Làm “một phút huy hoàng” hay làm “chiếc lá xanh”?

Giống như những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời, mỗi con người là một vì tinh tú xuất hiện giữa cuộc đời. Bản thân mỗi người quyết định việc ngôi sao là hiện thân cho mình có tỏa sáng lấp lánh giữa bầu trời của tạo hóa hay không. Cũng từ đó, con người khi bước vào đời luôn cho mình một con đường, một cách sống để chắc chắn rằng ta đã không sống hoài phí đời mình. Đối với Xuân Diệu, sống là hết mình: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Nhưng Nguyễn Sĩ Đại lại muốn sống như: “Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh” – một cách sống bình lặng và nhẹ nhàng. Giữa cuộc sống đa màu và đa diện, con người không thể chỉ sống ép mình theo một khuôn mẫu nào và việc ta sống vội vàng hay chậm rãi có lẽ đều có giá trị như nhau nếu ta hiểu được bản chất thực sự của cuộc sống. Trong bất kỳ thời đại nào, mỗi con người là cá thể độc lập tự làm chủ và điều khiến cuộc sống của riêng mình. Với Xuân Diệu, cuộc sống là tận hiến để ghi lại tiếng vang mạnh mẽ, sống với “phút huy hoàng” – những phút ta đạt được thành công vang dội, sống với sự tạn hưởng lên tới tuyệt đỉnh của các giá trị tinh thần. Cuộc sống với “phút huy hoàng” đẹp rực rỡ, chói lọi ấy đã đủ trọn vẹn, dù sau đó ta có “chật tắt”, cuộc sống vẫn có giá trị hơn là sống một cách buồn tẻ không tạo được dấu ấn gì mà “le lói suốt trăm năm”. Còn quan niệm của Nguyễn Sĩ Đại, dù ai có “vá trời lấp bể” hay “đắp lũy xây thành” làm những công việc vĩ đại và to lớn của riêng họ, thì đối với bản thân mình, “ta chỉ là chiếc lá”, ta chỉ cần làm tốt việc của mình, làm tốt bổn phận cuộc sống đã trao cho. Mỗi con người sống trên đời luôn muốn lưu lại dấu ấn của riêng mình, có người sống như một đóa hoa hồng rực rỡ, đắm say, có người như loài hoa thạch thảo giản dị và nhẹ nhàng. Tất cả loài hoa ấy đều góp phần tạo nên hương sắc của cuộc đời, tùy vào khả năng và nhận thức của mỗi người, dù bất kỳ vị trí nào ta đều có thể ghi lại dấu ấn của bản thân trong cuộc đời.