đạt hay là chuyện không thể. 

  1. Tập cách sử dụng, chắt lọc từ ngữ. 

Từ ngữ Tiếng Việt có rất nhiều từ cùng trường nghĩa. Nếu học sinh không lựa chọn đúng những từ phù hợp thì diễn đạt sẽ không hay nữa. Vì vậy học sinh phải cân nhắc dùng từ cho phù hợp với ngữ cảnh và khả năng kết hợp của các từ. 

Các bạn cùng làm thử 2 câu trắc nghiệm dưới đây để kiểm tra khả năng dùng từ nha. 

a, Những người lính Tây Tiến ấy đã ________ nhưng tâm hồn của các anh sẽ mãi rực sáng trong lòng người đọc. 

  1. từ trần B. tạ thế C. hi sinh D. lìa đời

Chắc chắn là câu C rồi vì “từ trần”, “tạ thế” hay “lìa đời” đều là những từ mang nghĩa thông thường là chết. Còn “hi sinh” cũng có nghĩa là chết nhưng nó dành cho những người có công lao với tổ quốc, với dân tộc. 

b, _______ của toàn bộ mặt trận phía Bắc chính là những căn cứ địa trên vùng đất Việt Bắc. 

  1. yếu điểm B. điểm yếu C. trọng yếu D. thiết yếu

Đáp án là câu A. “yếu điểm” là những phần rất quan trọng, chi phối sâu sắc đến những thành phần khác. “điểm yếu” có nghĩa là điểm hạn chế, “trọng yếu” là một tính từ, không thể đứng vị trí của danh từ; “thiết yếu” cũng tương tự như vậy

  1. Tạo sự liên kết giữa các ý với nhau để diễn đạt logic. 

Diễn đạt không chỉ hay mà đòi hỏi còn phải có sự mạch lạc, logic. Vì vậy học sinh phải biết cách sử dụng 7 phương thức liên kết để nối các ý với nhau, giúp cho diễn đạt được nối tiếp, liền mạch:

+ phương thức thế

+ phương thức nối

+ phương thức lặp

+ phương thức liên tưởng

+ phương thức nghịch đối

+ phương thức tỉnh lược

+ phương thức tuyến tính.

B. CÁCH SỬA DIỄN ĐẠT

  1. Có thói quen đọc lại bài. 

Học sinh không có thói quen đọc lại những gì sau khi viết sẽ rất dễ lặp từ – một lỗi khiến cho diễn đạt bị xơ cứng. Vì vậy hãy tập cho mình thói quen kiểm tra những gì bản thân đã viết để kịp thời điều chỉnh, sửa lỗi. 

Cách kiểm tra:

+ Đọc lại những gì đã viết (có thể đọc thành tiếng) và phát hiện những lỗi diễn đạt sai.

+ Tiến hành sửa chữa cho phù hợp hơn. 

Học sinh không chỉ nên đọc lại sau khi viết xong mà trong lúc viết, học sinh cũng phải tập trung để ý những gì mình đã viết cách đây mấy giây trước. Giai đoạn đầu sẽ rất khó để thực hiện nhưng khi đã quen rồi, các bạn sẽ có phản xạ vừa viết, vừa nhìn lại câu phía trước mà không làm chậm tốc độ làm bài. 

  1. Rèn luyện để não không “bật chế độ” văn nói khi làm bài. 

Rất nhiều bạn diễn đạt chưa hay, chưa đúng ngữ pháp do bị ảnh hưởng bởi văn nói (văn nói thường lệch chuẩn, lặp từ và không có dấu câu; từ ngữ cũng rất đơn giản). Bộ não của các bạn luôn có hai ngăn ngôn ngữ là văn nói và văn viết; khi viết, não bắt buộc phải bật chế độ của văn viết. Nhưng một vài trường hợp, khi các bạn viết nhưng sự chuyển đổi từ văn nói sang văn viết nó bị gián đoạn và diễn ra không hoàn toàn; khiến các bạn viết nửa nạc, nửa mỡ rất khó chịu .Vì vậy hãy đọc thật nhiều, viết thật nhiều để khi đặt bút viết, não sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi hệ thống của văn nói nữa. 

  1. Có người chữa bài, giúp bạn nhận diện lỗi sai và gợi ý diễn đạt cho các bạn. 

Nếu bạn cảm thấy việc tự chữa diễn đạt quá khó khăn, hãy tìm người giúp đỡ bạn. Hãy tìm cho mình những người đủ khả năng, đủ trình độ để đọc, nhận xét và gợi ý sửa lỗi cho mình. Từ đó bạn sẽ có thể nâng cấp diễn đạt vô cùng nhanh chóng. Và những khóa học của cô Sương Mai – nơi các bạn được chấm chữa 1-1 chính là giải pháp lý tưởng giúp các bạn chữa diễn đạt nhanh chóng và hiệu quả nhất. 

Cô Sương Mai và các anh/chị trợ giảng đều là những người có kiến thức Tiếng Việt rất vững và có khả năng diễn đạt tốt, biết cách chỉ ra những lỗi sai của các bạn và đề xuất những phương án khắc phục tốt nhất. Với hình thức luyện đề trên giấy + chấm bài bằng tay, các bạn sẽ được luyện đề và chấm chữa một cách gần gũi, tối ưu cho việc cải thiện diễn đạt nhất. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *