Đánh giá tác phẩm “Đất nước”

Đề bài: Anh/chị hãy phân tích và đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ sau: 

“Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn ngàn năm Đất Nước

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”

(Trích chương V, “Mặt đường khát vọng”, Nguyễn Khoa Điềm, thivien.vn)

* Nguyễn Khoa Điềm (1943-) sinh ra tại Huế, trong một gia đình trí thức có truyền thống yêu nước và cách mạng.  Gia đình chính là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng tinh thần Cách mạng và tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Khoa Điềm. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu trưởng thành trong phong trào kháng chiến chống Mỹ. Phong cách thơ của Nguyễn Khoa Điềm là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng. 

* “Mặt đường khát vọng” là tập trường ca được sáng tác năm 1974 tại chiến trường Trị Thiên. Tập trường ca là lời kêu gọi đánh thức thế hệ trẻ đang im lìm trong các vùng đô thị tạm chiếm miền Nam, hãy đứng lên đấu tranh để giành lấy độc lập. 

  1. Nhắc lại dàn ý phân tích và đánh giá một đoạn trích trong một tác phẩm văn học
Mở bài Giới thiệu tên tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, nêu ngắn gọn giá trị của tác phẩm và trình bày vấn đề cần nghị luận. 
Thân bài – Khái quát nội dung chính của ngữ liệu

– Đánh giá giá trị nội dung và nghệ thuật (có thể song song hoặc chia tách thành 2 luận điểm)

– Đánh giá đoạn trích về thành công trong việc thể hiện nội dung, nghệ thuật

Kết bài – Chỉ ra vị trí của tác phẩm trong sự nghiệp của tác giả

– Nêu ra những tác động của tác phẩm đối với bạn đọc và thời đại. 

  1. Văn mẫu phân tích đoạn thơ trên: TG Huy

Bài làm

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu trưởng thành trong phong trào kháng chiến chống Mỹ. Thơ của ông hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp đặc sắc giữa hai yếu tố trữ tình – chính trị, giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước và con người Việt Nam. “Mặt đường khát vọng” là một tập trường ca nổi tiếng của ông, được sáng tác năm 1974 trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra cam go nhất. Tác phẩm đã thay lời tác giả để đánh thức, kêu gọi thế hệ trẻ đô thị khu vực tạm chiếm miền Nam hãy xuống đường và đấu tranh cho sự hòa bình của dân tộc. Nổi bật hơn cả chính là những suy tư của tác giả về sự đóng góp của những con người vô danh: 

“Em ơi em

….

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.”

Mở đầu đoạn trích, tác giả đã cất lên những lời thủ thỉ đầy tâm tình để đưa người đọc về với bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta: 

“ Em ơi em

Hãy nhìn ra rất xa

Vào bốn ngàn năm Đất Nước”. 

Tác giả bắt đầu bằng một giọng văn thiết tha, ngọt ngào “Em ơi em”. Ta dường như cảm nhận rằng ông đang đối thoại trực tiếp với người đọc, với cương vị là một người anh trong toàn thể đại gia đình Việt Nam. Cách nói ấy đã khiến cho lời thơ trở nên thơ mộng, nồng nàn, khơi gợi cảm xúc. Tác giả đã kêu gọi chúng ta nhìn về với bốn ngàn năm thăng trầm của tổ quốc ta. Đó là các triều đại lẫy lừng, là những vị anh hùng góp mình vào bảng vàng sử sách, là những công trình kiến trúc vẫn còn để lại niềm tự hào cho con cháu đời sau. Nhưng đối tượng mà Nguyễn Khoa Điềm muốn chúng ta nhắc đến khi nhìn lại bốn ngàn năm thiêng liêng ấy chính là những con người bình dị, vô danh. 

Nhân dân Việt Nam đã sống hết mình với những tháng năm lịch sử quý báu, với những tinh hoa văn hóa và truyền lại biết bao truyền thống tốt đẹp cho hậu thế ngàn đời sau: 


“Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con trai con gái bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Cụm từ “người người lớp lớp” tạo cảm nhận về một lực lượng hùng hồn, đông đảo của toàn thể quần chúng nhân dân. Họ đã trưởng thành trên mảnh đất này và đã đóng góp những giá trị đẹp đẽ để làm giàu đẹp nó. Những người dân bình dị ấy khi hòa bình thì cần cù làm lụng, khi giặc đến nhà thì “người con trai ra trận”, “người con gái ở lại nuôi cái cùng con”, trở thành hậu phương vững chắc. Nhưng càng đáng quý hơn đó chính là sức mạnh và tinh thần chống giặc quyết liệt của ông cha ta đã đúc kết nên một câu tục ngữ vô cùng đắt giá: “Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”. Có thể nhận ra rằng những “người con trai con gái” ấy đã góp mình vào sự phát triển phồn thịnh của đất nước, không có họ thì đất nước sẽ không thể tồn tại. 

Nguyễn Khoa Điềm đã cho người đọc nhận ra rằng sự đóng góp của nhân dân đã được lịch sử ghi nhận và tôn vinh: 

“Nhiều người đã trở thành anh hùng

Có anh hùng cả anh và em đều nhớ.”

Có những con người bằng thao lược tài ba, thông minh tài trí, anh dũng vô song đã được tôn vinh vào sử sách, trở thành một tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Đó có thể là Cao Bá Quát, là Trần Quốc Tuấn, là Phạm Ngũ Lão,… hay bất cứ vị anh hùng nào mà “cả anh và em đều nhớ. Phép điệp vòng “anh hùng” như một sự vắt dòng đầy tài tình, tạo cảm nhận về sự biết ơn, tự hào của tác giả về những con người đã xả thân vì tổ quốc. 

Nhưng Nguyễn Khoa Điềm muốn nhìn nhận lịch sử ở một góc độ khác. Nơi đó không chỉ có những triều đại, những vị anh hùng mà còn có sự đóng góp của những con người vô danh: 

“Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”

Tác giả nhắc lại vế câu “Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi” ở những dòng thơ trên như một cách nhắc nhở người đọc trở về với những gì bình dị nhất, với cuộc sống của những người “con gái, con trai” đã sống giản dị và chết bình tâm. Cuộc đời của họ trôi qua một cách êm ả như một cơn gió mùa thu và khi chết đi, họ trở về với đất mẹ, hòa vào dòng chảy miên viễn của lịch sử. Dù cho “không ai nhớ mặt đặt tên”, không sử sách nào vang danh, họ vẫn đã làm tròn sứ mệnh của mình, đó là “làm ra Đất Nước”. Có thể thấy, tác giả đã giành một sự tri ân vô cùng đặc biệt đối với những con người vô danh, thậm chí còn công nhận họ là người đã tạo nên đất nước. Đó là một tư tưởng hết sức tiến bộ và nhân văn, thể hiện được vai trò to lớn của nhân dân trong việc kiến tạo và xây dựng đất nước. Với giọng thơ êm ả, nhẹ nhàng và sâu lắng; tác giả đã khơi gợi những miền xúc cảm nồng nàn trong lòng người đọc, kêu gọi họ hãy hướng về những con người vô danh ấy đã tri ân và tưởng nhớ, vì tất cả những điều họ đã làm cho đất nước này. 

Đoạn trích là một điểm sáng, khắc họa rõ nét tư tưởng Đất Nước là của Nhân Dân của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Đọc đoạn thơ, ta như lạc vào trong một vùng trời hoài niệm của kí ức, của lịch sử, của một thước phim quay chậm về cuộc sống của những con người đã sống bình dị và chết bình tâm. Ta nhận ra đây không phải là một lời kêu gọi mang tính giáo điều mà nó vô cùng say đắm, lãng mạn với lối đối thoại “Anh” và “em”, như một sự thủ thỉ nhẹ nhàng mà sâu lắng. Những người dân vô danh đã để lại biết bao truyền thống văn hóa tốt đẹp, đã hóa thân thành những dáng núi, hình sông, làm nên Đất Nước muôn đời. Chính bởi những góc nhìn mới mẻ, tư tưởng tiến bộ, giọng văn trầm lắng, ngôn ngữ giản dị đã làm nên giá trị của đoạn thơ nói riêng và cả bài trường ca nói chung. Từ đó, nó nhắc nhở ta phải biết tưởng nhớ công ơn của những người đi trước đã trồng cây để đời sau hái trái, phải biết noi gương họ để tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước. 

“Mặt đường khát vọng” là một trong những tập trường ca nổi tiếng và thể hiện đúng nhất tinh thần thơ kháng chiến của Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung đã để lại trong lòng đọc giả những ấn tượng sâu sắc về sự bình dị, gần gũi của Đất Nước cũng như công lao to lớn của những con người vô danh khi đã để lại biết bao phong tục, truyền thống văn hóa đẹp đẽ cho hậu thế. Dẫu cho thời gian có không ngừng chảy trôi, thời đại có muôn vàn biến đổi; tác phẩm vẫn mãi giữ được những giá trị độc đáo như thế cho đến ngàn đời sau.