Nguyễn Minh Châu đã từng bộc bạch rằng: “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết là để làm công việc như kẻ nâng giấc cho những kẻ cùng đường tuyệt lộ”. Quả thực, bi kịch của con người khi bị mắc kẹt giữa những giá trị sống là đề tài xuyên suốt các tác phẩm văn học trong nhiều thời kỳ qua. Nói về cái “tuyệt lộ” ấy, ta không thể nào không nhắc tới Kiều, tới Chí Phèo, hay tới Lão Hạc – những số phận bi kịch bậc nhất của nền văn học Việt Nam. Thế nhưng, bi kịch không chỉ đến từ những tác động bên ngoài, mà đôi khi còn xuất phát từ chính con người. Đó là câu chuyện về Trương Ba, bi kịch của một linh hồn thanh cao phải trú ngụ trong thân xác thô kệch, phàm tục chỉ để níu kéo sự sống. Quả thực, với “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ đã chứng minh cho độc giả thấy rằng: Con người ta khát khao sống nhưng không thể sống bằng bất cứ giá nào. Sống ra sao, sống được là chính mình hay không mới là điều quan trọng nhất. Điều này được thể hiện sâu sắc trong đoạn đối thoại giữa Trương Ba và xác anh hàng thịt. Đồng thời, qua đó cũng thể hiện tài năng xây dựng xung đột kịch của Lưu Quang Vũ.
Không chỉ là một nhà thơ, một họa sĩ tài năng mà Lưu Quang Vũ còn gây được ấn tượng sâu sắc đối với độc giả nhờ vào những vở kịch bất hủ. Cái hay trong sáng tác của ông là sự hòa quyện giữa tính phê phán mạnh mẽ cùng với chất thơ bay bổng, giữa vẻ đẹp truyền thống với giá trị hiện đại. Hơn hết, Lưu Quang Vũ còn mang trong mình một khát khao được đối thoại với thời đại, đó chính là lý do mà kịch của ông luôn phản ánh những thực tế ngang trái, những trăn trở của kiếp nhân sinh. Và không gì khác, “Hồn Trương Ba da hàng thịt” chính là một tác phẩm như thế. Vốn dĩ là một câu chuyện cổ dân gian nhưng bằng tài năng sáng tạo của mình, Lưu Quang Vũ đã thay đổi nội dung, hình thức, để rồi từ đó đem tới cho độc giả những thông điệp vô cùng ý nghĩa.
Trước đây, Trương BA vốn là một người làm vườn nho nhã, dịu dàng nhưng vì sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu mà phải chết oan. Và để sửa sai, hồn ông được tiếp tục sống nhờ vào xác anh hàng thịt. Nhưng cũng chính từ đây, bi kịch bắt đầu xảy ra. Một tâm hồn thanh cao nay phải trú vào thân xác kềnh càng, thô lỗ. Đau đớn hơn là hồn cũng bắt đầu nhiễm thói hư, tật xấu từ xác. Và rồi từ đó, Lưu Quang Vũ đã xây dựng nên bối cảnh hồn và xác đối thoại với nhau, nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn phức tạp.
Mở đầu đoạn trích, tác giả để Trương Ba ngồi ôm đầu một hồi lâu, nói ra những lời độc thoại đau đớn. Không gì khác, đó chính là sự chán nản, sợ hãi đến tột độ về cái xác mà mình đang vay mượn. Và rồi, trong sự khao khát được tách bạch, tác giả đã để cho Trương Ba được đúng như ước nguyện hồn tách ra khỏi xác, màn đối thoại chính thức bắt đầu. Xác hàng thịt là người mở lời trước tiên, giành thế chủ động: “Vô ích, cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia đi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác …”. Thật vậy, làm sao mà một linh hồn lại có thể rời bỏ được xác thịt của nó, làm sao mà một linh hồn bơ vơ lạc lõng lại có thể tồn tại? Trước lời khẳng định đầy vững vàng của xác, Trương Ba tỏ vẻ bất ngờ hơn bao giờ hết. Ở trong thân xác này, bấy lâu nay, nhưng chưa bao giờ ông biết rằng cái xác thịt âm u đui mù ấy cũng có tiếng nói riêng. Dường như cũng vì thế mà trái với cách gọi “ông” xưng “tôi” đầy nhã nhặn của xác thì Trương Ba lại gọi “mày” xưng “ta”, sau đó là nói ra những lời khinh miệt vô cùng nặng nề. Thế nhưng xác thịt không thể nhún nhường, anh ta nhất quyết khẳng định bản thân có tiếng nói riêng, thậm chí tiếng nói ấy còn có thể sai khiến, lấn át cả phần hồn của đối phương. Trương Ba không chịu thua, đáp lại bằng những từ ngữ nặng nề hơn nữa. Rằng, xác chỉ là “cái vỏ bên ngoài”, “không có ý nghĩa”, “không có tư tưởng”, càng “không có cảm xúc”, … Hoặc nếu có, thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt.
Hồn coi thường, đặt xác chỉ đáng ngang hàng với “con thú” loài dung tục, loài thấp kém. Tuy nhiên, đằng sau những lời mỉa mai ấy, hồn vẫn buộc phải công nhận sự có mặt của xác, công nhận tiếng nói riêng của xác. Dường như, đó đã là hai câu thoại dài và mạnh mẽ nhất của Trương Ba, còn đâu sau đó, ông chỉ còn biết im lặng, đau đớn mà nghe xác thắng thế.
Xác đã sử dụng giọng điệu có phần thách thức, khiêu khích để chứng minh rằng: xác thịt anh ta có âm u đui mù thật đấy, nhưng nó vẫn có thể lấn át, sai khiến hay thậm chí là đồng hóa linh hồn. Vì phải sống chung và chiều theo những đòi hỏi của xác, hồn đã không thể nào giữ được sự vẹn nguyên, trong sạch được nữa. Bằng chứng là hồn đã có những cảm giác khác lạ khi đứng bên cạnh vợ anh hàng thịt, đến nỗi tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, và cổ thit nghẹn cả lại. Hay là khi đối diện với những món ăn mà ông từng cho là dung tục như tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi,… thì giờ đây, ông cũng “lâng lâng cảm xúc”. Thậm chí khi không dạy bảo được con, ông đã dùng vũ lực tàn bạo để tát nó chảy máu mồm, máu mũi. Quả thực, không một ai có thể phủ nhận việc Trương Ba đã nhiễm những thói hư tật xấu từ xác, không còn dịu dàng, hiền lành như xưa được nữa. Mà hiện tại đây, khi đứng trước những lời vạch trần đanh thép đó, ông chỉ còn biết bần thần, lắp bắp yêu cầu xác hãy im đi. Tuy rằng đã khẳng định mình có đời sống riêng thật đó, nhưng lời khẳng định đó mới yếu thế, kém thuyết phục làm sao.
Không dừng lại ở đó, xác tiếp tục mỉa mai, khẳng định vai trò của bản thân: “Ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những sở thích của tôi”, làm sao có thể nhận mình vốn “nguyên vẹn, trong sáng cơ chứ”. Nếu không có xác, hồn làm sao có thể làm lung, cuốc xới, nhìn ngắm trời đất, người thân. Xác là cái bình để chứa linh hồn, là hoàn cảnh mà hồn buộc phải quy phục. Vậy nên đối với hồn, xác rất quan trọng, và ngược lại cũng vì thế cho nên, “chúng ta tuy hai mà một”, không thể tách rời, không thể riêng biệt. Thêm vào đó, xác còn khẳng định lỗi lầm của hồn, rằng những vị lắm chữ nhiều sách hay “vin vào cái cớ tâm hồn là quý”, để rồi “bỏ bê cho thân xác khổ sở, nhếch nhác”. Biết bao lâu nay, xác phải cảm thông với cái “trò chơi tâm hồn” mà hồn tạo nên, phải gánh chịu mọi tội lỗi mà hồn đã làm xác cũng đâu có sung sướng gì, khi mà muốn ăn tám chín bát cơm, thì lại chẳng có đủ tám, chín bát để ăn. Có hồn và xác đều phải trải qua những nỗi khổ riêng mà thực tại, không ai là sung sướng, không ai là thoải mái.
Thông qua đoạn trích trên, Lưu Quang Vũ đã thể hiện rất rõ tài năng xây dựng xung đột kịch của mình. Ông không chỉ xây dựng xung đột bên ngoài, mà còn tạo ra nhiều xung đột trong suy nghĩ của chính Trương Ba. Lời thoại được viết vô cùng độc đáo, ngôn ngữ giàu chất kịch, khúc triết, sâu sắc, mang lại cho người đọc nhiều nhận thức sâu sắc. Hơn cả, đó còn là sự kết hợp giữa tính hiện đại và các giá trị truyền thống khiến vở kịch trở nên độc sắc hơn bao giờ hết.
Qua đây, Lưu Quang Vũ đã thủ thỉ với người đọc rằng: nếu sống một cuộc sống đáng hổ thẹn, phải chịu cảnh sống chung với dung tục và bị dung tục đồng hóa, thì đó lại là một bi kịch. Sự tha hóa đáng sợ nhất là sự tha hóa từ “bên trong”, chứ không phải là những hủy hoại đến từ bên ngoài. Cuộc đời liệu còn có ý nghĩa hay không khi ta không được làm chính mình.
“Hồn Trương Ba da hàng thịt” sau cùng rồi cũng khép lại, nhưng âm hưởng của nó thì vẫn còn nguyên. Nó cứ âm ỉ, cứ vang vọng, trở thành một câu hỏi bỏ ngỏ mà có lẽ hậu thế sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể giải đáp. Đó có thể đã là một câu chuyện viễn tưởng, nhưng giá trị mà nó mang lại thì vô cùng chân thực: Ta cần sống là mình, sống trọn vẹn với những điều mà ta mong cầu, khao khát. Mọi thứ giả tạo rồi sẽ cướp đi giá trị thật sự của cuộc sống này. Bởi lẽ, được sống là quý, nhưng sống sao cho đáng thì còn quý hơn gấp bội.