Đọc văn là một cách thế để con người mở rộng chiều kích tồn tại của mình, sống thêm nhiều cuộc đời khác, thông qua những mối tương giao tinh thần của nhân loại.

Đọc văn là một cách thế để con người mở rộng chiều kích tồn tại của mình, sống thêm nhiều cuộc đời khác, thông qua những mối tương giao tinh thần của nhân loại.

(Huỳnh Như Phong, Hãy cầm lấy và đọc)

Bình luận ý kiến trên.

Bài làm

   Có ai đó đã từng hình dung văn học như một chiếc lá chảy trôi trên dòng sông miên viễn của cuộc đời. Đi qua giữa núi đồi nước Nga lấp lành những vần thơ của Sê – khốp, phiêu bạt đến một thời trung cổ phục hưng với những trang viết đắt giá của Bakhtin và cuối cùng ngân nga vẻ đẹp văn hóa Việt Nam trong từng lời thơ của Nguyễn Du. Không sai khi cho rằng “Văn chương là tấm gương soi chiếu mặt đường”, là “nơi nhỏ bé chứa đựng cả thế giới”. Tiếp cận văn chương phải chăng cũng chính là đang tiếp cận cuộc đời, là đang hòa tâm hồn mình vào mắt xích đồng điệu của muôn kiếp nhân sinh? Trước sứ mệnh cao cả ấy, nhà phê bình Huỳnh Như Phong đã trăn trở về vai trò của văn học đối với cuộc sống nhân loại: “Đọc văn là một cách thế để con người mở rộng chiều kích tồn tại của mình, sống thêm nhiều cuộc đời khác, thông qua mối tương giao tinh thần của nhân loại.

   “Đọc văn” là hành động lĩnh hội tri thức bằng ngôn ngữ được biểu đạt dựa trên góc nhìn, cảm xúc, cảm hứng và những suy tư của nhà văn về cuộc đời. Hành trình lĩnh hội ấy không đơn giản chỉ là “đọc” để hiểu, đọc để ganh đua mà nó chỉ phát huy những giá trị khi người đọc và người viết có sự liên kết, đồng điệu tâm hồn cùng nhau. Nếu không có sự cảm nhận, chiêm nghiệm từ phía độc giả thì việc đọc hoàn toàn đúng với cái nghĩa đen của nó. Bằng việc đọc, lĩnh hội và suy ngẫm, người đọc như trên một chuyến tàu tưởng tượng với hành trình khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài bằng những cảm quan bộc lộ từ bên trong. Đó là nơi mà họ chưa từng biết qua, chưa từng được đến, là nơi chứa đựng biết bao nhiêu câu chuyện về những kiếp người cần lao, đau khổ nhưng vẫn sống hết mình với những giá trị cốt lõi, và vì thế nên nơi đó chỉ có cái thiện, cái đẹp, cái chuẩn mực, hay nói như Huỳnh Như Phong là nơi “con người mở rộng chiều kích tồn tại của mình”. Đọc càng nhiều tức là biết càng nhiều, biết càng nhiều tức là sống được nhiều kiếp đời, kiếp người, người đọc sẽ tự mình hòa vào những câu chuyện của các nhân vật, tự đắm mình trong những trải nghiệm văn học để từ đó rút ra những bài học nhân sinh quan cho chính cuộc đời mình. “Mối tương giao tinh thần” phải chăng chính là sự đồng cảm, đồng điệu, sự nối kết giữa độc giả và nhà văn, giữa người đọc và tác phẩm. Song đó lại là chân lý cốt lõi của quá trình tiếp nhận văn học, chỉ khi có sự liên kết, “tương giao” ấy người đọc mới thấy được giá trị của “tảng băng chìm” thật sự trong văn chương, và lúc đó văn chương mới hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình. Nhận định của Huỳnh Như Phong đã mở ra những cảm nhận sâu lắng về quá trình tiếp nhận, sứ mệnh và thiên chức của văn chương khi đến với cuộc đời. Tiếp nhận văn chương chính là quá trình “tìm thấy chính mình”, thông qua việc cảm nhận cuộc đời, số phận người khác mà tự ý thức cải tạo chính đời sống của bản thân, trở thành một phiên bản tốt đẹp và hoàn chỉnh hơn trong hành trình vươn đến Chân – Thiện – Mỹ.

   Nhận định trên hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở xác đáng. Văn học tồn tại với chức năng giúp con người nhận thức và tự giáo dục. Mỗi tác phẩm văn học là kết quá của quá trình nhận thức cuộc sống của nhà văn và chuyển hóa thành ngôn từ thông qua lăng kính chủ quan duy vật của bản thân. Người đọc khi tiếp nhận văn học chính là nhận thức được những vốn tích lũy ấy nhằm mở mang tri thức về cuộc sống rộng lớn. Mỗi nhà văn đều có góc nhìn cá biệt, độc đáo, không trộn lẫn, chính vì thế tri thức mà người đọc có được từ việc cảm thụ văn chương cũng phong phú vô cùng. Không chỉ có vậy mà khi có nhận thức đúng đắn về đời sống, văn học sẽ giáo dục được con người. Mục đích của việc “sống thêm nhiều cuộc đời” mà Huỳnh Như Phong đã nêu ra âu cũng chỉ để chạm đến việc người đọc biết tự thức hoàn thiện cuộc đời mình sau những trang văn đong đầy cảm xúc và tư tưởng. Chuyển hóa thứ của nhà văn thành cái của chính mình, từ những kiếp số bi kịch được phản ánh trong tác phẩm mà tự liên hệ đến đời sống cá nhân nhằm khơi dậy mong muốn được cái tạo. Chính chức năng ấy đã tạo nên chất “nhân văn” cho quá trình người đọc tiếp nhận văn học.

   Bản chất của văn học là phản ánh, nhưng nó không nhắc lại hiện thực cho người đọc một cách nông cạn, giáo điều, mà thông qua những hình thức nghệ thuật đặc trưng và nội dung độc đáo, quá trình người đọc nhận thức tác phẩm sẽ có chiều sâu, không bị rập khuôn, máy móc. “Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một kiểu mẫu đưa sẵn. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu và khám phá….khơi những nguồn chưa ai khơi, tìm thấy những điều chưa có” (Nam Cao). Nhà văn không sinh ra với công việc “chụp ảnh”, “sao chép” mà trong quá trình phản ánh hiện thực anh cũng đồng thời là một nhà sáng tạo . Anh biến những thứ đã có thành thứ sẽ có, gửi gắm vào hiện thực đơn thuần những tư tưởng, trăn trở, xúc cảm của anh khi cầm bút. Chính sự sáng tạo ấy đã tạo cho đề tài, chủ đề mà tác phẩm phản ánh một màu sắc rất mới, giúp cho quá trình người đọc tiếp cận không nhàm chán, trùng lặp hay rập khuôn, giáo điều. Người đọc thường ấn tượng với tập “Trường ca mặt đường khát vọng” bởi vì tính chất suy tưởng và chính luận độc đáo của nó. Nguyễn Khoa Điềm đã đánh thức trong ý nghĩ của mỗi con người về trách nhiệm với Đất Nước và cộng đồng. Nhưng đó không phải là những lời giáo điều, khuôn phép mà được biểu lộ qua mạch xúc cảm trữ tình da diết “Em ơi em!…”, “Nhưng em biết không…” Chính sự liên kết với cảm xúc đã biến quá trình tiếp nhận trở nên sống động hơn bao giờ hết. Và dường như cũng chính vì đặc trưng sáng tạo của văn học mà quá trình “ mở rộng chiều kích tồn tại” của người đọc cũng trở nên phong phú, đa dạng và nhiều chiều hơn bao giờ hết.

   Nhà văn Săng Đan từng nhận xét: “Nghệ thuật như một tấm gương soi phản chiếu trên đường”. Quá trình “mở rộng chiều kích tồn tại” được đo lường bởi sự đồng cảm và thấu hiểu với các vấn đề, số phận con người trong tác phẩm nghệ thuật”. Người đọc khi tiếp nhận văn học cũng dễ dàng nhận ra rằng lĩnh hội các giá trị văn chương đều thông qua phương tiện tự thức. Tức độc giả không thể mở mang một cách thụ động mà phải trực tiếp chủ động đào sâu vào khám phá. Ai đó đã từng ví văn chương như một “tảng băng trôi”, mà khi độc giả đủ tầm đón nhận để đào sâu vào phần chìm ở bên dưới thì văn học mới phát huy tối đa giá trị của mình. Đó là những vấn đề nhức nhối của cuộc đời mà nhà văn trăn trở, là những số phận, kiếp đời cần lao, là những góc khuất của cuộc đời. Khi nhận thức đến những giá trị ấy và đồng cảm với nó, người đọc sẽ tự liên kết với chính bản thân mình, từ cuộc đời người khác mà rút ra những chân lý cho chính cuộc đời mình, từ những trăn trở của nhà văn mà biến thành sự chiêm nghiệm của chính mình. Lúc ấy, con người mới có thể mở rộng “chiều kích tồn tại” qua “những mối tương giao tinh thần” như nhận định đã nêu rõ. Những chân lý ấy đã được chứng minh qua truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Người đọc như bị cuốn hút bởi những nghịch lý quái lạ nhưng vô tình nó cũng có cái lý riêng. Từ một “cảnh đắt trời cho” dần tiến lại thành “hiện thực quái đản”, từ một người đàn bà cam chịu, tăm tối đến mức khó hiểu đến một người phụ nữ sắc sảo, từng trải. Từ thứ nghệ thuật vị nghệ thuật mà tự vươn lên đến nghệ thuật vị nhân sinh. Từ trải nghiệm của Phùng mà nhận thức được cách đánh giá sự vật, hiện tượng. Từ những tâm sự của người đàn bà mà thấy được vẻ đẹp nhân cách vẫn âm ỉ bên trong ngoại hình và hiện thực xấu xa.Đề tài Nguyễn Minh Châu khai thác không mới, nhưng khi người đọc chạm đến được phần chìm ở bên trong lớp ngôn từ, ta sẽ thấy những chân lý cốt lõi đắt giá về cách nhìn nhận cuộc đời, về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống.

   Văn học không chỉ giúp người đọc tăng tầm hiểu biết, cải tạo nhân cách mà còn hướng vào khuôn khổ của cái đẹp. Nhà văn không thể sáng tạo, phản ánh một cách tùy tiện, hời hợt, “Sự cẩu thả trong văn chương thật là đê tiện” (Nam Cao) mà phải neo theo quy chuẩn của mỹ học và đạo đức. Có như thế hành trình tiếp nhận của người đọc mới diễn ra sâu sắc, chạm đến Chân – Thiện – Mỹ, hướng về cái tốt và có ý thức bài trừ cái xấu.

   Quá trình tự thức và “mở rộng chiều kích” vẫn diễn ra xuyên suốt khi người đọc tiếp cận và đồng điệu với những hình tượng nghệ thuật được xây dựng trong tác phẩm văn học. Phải nói đến truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài đã khắc họa thành công bức chân dung miền núi Tây Bắc với những phong tục tập quán mới mẻ, độc đáo, song vẫn còn duy trì chế độ phong kiến địa chủ đàn áp gây khó khăn cho đời sống con người nơi đây. Nhưng Tô Hoài đã không cho những con người ấy âm thầm chịu đựng. Mị là một hình tượng điển hình cho kiểu nhân vật có sự phân lập trong diễn biến tâm lý giữa quá khứ và hiện tại. Nếu như Mị ở hiện tại đã chết vì cái khổ thì Mị trong quá khứ vẫn sống âm ỉ, tiềm tàng, vẫn như một lớp tro tàn chờ ngọn gió cất lên để bừng chảy dữ dội. Ở đêm đông, Tô Hoài đã dùng chính nỗi đau của con người làm tác nhân để Mị thức tỉnh. “Dưới ánh sáng bập bùng của ngọn lửa”, Mị nhìn thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ. Chính giọt nước mắt cùng cực của một con người cận kề cái chết đã làm tan chảy lớp băng tâm hồn của Mị. Mị như nhớ lại hình ảnh quá khứ của mình: “Ngày xưa A Sử trói Mị, Mị cũng bị trói đứng như thế kia…”, rồi Mị chợt bàng hoàng vì “Ngày trước nhà này có một người đàn bà từng bị trói tới chết”. Từ niềm thương mình, Mị đã phát triển đến tình thương đồng loại, Mị phán đoán: “Chỉ ngày mai thôi, người kia sẽ chết…” Chính ý nghĩ đó đã thôi thúc bản chất lương thiện của Mị trỗi dậy, dù có chết Mị vẫn không sợ, Mị tiến đến cắt dây trói cho A Phủ. Đó vừa là hành động cứu người, cũng là cứu mình, tự cắt dây trói cường quyền và thần quyền của bản thân Mị. Mị “đứng lặng trong bóng tối”, cảm giác sợ hãi khi cận kề cái chết trong Mị vươn dậy thôi thúc bản năng sinh tồn tích cực, Mị quyết định chạy theo A Phủ để tìm cho mình con đường sống. Rõ ràng trước những áp bức của giai cấp thống trị, con người Tây Bắc không âm thầm chịu đựng, họ vẫn đấu tranh để tự cứu lấy chính cuộc đời của mình, hay lớn hơn là tự cứu lấy sinh mệnh của dân tộc. Thông qua sự đồng cảm, liên kết, sống cuộc đời của nhân vật Mị, người đọc có thể tự rút ra cho bản thân những bài học đắt giá về niềm hi vọng, về ý thức chống lại cái xấu, cái ác, đồng thời cũng tự nung nấu bản tính lương thiện và lòng trắc ẩn trong tâm hồn.

   Hình thức khai thác chủ đề cũng trở nên rất quan trọng trong quá trình tạo nên giá trị cho quá trình tiếp nhận văn học. Nói như bài thơ “Cây đàn ghita của Lorca” do Thanh Thảo sáng tác đã khắc họa đặc sắc hình tượng nghệ sĩ- chiến sĩ Lorca nhưng trong sự thể hiện của cách tân nghệ thuật và nội dung. Các dòng thơ mang đậm yếu tố siêu thực, liên tưởng chính là điểm nhấn để tạo sự dung hợp giữa các câu thơ ngỡ như rời rạc nhưng vô cùng gắn kết. Cuộc đời của Lorca hào nhoáng, phiêu lãng, tự do với những bước ngựa đêm trăng trên miền đất cát:

“Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

Li-la li – la li-la

Đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn”.

Hình tượng Lorca như hòa vào vẻ đẹp của đất nước Tây Ban Nha với những đấu trường bò tót, hương hoa tử đinh hương cùng những đồng cỏ rộng lớn. Từ những điều đó mà người đọc có thể gián tiếp cảm nhận được vai trò của Lorca khi khoác lên trên mình chiếc áo choàng trong cuộc chiến trên sàn đấu chính trị và nghệ thuật. Hành trình cách tân, khai phá cái mới luôn là một con đường “đơn độc”, nguy hiểm và “mỏi mòn”. Nhưng với Lorca nó lại mang sứ mệnh thật cao cả, thiêng liêng, hướng về cái đẹp, cái thiện, sự công bằng và đổi mới .Chính ông đã dùng cả cuộc đời mình để đấu tranh cho sự nghiệp cải tạo nền nghệ thuật già cội của Tây Ban Nha và nền chính trị bất hòa dưới chế độ phát – xít Phrăng-cô. Và đến khi ra đi, Lorca vẫn trong tâm thế thanh thản, bi tráng, lạc quan:

không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng

Niềm linh cảm với cái chết đã được Lorca nhận thức từ trước và đã sớm để lại di nguyện: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Nhưng tiếng đàn của Lorca, cuộc đời của Lorca, nhân cách của Lorca sẽ còn mãi với đời và tiếp tục van xa, tiếp tục truyền biết bao cảm hứng cho thế hệ trẻ mai sau biết đấu tranh cho sự đổi mới văn hóa dân tộc. Hình ảnh “giọt nước mắt vầng trăng” vừa gợi sự xót xa, bi kịch, vừa thể hiện được chiều sâu của nghệ thuật Lorca, đó là thứ nghệ thuật vươn trên cõi bất tử. Cái hay của Thanh Thảo khi lựa chọn dòng thơ siêu thực chính là tạo nên sự thách thức, mới lạ cho quá trình tiếp nhận. Nhưng khi nhận thức đúng, người đọc sẽ liên kết được với mạch cảm xúc câu thơ, chạm đến sâu thẳm bên trong cuộc đời “bọt nước” của Lorca để đồng điệu, rút ra cho bản thân những chiêm nghiệm quý giá về sứ mệnh của con người đối với cuộc sống, đất nước. Mỗi người hãy tự chôn cây đàn của chính mình để có thể tìm kiếm sự đổi mới, cách tân, tiếp tục duy trì nền văn hóa nghệ thuật đặc sắc của nhân loại. Ôi tiếng thơ của Lorca, âm thanh của Tây Ban Cầm vẫn sẽ mãi da diết trong tiềm thức của người đọc mãi về sau.

“Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Sở dĩ người ta gọi nghệ thuật vị nhân sinh là bởi nghệ thuật sinh ra để phục vụ con người và con người sẽ có thể cải tạo đời sống thông qua nghệ thuật. Những trải nghiệm trong văn học là vô hạn, đồng nghĩa với việc tiếp nhận càng nhiều thì càng sống được nhiều cuộc đời, mà điều đó lại giúp con người “mở rộng chiều kích tồn tại”, sống cuộc đời người khác đồng nghĩa với việc sống cuộc đời của chính mình. Tuy nhiên văn học chưa bao giờ trở nên “dễ dãi”, “bề ngoài” mà luôn đóng kín giá trị của nó ở bề sâu. Muốn cảm nhận, khai phá được những vấn đề cốt lõi ấy đòi hỏi người đọc phải có tầm đón nhận đủ lớn để có thể vượt lên khỏi lớp bề mặt ngôn từ, đào sâu vào phần chìm của “tảng băng” trôi ấy. Ngoài ra sự sáng tạo của quá trình tiếp nhận cũng phải được quy định bởi khuôn khổ của nội dung văn bản, không được nhận thức sai lệch về nội dung tác giả truyền tải. Bởi vì nếu không có nhận thức đúng đắn, quá trình liên kết và đồng điệu sẽ không thể xảy ra, văn học sẽ không thể giáo dục được con người.

Âm điệu của văn chương giống như giai điệu hợp xướng của dàn đồng ca nhiệm màu về hiện thực cuộc sống, về chân – thiện – mỹ, chạm khẽ đến ngưỡng rung động của trái tim, nơi dừng chân của tâm hồn, tiếng hát ngân vang của cuộc sống. Có thể nhận thấy nhận định của Huỳnh Như Phong đã bổ nghĩa sâu sắc cho giá trị của việc đọc và thưởng thức văn học. Đó không phải quá trình lĩnh hội thụ động, giáo điều mà cần sự liên kết, thấu cảm, đồng điệu giữa tác giả – bạn đọc, giữa tác phẩm – người thưởng thức văn chương. Ta tìm đến văn chương âu cũng bằng tinh yêu và nỗi đau, bằng khao khát giao cảm, niềm si mê với cuộc đời, mong muốn được nâng đỡ tâm hồn thêm hoàn thiện. Bởi: “Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn” (Lê Đạt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *