I. Những thông tin chung.
– Tác giả Nam Cao là một trong những cây bút đặc sắc theo chủ nghĩa hiện thực phê phán của nền văn học hiện đại trước Cách mạng tháng Tám. Văn chương Nam Cao giản dị, phản ánh sâu cay bối cảnh xã hội cũng như số phận của người tri thức nghèo và người nông dân bị thế lực thống trị áp bức.
– Truyện ngắn “Chí Phèo” là một trong những tác phẩm thành công nhất của nhà văn Nam Cao ở đề tài người nông dân. Khác với các tác phẩm đương thời, Nam Cao khai thác Chí Phèo ở góc độ tâm lý, phát hiện ra những quy luật của thời đại: Con người đi bước vào đường cùng sẽ bị tha hóa; cái ác còn thì nạn nhân còn; xã hội còn thối tha thì con người còn đau khổ.
II. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
TỔNG:
– Giới thiệu nhân vật Chí Phèo: Mô côi cha mẹ từ sớm, được người dân làng chuyền tay nhau nuôi lớn. Khi trưởng thành, do bị Lý Kiến vu oan mà Chí Phèo phải đi tù. Sau khi rời khỏi tù, Chí đã bị tha hóa, đánh mất nhân hình lẫn nhân tính, trở thành con dao trong tay đồ tể…
– Gợi mở về đề bài: Nhưng Nam Cao với ngòi bút nhân đạo sâu sắc đã dang rộng vòng tay cho nhân vật một cơ hội để được sống trọn vẹn như một con người – đó chính là tình yêu và lòng thương giữa con người với con người.
PHÂN:
a. QUÁ TRÌNH TỈNH RƯỢU VÀ TỈNH NGỘ
* Luận điểm 1: Quá trình tỉnh rượu của Chí Phèo.
– Sau cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Chí Phèo và thị Nở, cả hai đã ăn nằm với nhau một đêm. Thấy hắn sốt cao, thị bèn ra chợ mua một ít hành và gạo để nấu cháo.
– Khi tỉnh dậy, Chí Phèo cảm nhận thế giới xung quanh bản thân một cách tỉ mỉ, trân trọng:
+ Ánh nắng mặt trời chiếu vào căn lều ẩm thấp mà Chí đang nằm.
+ Hắn lắng nghe những âm thanh của cuộc sống: Tiếng chim hót, tiếng cười nói của những người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá.
=> Đó là những âm thanh bình dị, ngày nào chả có, nhưng sao đến tận bây giờ Chí mới cảm nhận được. Điều đó khiến hắn chợt thấy buồn.
– Không chỉ là những quan sát khách quan mà Chí Phèo còn có những cảm nhận chủ quan về bản thân mình. Ngày trước khi còn say, Chí rạch mặt, đập đầu, không biết đau là gì. Nhưng bây giờ sau khi tỉnh dậy với một trận thổ nặng đêm qua, dường như hắn đã cảm nhận được những nỗi đau lẫn thể xác và tâm hồn trong mình:
+ Cảm thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn, sợ rượu như người ốm sợ cơm.
+ Chợt nhớ về cái ước mơ thuở niên thiếu: Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải.
+ Cảm thấy tiếc nuối quá khứ, bẽ bàng về hiện tại, lo lắng cho tương lai: Hắn đã đứng ở cái dốc bên kia của cuộc đời; chỉ còn ốm đau, cô độc.
=> Sau khi tỉnh rượu, Chí Phèo trở về với những cảm xúc chân thật, giản dị của một con người.
* Luận điểm 2: Quá trình tỉnh ngộ của Chí Phèo.
a, Bát cháo thứ nhất.
– Khi đón lấy bát cháo từ tay thị Nở, thoạt đầu Chí rất ngạc nhiên, nhưng sau đó lại thấy mắt mình “ươn ướt”. Bởi lẽ đây là lần đầu tiên hắn được một người đàn bà cho.
– Bát cháo hành giản dị, đạm bạc nhưng Chí lại vô cùng trân trọng nó: “Chao ôi cháo hành mới ngon làm sao, chỉ khói xông vào mũi cũng làm người nhẹ nhõm…”
– Chợt có cảm tình với người đàn bà xa lạ ấy: Trông thị cũng có duyên, tình yêu làm cho có duyên.
b, Bát cháo thứ hai.
– Chí ăn vào mồ hôi tuôn, từng giọt to như giọt nước -> Bát cháo là bài thuốc dân gian chữa khỏi bệnh cho hắn.
– Lòng Chí tràn trề khát vọng lương thiện: “Trời ơi hắn thèm lương thiện làm sao”. Hắn hối hận về những tội ác mình đã gây ra và mong muốn được trở về với hình hài của một con người.
– Chí tin rằng thị sẽ mở đường cho mình, Chí tin rằng dân làng sẽ chào đón hắn trở về với cái xã hội bằng phẳng vốn có từ trước.
– Có lẽ trong Chí còn có cả khao khát của tình yêu, của niềm hạnh phúc, của ước mơ thời niên thiếu mà hắn vẫn còn đang dang dở.
=> Tình yêu đã cảm hóa người đàn ông tội nghiệp ấy, giúp Chí dũng cảm chối bỏ bộ dạng quỷ dữ để vực dậy khao khát sống như một con người lương thiện.
b. BI KỊCH BỊ CỰ TUYỆT QUYỀN LÀM NGƯỜI.
* Luận điểm 3: Nguyên nhân dẫn đến bi kịch.
– Do sự ganh tị của bà cô thị Nở, thấy cháu mình có chồng trước mình.
– Do định kiến xã hội: Bà cô chính là phát ngôn viên đại diện cho thái độ của dân làng Vũ Đại với Chí Phèo
+ Lấy ai không lấy lại lấy một thằng không cha
+ Lấy ai không lấy lại lấy một thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ.
=> Bác bỏ hoàn toàn nỗ lực trở về làm người của Chí Phèo, thị Nở đã đứng về phe dân làng để cự tuyệt Chí Phèo.
* Luận điểm 4: Cảm xúc của Chí sau khi bị cự tuyệt.
– Thoạt đầu hắn không hiểu, nhưng sau khi nhận ra, Chí vô cùng đau khổ.
– Không chấp nhận thực tại, Chí Phèo cố gắng níu kéo niềm hạnh phúc của mình: đứng dậy, gọi tên, nắm tay…bị thị giúi một cái lăn khoèo ra sân.
– Đau đớn tột cùng, Chí Phèo lại muốn trở về cuộc sống trước kia nhưng không thành:
+ Muốn đập đầu nhưng lại không biết ăn vạ với ai
+ Uống rượu nhưng càng uống càng tỉnh.
+ Liên tưởng đến hương cháo hành.
-> Chí bật khóc. Đó là giọt nước mắt cùng cực, tuyệt vọng của một con người đến bây giờ đã không còn gì để mất.
=> Chí nuôi tham vọng trả thù.
* Luận điểm 5: Hành động giết Bá Kiến và tự sát.
– Chí muốn giết thị Nở, nhưng lương tâm lại dẫn lối cho hắn đến nhà Bá Kiến – nơi cội nguồn của mọi bi kịch.
– Những lời trăn trối cuối cùng của Chí thể hiện sự đau đớn, bất lực của một số phận tội nghiệp: “Tao muốn lương thiện”, “Tao không thể làm người lương thiện được nữa”.
– Hành động giết Bá Kiến là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân, thể hiện mâu thuẫn của những giai cấp đối kháng chỉ được giải quyết bằng một mất, một còn.
– Hành động tự sát của Chí đến nay vẫn còn gặp nhiều tranh cãi. Nhưng một số nhà nhận định cho rằng đó là hành động của “bước đường cùng” trong xã hội lúc bấy giờ vốn dĩ không còn lối thoát nào khác cho hắn. Chí giải thoát cho cuộc đời đầy đau khổ của mình, bảo toàn lại một chút lương thiện còn sót lại trước khi nó bị con quỷ dữ chiếm lấy. Chí sống với hình hài của một con quỷ, nhưng hắn chết với tâm thế của một con người.
=> Cái chết của Chí không phải là sự chấm dứt, mà là sự mở đầu cho nhiều bi kịch nối tiếp khác. Hình ảnh lò gạch ở cuối tác phẩm tượng trưng cho một vòng lặp vô hồi, vô hạn, không thể chấm dứt nếu như cội nguồn sinh ra nó vẫn còn tồn tại.
HỢP:
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, khai thác sâu vào diễn biến tâm lý của nhân vật, đặt nhân vật vào các mâu thuẫn khác nhau để đưa ra nhiều hướng giải quyết khác nhau.
– Cốt truyện li kì, hấp dẫn.
– Ngôn ngữ kể chuyện giản dị, hình ảnh sinh đồng, giọng điệu linh hoạt.
=> Bi kịch cự tuyệt quyền làm người là một trong những áng văn bất tử của nền văn học hiện đại Việt Nam. Qua đó người đọc càng trân trọng cuộc sống của mình, có ý thức sống lương thiện và không ngừng trao đi yêu thương để bù đắp cho cuộc sống của người khác.