I. VĂN HỌC DÂN GIAN
- Thể loại thần thoại
-
- Thần thoại là những câu chuyện tưởng tượng, hoang đường, không có thật về các vị thần, các vị anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa…Từ đó phản ánh quan niệm của người thời cổ về quá trình tạo lập thế giới và đời sống loài người.
- Đặc trưng thể loại thần thoại:
- Không gian thần thoại: Thường là không gian vũ trụ nguyên sơ đang dần được tạo lập.
- Thời gian thần thoại: Thời gian ở quá khứ (không xác định cụ thể) và mang tính vĩnh hằng.
- Cốt truyện thần thoại: Là những chuỗi sự kiện liên tiếp thường liên quan đến quá trình hình thành thế giới. Cốt truyện gồm nhiều diễn biến xâu chuỗi, nối tiếp nhau, đặt ra nhiều vấn đề để giải quyết.
- Nhân vật thần thoại: Có hình dạng, phẩm chất và sức mạnh phi thường để thực hiện công việc sáng tạo thế giới.
- Ngôn ngữ kể chuyện: Thường được kể theo hai kiểu (trần thuật gián tiếp và trần thuật trực tiếp).
- Thể loại sử thi
-
- Sử thi là thể loại tự sự dân gian có từ thời cổ đại, kết hợp giữa lời thơ và văn xuôi, kể lại những sự kiện quan trọng trong đời sống cộng đồng thông qua việc tôn vinh, ca ngợi chiến công, kì tích của những người anh hùng.
- Đặc trưng thể loại:
- Thời gian – không gian sử thi: Thời gian sử thi thường gắn với xã hội cổ đại hoặc xã hội phong kiến. Không gian sử thi thường được khai thác theo những cuộc phiêu lưu chinh phục kỳ tích của các vị anh hùng.
- Nhân vật sử thi: Là những nhân vật xuất chúng, tài năng, mang tính cộng đồng; thường gắn với những đức tính như trung thực, khảng khái, mạnh mẽ, không sợ hiểm nguy.
- Cốt truyện sử thi: Thường được tổ chức theo những xung đột giữa con người và thần linh; giữa cộng đồng này và cộng đồng khác; gắn liền với những chuyến phiêu lưu, kỳ tích của nhân vật chính. Trong đó yếu tố kì ảo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cốt truyện và tính huống nhằm tô đậm vẻ đẹp của nhân vật trung tâm.
- Ngôn ngữ kể chuyện: Giàu chất thơ. Ngôi kể thường ở ngôi thứ ba, lời của nhân vật chủ yếu ở dạng đối thoại. Trong quá trình kể chuyện, người kể thường dùng giọng điệu trang nghiêm, thành kính, bày tỏ sự ngưỡng mộ và trân trọng với nhân vật và cộng đồng.
- Cảm hứng chủ đạo: thường nghiêng về cảm hứng chống lại thần quyền trong cuộc đấu tranh chinh phục tự nhiên và bài trừ cái ác để bảo vệ cộng đồng.
- Thể loại chèo cổ
- Chèo cổ là một thể loại sân khấu dân gian ra đời từ xa xưa, chủ yếu thịnh hành ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
- Chèo cổ có thể chia thành hai loại: chèo sân đình và chèo truyền thống.
- Nội dung: phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của con người xưa. Ca ngợi phẩm chất đạo đức tốt đẹp, phê phán và lên án các thói hư tật xấu của xã hội phong kiến.
- Hình thức chèo: vô cùng đa dạng, tích hợp giữa múa hát và nhạc cụ
- Tích chèo: Thường lấy từ truyện cổ tích, truyện cười, truyện Nôm được người dân xưa sưu tầm và ghi chú thành văn bản. Kịch bản chèo thường có cốt truyện, nhân vật kèm lời thoại và các tín hiệu về không gian, thời gian.
- Hình thức biểu diễn:
-
- Trang phục: đơn giản hơn so với các loại hình kịch hát khác, chủ yếu là trang phục của người dân lao động xưa.
- Sân khấu: dân dã, chỉ có một chiếu chèo ngay sân đình, người đánh nhạc cụ sẽ ngồi xung quanh. Đôi khi sẽ có diễn viên quần chúng hỗ trợ.
- Nhạc cụ: sáo, đàn nhị, trống con
- Đạo cụ: Đa dạng nhưng quan trọng nhất là chiếc quạt.
- Nhân vật trong vở chèo:
-
- Vai nho sĩ: Thường là những vai nam đang theo đuổi con đường công danh.
- Đào: gồm đào chánh(chính diện), đào lệch (phản diện) và đào pha.
- Vai hề: gồm hề áo ngắn và hề áo dài. Có vai trò mang lại tiếng cười và một phần phê phán, châm biếm thói hư, tật xấu xã hội.
- Tuồng cổ
- Tuồng là loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc, thường được chia làm hai loại: Tuồng cung đình (thường nói về các vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước, giàu kịch tính và căng thẳng) và tuồng hài (nói về đời sống sinh hoạt của nhân dân, lấy tiếng cười để phản ánh xã hội).
- Đặc trưng thể loại tuồng:
-
- Kỹ thuật hát tuồng: lối diễn xuất của tuồng nặng tính ước lệ và trình thức, cách biểu diễn khuếch đại hơn sự thật ngoài đời để tăng khả năng cảm nhận của khán giả. Mỗi nhân vật trong vở tuồng thường có cách diễn khác nhau, chính diện thường ngay thẳng, phản diện thì gian xảo, độc ác.
- Kịch bản tuồng: Là văn bản có cốt truyện rõ ràng, có lời thoại và bối cảnh, trang phục cụ thể
- Thể loại tuồng:
-
- Tuồng cung đình: Viết về đề tài trung với vua, đánh giặc bảo vệ đất nước. Tuồng cung đình thường có âm hưởng bi tráng, đầy mâu thuẫn, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, ca ngợi chính nghĩa và lên án cái bất nghĩa.
- Tuồng hài: Viết về đề tài sinh hoạt, lấy tiếng cười để phản ánh xã hội. Tuồng hài thường có cốt truyện đa dạng, gần gũi với đời sống của con người xưa.
II. VĂN HỌC VIẾT.
- Văn xuôi
1.1, TRUYỆN
1.1.1, Lý luận chung về thể loại truyện
– Truyện là khái niệm dùng để chỉ những văn bản văn học được viết theo thể thức tự sự nói chung (Lấy phương thức tự sự là phương thức chủ đạo).
– Để có những góc nhìn cụ thể hơn, chúng ta có thể khu biệt khái niệm truyện:
+ Truyện ngắn, vừa, dài: là truyện có dung lượng ngắn, vừa hoặc dài.
+ Truyện thơ: Là những tác phẩm thơ có cốt truyện (Vd: “Truyện Kiều”, “Lục Vân Tiên”…)
+ Truyền kỳ: Là tác phẩm truyện được ghi chép tản mạn, mang yếu tố hoang đường, ly kỳ.
– Đặc trưng thể loại: Truyện thường có những kết cấu sau đây
+ Cốt truyện: là hệ thống cấu trúc nội dung của một câu chuyện, bao gồm các tình huống truyện, xung đột truyện, làm câu chuyện trở nên hấp dẫn, ý nghĩa hơn. Tuy nhiên cũng có một số tác phẩm vượt qua ngoài sự quy phạm này, đó là những truyện ngắn không có cốt truyện.
+ Tình huống truyện: Là một phần của cốt truyện. Tình huống được định nghĩa là những biến cố làm nảy sinh ra câu chuyện. Nhờ có tình huống mà truyện ngắn có thể thành công dồn nén hiện thực thông qua một lát cắt. Tình huống truyện được chia thành: tình huống nhận thức, tình huống hành động, tình huống tâm trạng.
+ Người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật: Truyện kể chỉ tồn tại khi có người kể chuyện. Trong nhiều loại hình tự sự dân gian, người kể chuyện thường trực tiếp kể lại. Còn trong thể loại truyện hiện đại, ngôi kể có phần đa dạng hơn:
* Ngôi thứ nhất (trực tiếp): Người kể nhập tâm hoàn toàn vào nhân vật, lấy góc nhìn của nhân vật đó để kể lại câu chuyện. Nhược điểm của lối kể này là dễ làm mạch truyện đi theo hướng chủ quan, những dòng suy nghĩ đè nén mạch truyện và làm lu mờ đi các nhân vật khác.
* Ngôi thứ ba (gián tiếp): Người kể là người đứng bên ngoài để quan sát, đánh giá và thuật lại câu chuyện. Nhược điểm của lối kể này là quá khách quan, không làm nổi bật nội tâm nhân vật.
* Nửa trực tiếp: Đây là lối kể phổ biến của truyện ngắn hiện đại. Trần thuật nửa trực tiếp là khi người kể vẫn giữ ngôi kể thứ ba nhưng điểm nhìn trao cho nhân vật tự kể. Nghĩa là dù nhà văn đứng ở ngoài kể lại câu chuyện nhưng người đọc vẫn hình dung đó chính là suy nghĩ, tâm trạng thầm kín của nhân vật.
Vd: “Ước gì bây giờ lại được gặp má. Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xoong cơm đi làm đồng để ở dưới xuồng lên cho Việt Ăn “ (Trích “Những đứa con trong gia đình”, Nguyễn Thi)
=> Dù nhà văn không đặt bản thân vào nhân vật Việt để xưng “tôi”, nhưng rõ ràng người đọc vẫn cảm nhận chính như câu văn tưởng chừng như hoàn toàn khách quan ấy đang chảy trôi trong chính tâm trạng của nhân vật, là do nhân vật nghĩ ra và tự bộc bạch.
Trần thuật nửa trực tiếp chính là lối kể đem lại hiệu ứng cảm xúc mạnh nhất. Không chỉ giữ được sự khách quan cho thiên truyện mà còn tạo cơ hội cho những dòng tâm trạng của nhân vật được tái hiện, khắc họa vô cùng chi tiết, cụ thể.
+ Nhân vật: Nhân vật là chủ thể cụ thể được khắc họa trong tác phẩm văn học bằng các biện pháp nghệ thuật. Nhân vật có thể là thần linh, con vật, đồ vật…nhưng có một đặc điểm chung là đều mang những nét tính cách, tâm lí, ý chí hay khát vọng của con người. Nhân vật chính là cơ sở để tác phẩm truyện thể hiện tinh thần nhân văn.
1.1.2, Các dạng đề thường xuyên ra thi về các tác phẩm truyện.
– Phân tích một nhận định về truyện ngắn (chương trình chuyên, chương trình cơ bản đã bị giảm tải nội dung này nên sẽ không ra thi(Công văn giảm tải chương trình giáo dục 22-23)
– Phân tích tình huống truyện: (Vd: phân tích cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù”, phân tích tình huống của Phùng và Đẩu tại tòa án huyện trong “Chiếc thuyền ngoài xa…”)
– Phân tích nhân vật trong truyện (Vd: Phân tích nhân vật Tràng, nhân vật Mị..)
-> Xu hướng ra đề dạo gần đây chỉ yêu cầu phân tích nhân vật trong một phân đoạn cụ thể, không yêu cầu phân tích dàn trải.
– Phân tích vấn đề trong truyện (Vd: Phân tích bi kịch cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo; phân tích bức tranh đen trắng trong “Chiếc thuyền ngoài xa”…)
– So sánh 2 tác phẩm truyện.
1.1.3, Các tác phẩm truyện trong chương trình lớp 12 (chương trình cũ)
– Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài
– Vợ Nhặt – Kim Lân
– Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành
– Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi
– Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu
– Một người Hà Nội – Nguyễn Khải.
1.2, KÍ
1.2.1, Lý luận chung về thể loại kí
– Kí là một thể loại văn xuôi đặc biệt nằm ở đoạn giao nhau giữa văn học và cận văn học. Sở dĩ cho rằng như vậy là bởi vì đặc trưng của văn học là hư cấu, còn thể kí lại chủ yếu phản ánh sự thật theo góc nhìn chủ quan của người cầm bút.
– “Ký” là một từ Hán Việt, với ý nghĩa đơn giản là “ghi chép” – với nội dung hướng đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống.
– Phân loại kí: Trên thực tế có rất nhiều các tồn tại nhỏ lẻ của thể kí, trong chương trình phổ thông chủ yếu học sinh được học về thể tùy bút, bút kí, hồi kí.
– Đặc trưng thể loại
- Khác với truyện, kí không có nhiều tình tiết, không có nhiều xung đột thống nhất, chủ yếu được khai triển theo phương thức miêu tả, trần thuật. Chủ đề và đề tài của kí là những sự việc có thật trong đời sống, phản ánh chính xác, trọn vẹn tình hình của kinh tế, văn hóa-xã hội…
- Kí là một thể loại phản ánh sự thật, nhưng nó không phải là sao chép y nguyên mà được khúc xạ qua lăng kính của tác giả. Từ đó mà kí trở nên hấp dẫn, độc đáo hơn.
1.2.2, Các dạng đề thường ra thi THPTQG về thể loại kí.
– Phân tích một đoạn kí
– Phân tích một hình tượng trong bài kí (Ví dụ: Người lái đò sông Đà)
– Phân tích một vấn đề của bài kí (Vd: Phân tích ngòi bút đa tài của Hoàng Phủ Ngọc Tường…)
– Phân tích một nhận định về kí (Giảm tải)
– So sánh 2 tác phẩm kí
1.3, VĂN BẢN NGHỊ LUẬN
1.3.1, Lý luận chung về văn bản nghị luận.
– Văn nghị luận là thể loại văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng,tưởng tượng nào đó đối với các sự việc, hiện tượng trong đời sống hay trong văn học bằng các lập luận.
* Đặc trưng văn bản mang phong cách học nghị luận.
– Nội dung: Thường hướng đến việc trình bày quan điểm cá nhân của người viết, người nói về một vấn đề cụ thể nào đó. Nội dung thường sẽ đan xen giữa khách quan và chủ quan với mục đích thuyết phục người đọc tin theo ý kiến của mình.
– Hình thức:
+ Ngôn ngữ hàm súc, mang tính học thuật (có nhiều thuật ngữ) và có sắc thái biểu cảm.
+ Thường sẽ có trật tự lập luận nhất định chứ không trình bày tự do. (Có thao tác lập luận)
+ Cú pháp: đa phần là câu ghép, câu phức. Giữa các câu có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
– Phân loại: Trong chương trình phổ thông ta thường gặp những văn bản nghị luận sau:
+ Văn bản nghị luận đặc biệt: hịch, chiếu, cáo, tuyên ngôn…
+ Văn bản nghị luận xã hội
1.3.2, Các dạng đề thi THPTQG về văn bản nghị luận.
Chỉ thi 1 tác phẩm nghị luận duy nhất là “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh.
– Phân tích 1 đoạn trích (Vd: Phân tích cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận…)
– Phân tích một vấn đề trong tác phẩm nghị luận (Vd: Phân tích sự mẫu mực trong phong cách chính luận của Hồ Chí Minh)
– Phân tích 1 nhận định về bài nghị luận (giảm tải)
– So sánh 2 văn bản nghị luận (Vd: So sánh “Tuyên ngôn độc lập” và “Bình ngô đại cáo”)
1.4, VĂN BẢN NHẬT DỤNG (Chương trình cũ không thi văn bản nhật dụng)
- Thơ trữ tình.
2.1, Lý luận chung về thể loại thơ
- Thơ là một hình thức sáng tác văn học có vần điệu, giàu hình ảnh và ngôn từ hàm súc.
- Các khái niệm liên quan đến thơ:
- Nhân vật trữ tình: là người bày tỏ cảm xúc, thái độ và tư tưởng xuyên suốt bài thơ. Nhân vật trữ tình có thể là một đối tượng cụ thể được nhắc đến trong thơ hoặc chính nhà thơ sẽ đóng vai trò là nhân vật trữ tình. Trong thơ, nhân vật trữ tình thường được thể hiện một cách hiển ngôn hoặc hàm ý (chủ thể ẩn)
- Xuất hiện hiển ngôn thông qua ngôi xưng: “tôi”, “ta”, “anh”, “em”…
- Chủ thể ẩn thường được cảm nhận thông qua sự đa nghĩa của ngôn từ, từ cảnh thơ suy ra tình thơ -> Đòi hỏi người đọc phải tinh tế để phát hiện ra (Vd: nhân vật trữ tình trong bài thơ “Chiều tối” của chủ thể ẩn)
- Vần và nhịp: Là một trong những yếu tố làm nên chất nhạc trong thơ.
- Vần thơ: là cách mà nhà thơ tạo ra sự kết nối, hài hòa trong ngôn ngữ thơ, giúp thơ dễ nhớ, dễ thuộc hơn. Quy tắc về vần thường khác nhau tùy theo thể loại văn bản.
- Nhịp thơ: Là cách mà nhà thơ tổ chức bài thơ qua cách ngắt dòng, ngắt nhịp, đặt dấu câu. Nhịp thơ góp phần làm tăng thêm sự hài hòa về âm thanh, làm nổi bật cảm xúc cho bài thơ.
- Ngôn ngữ và hình ảnh trong thơ: Là hai nhân tố quan trọng làm nên chất họa cho thơ.
- Ngôn ngữ thơ thường cô đọng, hàm súc và có tính đa nghĩa cao.
- Hình ảnh thơ thường được miêu tả trực quan, phản ánh góc nhìn của nhà thơ với cuộc sống. Hình ảnh thơ thường được xây dựng một cách chấm phá, biến tấu đa dạng bằng các thủ pháp nghệ thuật khác nhau.
- Thể loại thơ: Chương trình phổ thông có những thể loại thơ sau:
- Thơ Đường Luật: bao gồm thơ thất ngôn bát cú, thất ngôn xen lục ngôn, thất ngôn tứ tuyệt…Thường quy định rất chặt chẽ về kết cấu âm, vần, điệu…
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.
(Trích “Cảm hoài” của Đặng Dung)
- Thể Hành: Thể hành có những nét giống nhau tương đối với thơ Đường Luật, nhưng thường sẽ tập trung làm rõ nét tâm trạng, khẩu khí của chủ thể trữ tình.
Tầm Dương giang đầu dạ tống khách,
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.
Chủ nhân há mã khách tại thuyền,
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền.
(Trích “Tỳ bà hành” – Bạch Cư Dị)
- Thể thơ thống nhất số chữ: Ví dụ thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
(Trích “Tràng giang” – Huy Cận)
Lưu ý: Học sinh thường dễ nhầm lẫn giữa thơ Đường Luật và thơ bảy chữ, cần khu biệt hai khái niệm rõ ràng)
- Thể thơ có cấu trúc cân đối: Ví dụ như thơ lục bát hoặc song thất lục bát.
– Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
(Trích “Việt Bắc”, Tố Hữu)
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.”
(“Chinh phụ ngâm”, dịch thơ Đoàn Thị Điểm)
- Thơ hai-ku: Là một thể loại thơ có nguồn gốc từ Nhật Bản, có đặc điểm rất ngắn gọn và truyền tải nội dung thông qua những tín hiệu nghệ thuật được trình bày cô đọng.
Chim vân tước bay
Thở ra sương gió
Dẫm lướt từng mây
- Thơ tự do: Là thể loại thơ không có bất kì quy phạm nào, tác giả có thể tự do trình bày số chữ, số câu, vần, nhịp, điệu…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,(…)
(Trích “Vội vàng”, Xuân Diệu)
2.2, Các dạng đề thi THPTQG ra vào tác phẩm thơ.
– Phân tích 1 đoạn thơ
– Phân tích một vấn đề trong bài thơ, đoạn thơ
– Phân tích một nhận định về thơ (Giảm tải)
– So sánh 2 bài thơ, đoạn thơ.
2.3, Các tác phẩm thơ trong chương trình cần lưu ý:
– “Tây Tiến” – Quang Dũng
– “Việt Bắc” – Tố Hữu
– “Tiếng hát con tàu” – Chế Lan Viên (giảm tải)
– “Đất Nước” – Nguyễn Khoa Điềm
– “Sóng” – Xuân Quỳnh
– “Đàn ghita của Lorca” – Thanh Thảo (chương trình chuyên).
- KỊCH.
3.1, Lý luận chung về kịch
– Kịch là nghệ thuật dùng sân khấu trình bày lời đối thoại của các nhân vật để phán ánh xung đột trong đời sống xã hội. Kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, trong đó có 3 đối tượng quan trọng: kịch bản, đạo diễn, diễn viên.
– Kịch bản văn học: Là bản thảo được viết bằng ngôn từ thể hiện bối cảnh, nội dung, lời thoại, chỉ dẫn biểu diễn…của một vở kịch.
– Đặc trưng thể loại kịch:
+ Đối tượng kịch: là những mâu thuẫn trong đời sống, xã hội và con người; trong đó quan trọng nhất là xung đột.
Vd: Kịch “Vũ Như Tô” -> xung đột giữa nhân dân và hôn quân Lê Tương Dực, xung đột giữa cái tài và cái tâm trong bản thân Vũ Như Tô…
+ Xung đột kịch: là những cao trào của tình tiết nảy sinh do có sự mâu thuẫn giữa một hoặc nhiều chủ thể, đòi hỏi nhân vật phải đưa ra hướng giải quyết. Xung đột kịch được chia thành xung đột bên ngoài (xung đột giữa các sự vật, hiện tượng khách quan) và xung đột bên trong (xung đột giữa các yếu tố nội tâm bên trong cá nhân con người)
+ Hành động kịch: Là sự tổ chức cốt truyện, tình tiết, sự kiện theo một diễn biến chặt chẽ, logic. Nổi bật nhất là quy luật nhân quả.
+ Nhân vật: Là người tham gia diễn kịch, thể hiện tính cách bằng thoại, hành động, tâm trạng. Nhân vật kịch thường được phân loại rõ ràng dựa trên bản chất tính cách của nhân vật đó (Vd: chính diện, phản diện, vai phụ)
+ Ngôn ngữ kịch: Chủ yếu là ngôn ngữ của nhân vật hoặc ngôn ngữ của người kể chuyện. Ngôn ngữ kịch thường đặc trưng cho tính chất của nhân vật, có tính hành động và mang sắc thái khẩu ngữ. Ngôn ngữ kịch có những phân loại như sau:
* Đối thoại: Là khi nhân vật này dùng lời thoại của mình để tác động, thông báo, giao tiếp với nhân vật khác
* Độc thoại: Là khi nhân vật tự tự nói với chính mình
* Bàng thoại: Nhân vật tương tác với người xem.
+ Bố cục: Thường được chia thành nhiều màn, trong màn có nhiều hồi, nhiều lớp.
+ Phân loại kịch: Căn cứ vào nhiều tiêu chí ta sẽ đưa ra các cách phân chia khác nhau.
- Đồng đại: Kịch dân gian, kịch cổ điển, kịch hiện đại…
- Ngôn ngữ diễn đạt: kịch nói, kịch hát, cải lương, kịch rối, kịch câm…
- Cách giải quyết: bi kịch, hài kịch, chính kịch…
3.2, Các dạng đề thi THPTQG về tác phẩm kịch:
– Phân tích 1 đoạn kịch
– Phân tích nhân vật trong vở kịch, đoạn kịch
– Phân tích vấn đề trong một vở kịch, đoạn kịch
– Phân tích nhận định về kịch (giảm tải)
– So sánh 2 đoạn kịch.
3.3, Các tác phẩm kịch trong chương trình phổ thông.
– “Quan Âm thị Kính”
– “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng
– “Tình yêu và thù hận” (Trích Romeo và Juliet của William Shakespeare)
– “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.