Đọc hiểu và phân tích tác phẩm ngoài SGK – Ngữ văn 11 sách Cánh diều

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi

Những tượng đài nguy nga đá tảng

Sao trường tồn bằng những vần thơ

Vì trong thơ người rạng ngời tỏa sáng

Đền đài kia theo năm tháng phai mờ.

Mọi công trình xa hoa lộng lẫy

Sẽ nát tan bởi chinh chiến điêu tàn

Nhưng thanh gươm thần chiến tranh rực cháy

Trước người, và thơ, cũng phải tiêu tan.

Qua sự chết và muôn trùng tàn hại

Người hiên ngang tiến vào cõi huy hoàng

Cho hậu thế muôn đời nhớ mãi

Đến tận ngày trời đất tan hoang

Giờ cánh chung người hồi sinh thức dậy

Bởi trong thơ, sức sống vẫn tràn đầy.

(Sonnet 55 – William Shakespeare, Kim Lưu dịch)

Câu 1 (1đ): Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của bài thơ trên. 

Câu 2 (1đ): Xác định nội dung chủ đạo của bài thơ trên. 

Câu 3 (2đ): Chỉ ra và nêu tác dụng của phép so sánh không ngang bằng trong khổ thơ đầu tiên: 

Những tượng đài nguy nga đá tảng

Sao trường tồn bằng những vần thơ

Vì trong thơ người rạng ngời tỏa sáng

Đền đài kia theo năm tháng phai mờ.

Câu 4 (2đ): Khi đọc khổ thơ thứ 3, anh/chị có nhận xét gì về sức sống của văn chương? 

Câu 5 (4đ): Anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ đánh giá giá trị nghệ thuật và nội dung của bài thơ trên. 

HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU

Câu Nội dung
1 – Thể thơ tự do

– Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

2 – Nội dung chủ đạo: Bài thơ nói về sức sống của văn chương với cuộc đời và thời đại. Con người có thể chết đi, những đền đài nguy nga có thể bị sụp đổ; chỉ có văn chương là mãi mãi vẹn nguyên những giá trị của mình. 
3 – Phép so sánh không ngang bằng: “Sao trường tồn bằng….”

– Tác dụng: 

+ Về mặt nghệ thuật: Làm cho câu thơ trở nên sinh động, khơi gợi cảm xúc, cung cấp thêm thông tin cho độc giả về sự vật, sự việc được nhắn đến. 

+ Về mặt nội dung: Phép so sánh không ngang bằng đã làm góp phần làm nổi bật thêm sức sống của văn chương. Những tượng đài nguy nga, đá tảng tưởng chừng như vô cùng bền vững nhưng lại không thể bằng sức sống mãnh liệt của văn chương. 

4 Áp dụng kĩ năng đọc và phân tích 1 đoạn thơ: 

Phân tích, giải thích từng hình ảnh, biện pháp nghệ thuật -> Nêu cảm nhận về đoạn thơ

Qua sự chết và muôn trùng tàn hại

Người hiên ngang tiến vào cõi huy hoàng

Cho hậu thế muôn đời nhớ mãi

Đến tận ngày trời đất tan hoang

   Câu thơ đã thể hiện rõ nét những tượng đài bất tử của những con người dám đương đầu với “sự chết” và “muôn trùng tàn hại”. Sự sống của họ có thể hữu hạn, mong manh nhưng nếu họ dâng hiến đời mình cho cộng đồng, cho tổ quốc, cho nhân loại; tiếng thơm của họ sẽ mãi mãi ở lại và vững bền theo năm tháng. Hình ảnh “trời đất tan hoang” gợi đến một điểm kết thúc xa xôi của mọi thứ, và cũng là một lời hứa hẹn rằng danh tiếng, vẻ đẹp của những con người ấy sẽ còn mãi cho đến khi mọi thứ hoàn toàn chấm dứt. Ngoài ra, ta cũng có thể hiểu “người” ở đây chính là đại diện cho văn chương, khi nó đã đi qua biết bao nhiêu thế hệ, biết bao nhiêu cuộc đời để cất lên tiếng hát miên viễn mãi mãi về sau. 

5 Học sinh áp dụng cách đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm được học trong sgk Ngữ Văn 10 và 11. 

Gợi ý: 

+ Nghệ thuật: 

  • Thể thơ tự do -> Phù hợp để thể hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn tâm tư và tình cảm của người cầm bút. 
  • Giọng điệu thơ, nhịp thơ dồn dập, hân hoan -> Như một lời khẳng định bền vững về sức sống của văn chương. 
  • Hình ảnh thơ sinh động với nhiều phép so sánh, liên tưởng độc đáo, mới lạ. 

+ Nội dung: 

Bài thơ là một lời khẳng định đầy mạnh mẽ của người viết về giá trị và sức mạnh của văn chương. Văn chương sẽ luôn nằm ngoài quy luật băng hoại của thời gian, giúp cho những tâm hồn, những vẻ đẹp mãi mãi ở lại với đời.