Luyện tập đọc và viết tác phẩm ngoài SGK Ngữ văn 11

Đọc văn bản sau: 

DIGITAL AFTERLIFE – CUỘC ĐỜI SAU KHI CHẾT

Công nghệ lưu giữ hình ảnh người đã mất

   Nym thấy còn chuyện này hay nữa nè, và nó sẽ thay đổi cách ta quan hệ với người thân, bạn bè. Với số lượng khổng lồ dấu chân số mà một con người bỏ lại phía sau, như tin nhắn, tài khoản Facebook, Twitter, Instagram, Snapchat, v.v. sau khi đã rời khỏi thế giới này, công nghệ vẫn có thể thu thập hết dữ liệu lịch sử, nhờ AI xử lý, rồi tổng hợp lại thành con người số. Con người số này có thể hiện diện ở hình dáng của chatbot, robot, hay là một con AI sống trong máy tính. Và khi ta tương tác với người số đó, ta hoàn toàn có cảm giác như đang tương tác với người thân đã mất của mình. Cách họ nói chuyện, dùng từ, tính khôi hài, giọng điệu, v.v. là hoàn toàn y như người thật. Không thật sao được, vì đó chỉ là cách lập trình lại từ dữ liệu lịch sử của chính họ đấy thôi. Công nghệ là vậy đó. Nó chạm cả vào cuộc sống sau khi chết, mang người đã ra đi trở lại với đời.

   Tưởng tượng ai đó đã mất rồi. Nhớ họ quá, bạn nhắn “Con rất nhớ ba” chẳng hạn. Xong thấy ba nhắn lại liền: “Ba cũng rất nhớ con”. Người nghĩ sao? Nym thấy vừa quá hay, vừa quá tàn nhẫn, vừa cực kỳ kinh khủng. Mà chuyện này đâu phải Nym bịa. Đã có người ở Nga làm thử nghiệm rồi. Nó thật đến nỗi, mẹ của người bạn đã mất đi phải công nhận là mình đang thật sự nói chuyện với con. Trời! Mà nếu biết ai đó mất đi mà mình vẫn còn liên hệ được thì ta có còn trân quý giây phút hiện tại với họ không? Nếu họ đi rồi vẫn cảm ơn, xin lỗi, phân bua tán loạn được thì ta có quá lười đến nỗi chờ đến ngày họ không còn nữa? Hay ta biết, sau khi chết họ vẫn có thể trở thành digital human – người số, vẫn có thể ở đây nói chuyện, trao đổi và dẫn dắt ta? Khái niệm về cái chết có lẽ sẽ khác đi, không còn là mất mát to lớn như trước nữa? Giờ kể chuyện thiệt nè, Nym thấy trên website Eternime, dịch vụ mang người chết trở về từ quá khứ đã có hơn 44 ngàn người đăng ký download mọi dữ liệu cuộc đời mình xuống để giữ lại tương tác với đời sau. Một startup(*) khác, Hereafter, còn đi xa hơn là tạo ra tương tác bằng giọng nói. Sống trong cái vỏ gì không cần biết, nhưng bạn có thể nói chuyện với họ như họ vẫn còn sống quanh đây. “Never loose someone you love – Không bao giờ mất người thân”, họ quảng cáo như thế. Chẳng bao lâu nữa, bạn có thể đăng ký dài hạn để lắng nghe và trò chuyện với người thân đã mất của mình như đăng ký xem Netflix, hay có thể nhờ cả Siri, Alexa làm luôn chuyện thay mặt họ trò chuyện với mình. Vậy, chắc người sống sẽ lo mua dịch vụ chuẩn bị cuộc đời sau khi chết của chính mình, để giữ lại cho con cháu, người thân? Một cuộc đời rồi chẳng đủ hay sao? Vừa bot, vừa người, vừa người số. Rồi bao nhiêu người sẽ nhờ đó mà bớt đau thương mất mát Và bao nhiêu người sẽ mãi kẹt vào câu chuyện tương lai của người đã ra đi?

(Trích “Tôi của tương lai – My future self” – Nguyễn Phi Vân, NXB Văn hóa – Văn nghệ)

* startup: người sáng lập

Câu 1: Xác định 3 phương thức biểu đạt tiêu biểu được sử dụng trong đoạn trích trên. 

Câu 2: Theo đoạn trích, “con người số” có những lợi ích gì trong việc lưu giữ lại hình ảnh người đã khuất? 

Câu 3: Anh/chị hãy nhận xét về thái độ của người viết qua câu văn: Trời! Mà nếu biết ai đó mất đi mà mình vẫn còn liên hệ được thì ta có còn trân quý giây phút hiện tại với họ không? Nếu họ đi rồi vẫn cảm ơn, xin lỗi, phân bua tán loạn được thì ta có quá lười đến nỗi chờ đến ngày họ không còn nữa?

Câu 4: Theo em, đoạn văn số 2 đang lập luận theo hướng như thế nào? Em nghĩ những lý lẽ mà tác giả đưa ra có đủ thuyết phục hay chưa? Nếu đã thuyết phục, vì sao? Nếu chưa, em có gì cần phản biện thêm không? 

Câu 5: Nếu tương lai thật sự phát triển công nghệ AI tái hiện lại hình ảnh, giọng nói, cử chỉ của người đã khuất, em có lựa chọn sử dụng nó hay không? Tại sao? 

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT

Câu 1 3 phương thức biểu đạt tiêu biểu được sử dụng trong đoạn trích trên là: tự sự, thuyết minh, nghị luận
Câu 2:  Theo đoạn trích, con người số có những lợi ích: Khi ta tương tác với người số đó, ta hoàn toàn có cảm giác như đang tương tác với người thân đã mất của mình. Cách họ nói chuyện, dùng từ, tính khôi hài, giọng điệu, v.v. là hoàn toàn y như người thật
Câu 3:  Học sinh trả lời theo góc nhìn của bản thân. Gợi ý: 

+ Thái độ của tác giả: Không đồng tình với việc sử dụng AI để tái tạo lại hình ảnh người đã khuất, vì điều đó sẽ làm cho người ta không còn trân trọng khoảnh khắc bên nhau khi người thân, bạn bè còn sống. 

+ Từ đó, tác giả muốn khuyên chúng ta hãy chấp nhận quy luật sinh tử của cuộc sống và hãy đối xử với nhau thật tốt khi còn có thể. 

Câu 4:  Học sinh trả lời theo góc nhìn của bản thân. Gợi ý: 

Hướng lập luận chính của đoạn số 2 giới thiệu sơ lược về công nghệ lưu giữ hình ảnh người đã khuất, sau đó chỉ ra những hạn chế mà có lẽ rất khó để có thể nhận ra. 

Học sinh tiếp tục đưa ra những suy nghĩ về hiệu quả lập luận. 

Ví dụ

– Cảm thấy thuyết phục -> Vì nếu như ta biết rằng mình có thể liên lạc với một ai đó sau khi họ mất bằng công nghệ AI, ta sẽ chẳng còn trân trọng, hoài niệm về những lúc họ còn sống nữa. Cảm xúc nhớ thương, tiếc nuối dần sẽ không còn đậm đà nữa. 

Câu 5 Học sinh trả lời theo suy nghĩ của mình. Gợi ý:

Không sử dụng, vì: 

– Dù AI có thể tái tạo một cách kĩ càng, tỉ mỉ; ta vẫn không thể phủ nhận một điều là người đó đã không còn nữa, ta cũng sẽ không thể gặp lại họ. Lúc đó, AI chỉ là công cụ giúp ta giải tỏa cảm xúc, chứ không phải là một giải pháp hữu hiệu để giúp họ tái sinh. 

– Nếu công nghệ ấy được ưa chuộng, nếu mọi người biết mình có thể liên lạc với một ai đó sau khi họ mất, liệu ta có còn muốn hết lòng yêu thương họ lúc họ còn sống hay không? Rồi đến bao lâu ta mới có thể tiếp tục bước tiếp trên hành trình của mình? Người đã khuất vốn dĩ không thể trở lại một cách trọn vẹn được, nhưng người sống thì vẫn phải tiếp tục sự sống của mình. Ta chỉ nên xem sự tồn tại của họ là một kỉ niệm để mãi nhớ, mãi trân trọng. Đó là một điều tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng thiêng liêng.