* Lý luận chung về thể loại truyện
– Truyện là khái niệm dùng để chỉ những văn bản văn học được viết theo thể thức tự sự nói chung (Lấy phương thức tự sự là phương thức chủ đạo).
– Để có những góc nhìn cụ thể hơn, chúng ta có thể khu biệt khái niệm cụ thể hơn trong thể loại truyện:
+ Truyện ngắn, vừa, dài: là truyện có dung lượng ngắn, vừa hoặc dài.
+ Truyện thơ: Là những tác phẩm thơ có cốt truyện (Vd: “Truyện Kiều”, “Lục Vân Tiên”…)
+ Truyền kỳ: Là tác phẩm truyện được ghi chép tản mạn, mang yếu tố hoang đường, ly kỳ.
– Đặc trưng thể loại: Truyện thường có những kết cấu sau đây
+ Cốt truyện: là hệ thống cấu trúc nội dung của một câu chuyện, bao gồm các tình huống truyện, xung đột truyện, làm câu chuyện trở nên hấp dẫn, ý nghĩa hơn. Tuy nhiên cũng có một số tác phẩm vượt qua ngoài sự quy phạm này, đó là những truyện ngắn không có cốt truyện.
+ Tình huống truyện: Là một phần của cốt truyện. Tình huống được định nghĩa là những biến cố làm nảy sinh ra câu chuyện. Nhờ có tình huống mà truyện ngắn có thể thành công dồn nén hiện thực thông qua một lát cắt. Tình huống truyện được chia thành: tình huống nhận thức, tình huống hành động, tình huống tâm trạng.
+ Người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật: Truyện kể chỉ tồn tại khi có người kể chuyện. Trong nhiều loại hình tự sự dân gian, người kể chuyện thường trực tiếp kể lại. Còn trong thể loại truyện hiện đại, ngôi kể có phần đa dạng hơn:
* Ngôi thứ nhất (trực tiếp): Người kể nhập tâm hoàn toàn vào nhân vật, lấy góc nhìn của nhân vật đó để kể lại câu chuyện. Nhược điểm của lối kể này là dễ làm mạch truyện đi theo hướng chủ quan, những dòng suy nghĩ đè nén mạch truyện và làm lu mờ đi các nhân vật khác.
* Ngôi thứ ba (gián tiếp): Người kể là người đứng bên ngoài để quan sát, đánh giá và thuật lại câu chuyện. Nhược điểm của lối kể này là quá khách quan, không làm nổi bật nội tâm nhân vật.
* Nửa trực tiếp: Đây là lối kể phổ biến của truyện ngắn hiện đại. Trần thuật nửa trực tiếp là khi người kể vẫn giữ ngôi kể thứ ba nhưng điểm nhìn trao cho nhân vật tự kể. Nghĩa là dù nhà văn đứng ở ngoài kể lại câu chuyện nhưng người đọc vẫn hình dung đó chính là suy nghĩ, tâm trạng thầm kín của nhân vật.
Vd: “Ước gì bây giờ lại được gặp má. Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xoong cơm đi làm đồng để ở dưới xuồng lên cho Việt Ăn “ (Trích “Những đứa con trong gia đình”, Nguyễn Thi)
=> Dù nhà văn không đặt bản thân vào nhân vật Việt để xưng “tôi”, nhưng rõ ràng người đọc vẫn cảm nhận chính như câu văn tưởng chừng như hoàn toàn khách quan ấy đang chảy trôi trong chính tâm trạng của nhân vật, là do nhân vật nghĩ ra và tự bộc bạch.
Trần thuật nửa trực tiếp chính là lối kể đem lại hiệu ứng cảm xúc mạnh nhất. Không chỉ giữ được sự khách quan cho thiên truyện mà còn tạo cơ hội cho những dòng tâm trạng của nhân vật được tái hiện, khắc họa vô cùng chi tiết, cụ thể.
+ Nhân vật: Nhân vật là chủ thể cụ thể được khắc họa trong tác phẩm văn học bằng các biện pháp nghệ thuật. Nhân vật có thể là thần linh, con vật, đồ vật…nhưng có một đặc điểm chung là đều mang những nét tính cách, tâm lí, ý chí hay khát vọng của con người. Nhân vật chính là cơ sở để tác phẩm truyện thể hiện tinh thần nhân văn.