TÁC PHẨM VĂN HỌC
Tác phẩm văn học là những sáng tác cụ thể, hoàn chỉnh và có ý nghĩa. Các tác phẩm ấy phản ánh đời sống bằng hình tượng, được diễn đạt bằng ngôn từ nhằm thể hiện tư tưởng, tình cảm của con người.
Tác bản nghệ thuật bao gồm văn bản ngôn từ và thế giới hình tượng. Văn bản ngôn từ là cái phần mà người ta có thể sao chép, in, học thuộc, truyền miệng, có thể có dị bản, được viết bằng một thứ tiếng nhất định. Khi ta đọc, văn bản này mở ra trong tâm trí một thế giới hình tượng cụ thể, sống động. Thế giới hình tượng được lồng ghép vào trong văn bản ngôn từ, tạo thành văn bản nghệ thuật.
=> Muốn hiểu hết một tác phẩm văn học, người ta phải đọc hiểu văn bản ngôn từ, phân tích thế giới hình tượng và cảm nhận các lớp nội dung ở trong đó.
Văn bản ngôn từ của tác phẩm văn học
– Là chuỗi lời văn, câu thơ được tổ chức theo những cách thức nhất định. Nó có thể là văn vần hay văn xuôi, lời kể xen thoại hay chỉ lời thoại. Văn bản ngôn từ nào cũng có mở đầu, có đoạn chương, có kết thúc phụ thuộc vào dung lượng và thể loại.
– Chức năng cơ bản:
+ Bằng lời nói -> thể hiện những sự vật, hiện tượng khách quan: con người, cảnh vật, màu sắc, âm thanh…
+ Bằng lời văn -> Hình tượng hiện lên trong trí tưởng tượng của người đọc. Thông qua lời văn, người đọc sẽ có thêm những cảm nhận, nghe nhìn, đánh giá đối với thế giới và cuộc sống ấy.
-> Người đọc chỉ có thể cảm nhận hình tượng qua nghĩa của từ và qua cách diễn đạt, ngoài ra không còn cách nào khác. => Văn bản ngôn từ luôn cung cấp những từ ngữ thể hiện cách hiểu, cách nhìn có tính khái quát. Người đọc tìm thấy chìa khóa đọc văn ngay trong văn bản ngôn từ.
– Trật tự của văn bản cũng quy định cách nhìn, cách cảm nhận văn bản. Không thể đọc văn bản từ cuối đọc lên mà phải theo trình tự đầu chí cuối. Cách sắp xếp cốt truyện, ý nghĩa phải logic và tạo tò mò cho người đọc.
- Thế giới hình tượng của tác phẩm văn học.
– Khi đọc tác phẩm văn học ta còn thấy “ý ở ngoài lời”, “văn đã hết mà ý chưa hết” -> Đằng sau lớp ngôn từ là cả một thế giới hình tượng.
– Thế giới hình tượng là hệ thống các hình tượng được dệt nên bởi các chi tiết, tình huống, quan hệ, cho phép ta hình dung được sự hiểu biết và cảm nhận của tác giả đối với thế giới và con người.
– Cách nói của hình tượng nghệ thuật: Vượt xa khỏi phạm vi của ngôn từ, đó là cách nói bằng hình ảnh, màu sắc, không khí, hành động, tư thế của con người và sự vật. Các hình ảnh nói với ta bằng chính cái ý nghĩa, ý vị vốn có của các sự vật, hiện tượng được miêu tả, do các tác giả lựa chọn để diễn đạt ý mình. Chính vì vậy mà người ta thường phân tích các hình ảnh và nhân vật trong tác phẩm để hiểu ý nghĩa của tác phẩm.
Vd:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chiều tối – Hồ Chí Minh)
Ở đây, hình ảnh “quyện điểu”, “cô vân” đã làm nổi bật lên được thần thái cô đơn, lẻ loi của thiên nhiên cảnh chiều tà. Điều mà bản dịch “chim mỏi”, “chòm mây” không thể nào lột tả được được.
– Người ta “đọc” ra ý nghĩa của hình ảnh bằng sự cảm thông, thể nghiệm, sự từng trải và vốn văn hóa. Nhà văn có thể sử dụng nhiều phương tiện ngôn ngữ để truyền tải nội dung: “ngôn ngữ thiên nhiên”, “ngôn ngữ đồ vật”, “ngôn ngữ màu sắc, âm thanh”….Nhà văn cũng có thể nói bằng ước lệ, kì ảo, tưởng tượng (“Có chở trăng về kịp tối nay” – Hàn Mặc Tử). Một số hình tượng đọc không thể hiểu ngay mà phải trải qua một khoảng thời gian dài lĩnh hội mới có thể dần thấm thía được (Trẻ em đọc tác phẩm “Chí Phèo” sẽ không thấm thía bằng người trưởng thành)
– Trong tác phẩm tự sự như tiểu thuyết, truyện kể hoặc tác phẩm kịch; nhân vật bao giờ cũng là yếu tố mang ý nghĩa hình tượng, thể hiện các giá trị nhân sinh. Kết cấu các tác phẩm này đủ phức tạp để xây dựng nên một khối lượng hình tượng đồ sộ, mang những tầng ý nghĩa sâu sắc. Để thấy được cái hay của tác phẩm, việc phân tích nhân vật và kết cấu truyện có ý nghĩa then chốt.
- Các lớp ý nghĩa của tác phẩm văn học.
– Nội dung của tác phẩm là sự cảm nhận, lí giải, đánh giá của con người đối với các hiện tượng đời sống như tính cách, lẽ sống, tình người, xã hội, thiên nhiên, thiện ác, đẹp xấu…Nội dung ấy thể hiện nhiều lớp ý nghĩa mà người đọc phải cảm nhận hết mới thấy được cái hay của tác phẩm:
+ Đề tài tác phẩm: Lớp ý nghĩa thứ nhất được truyền tải thông qua các nhà văn lựa chọn đề tài. Qua đó, người đọc có thể lĩnh hội được những ý đồ, thông điệp của người cầm bút, có những cách nhìn khách quan, đúng đắn hơn khi đánh tác cái tâm và cái tài của anh ta.
+ Chủ đề là vấn đề chính mà tác phẩm muốn nêu lên qua một hiện tượng đời sống: Bằng biết nắm bắt được chủ đề, người đọc có thể cảm nhận sơ lược các tầng nghĩa nổi của tác phẩm, tạo cơ sở tiền đề để đào sâu hơn vào các lớp nghĩa tiềm ẩn đằng sau.
+ Cảm hứng (Nội dung tình cảm của tác phẩm): Các hứng là phương diện tình cảm của người cầm bút, chi phối đến cách anh khai thác và triển khai tác phẩm. Hiểu được cảm hứng, người đọc mới cảm nhận tác phẩm một cách đa dạng, nhiều chiều, tránh chủ quan, phiến diện.
Vd: Hành động muốn ăn lá ngón của Mị -> Nếu ta không hiểu được cảm hứng chủ đạo của tác giả khi viết tác phẩm “VCAP” là khắc họa sự đấu tranh của người nông dân trước thế lực cường quyền, thần quyền; thì chi tiết muốn ăn lá ngón vô cùng tiêu cực, thể hiện sự bất lực của họ trước cái ác.
=> Để hiểu hết giá trị của một chi tiết hay tình huống, ta phải liên hệ nó trong sự thống nhất logic của nội dung, soi chiếu vào cảm hứng của tác giả để vừa thấy được nghĩa đen, vừa thấm thía nghĩa bóng.
+ Quan niệm về thế giới và con người (nội dung triết lí của tác phẩm): Cơ sở triết lý thể hiện những quan điểm của nhà văn về những điều diễn ra xung quanh mình, nó giúp cho tác phẩm mang tính chủ quan nhất định, tránh trùng khớp với những tác phẩm cùng đề tài. Chung một sự vật nhưng nhà văn sẽ có những góc nhìn khác nhau về nó, cùng một hiện tượng nhưng mỗi người lại có một cách lý giải riêng. => Tạo nên những tầng nghĩa vô cùng đa dạng, phong phú cho tác phẩm. Thông qua đó, độc giả có thể đồng tình hoặc phản biện, góp phần kéo dài sức sống của tác phẩm.
+ Giá trị thẩm mĩ của tác phẩm: Nghệ thuật là thẩm mĩ, là cái đẹp. Nên những tầng nghĩa của văn bản văn học phải hướng đến những điều nhân văn. Không có chuyện đọc xong một tác phẩm, ta lại thấy đau khổ và mất lòng tin vào cuộc sống.
Tác phẩm phải mang đến những vẻ đẹp ấn tượng, phong phú (bởi vì cái đẹp là nhu cầu tất yếu của con người). Cái đẹp ấy có thể biểu hiện qua ngôn ngữ, qua hình tượng, qua cách tổ chức tác phẩm…
=> Khi soi chiếu tầng nghĩa tác phẩm vào giá trị thẩm mĩ, ta sẽ thấy rằng cái đẹp trong văn học rất độc đáo, nó không chỉ là sự lộng lẫy, hoa mĩ của sự vật mà còn là vẻ đẹp của đạo đức, lương tri, của tình thương… Từ đó mà quá trình lĩnh hội tác phẩm sẽ trở nên hấp dẫn và đọng lại nhiều chiêm nghiệm hơn trong lòng người đọc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Văn học 11, tập 2, NXB Giáo dục 2005.
- Ngữ Văn 11 nâng cao, tập 2, NXB Giáo dục 2023