Nguyễn Tuân nói về nghệ thuật của Thạch Lam

Trong văn học Việt Nam trước Cách mạng 45, Thạch Lam là một trong số những nhà văn được nhiều cảm tình của người đọc. Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc. Dưới cái hình thức không những thoát ra khuôn sáo cũ của cách hành văn đương thời mà lại còn rất nhiều đức tính sáng tạo ấy, văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời. Thạch Lam có những nhận xét tinh tế về cuộc sống hàng ngày. Xúc cảm của nhà văn Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê. Thạch Lam là một nhà văn quý mến cuộc sống, trân trọng trước sự sống của mọi người chung quanh. Ngày nay, đọc lại Thạch Lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học. Mặc dù in ra ít, sách Thạch Lam có đánh dấu lại được cái tâm hồn súc tích, rộng rãi và tiến bộ của một nhà văn xuôi chân chính.

[…]

Nói đến nghệ thuật của Thạch Lam, tức là nói cụ thể đến nghệ thuật viết truyện ngắn của Thạch Lam. Một số truyện ngắn của Thạch Lam có thể coi là mẫu mực được. Có những truyện ngắn Thạch Lam, ở cái thời bấy giờ, đọc xong thấy nó đọng lại trong người ta như một câu hỏi bức thiết của tác giả, như là một lời trách móc kín đáo của nhân vật truyện. Những vi phạm vào quyền sống của hạnh phúc tuổi trẻ, những nỗi cay đắng oan uổng của cảnh bị ép duyên, đâm đầu xuống sông mà không chết ngay được, để sau đó phải mòn chết oan trái trong “Hai lần chết”. Những cuộc sống phụ nữ hết lo cho em lại đến lo cho chồng, cứ chìm chìm xám xám như thế quanh một cái chợ. Những “cô hàng xén” tuy không lên tiếng đòi quyền sống trong truyện, nhưng qua kẽ dòng truyện, vẫn như thầm hỏi người độc giả rằng ý nghĩa cuộc sống có phải là như thế không?

Truyện “Hai đứa trẻ” có một hương vị thật là man mác. Nó gợi một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng dóng lên một cái gì còn ở tương lai. Đây là một mẫu sinh hoạt hằng ngày và kéo dài của hai chị em đứa trẻ thay mẹ trông nom một gian hàng vặt ở một cái phố huyện, gần một cái ga xép. Đêm đêm có những bóng người bình thường lú mù đi qua trước gian hàng.

Những bóng người ấy cũng lù mù như nhiều chấm lửa ở những nguồn sáng quanh quất nơi phố huyện. Trong cái bốn bề chìm chìm nhạt nhạt, bỗng có những tiếng động mạnh và những luồng sáng mạnh của một chuyến xe lửa kéo qua hàng ngày. Hai chị em đứa trẻ ngày nào cũng chờ một chuyến tàu đêm kéo qua rồi mới chịu đóng cửa hàng. Nơi cái thế giới quan của một đôi trẻ ở phố quê, hình ảnh đoàn tàu và cái tiếng còi tàu đã thành một thói quen của cảm xúc và ước vọng. Đọc “Hai đứa trẻ”, thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm mát và sâu kín.

[…]

Đọc Thạch Lam, có người chê câu văn Thạch Lam và nói chung văn phẩm Thạch Lam là ít động tác, ít hành động, và kết luận: “Cho nên Thạch Lam viết truyện dài không thành công”. Tôi đồng ý là truyện dài Thạch Lam không thành công nhưng rất dè dặt về cái điểm “câu văn và văn phẩm nhất thiết phải có động tác, phải nhiều hành động” bởi vì nhiều khi, nhiều động tác quá lại hóa ra túi bụi. Cái chính trong truyện là nhân vật có làm, phải làm cái này cái kia, nhưng nhân vật còn phải có cảm có nghĩ, có suy nghĩ nữa. Và cái thế giới bên trong của một nhân vật, của những nhân vật rất cần cho sinh khí tiểu thuyết. Cái phần ấy mới đem đến cho nhân vật một cái chiều sâu và do cái thâm thúy đó, mới thỏa mãn được người bạn đọc và giúp gì cho người bạn đọc.

Về Thạch Lam và đọc truyện ngắn Thạch Lam, tôi cứ nghĩ như đó là một người tính tình nhẹ nhàng tinh tế, từng trải sự sống ở một số mặt sống, vừa sống vừa lắng nghe chung quanh cũng là lắng nghe mình phản ứng trước mọi diễn biến cả bên ngoài lẫn bên trong mình. Rồi trang trọng đề nghị với mọi người cùng bàn về điều hơn lẽ thiệt, mặc dù cái điều hơn thiệt đưa ra bàn bạc có khi chỉ nhỏ như một sợi tóc… Nhưng đứng về mặt góp phần vào việc xây dựng một nền văn xuôi Việt Nam hãy còn trẻ tuổi, đứng trên chỗ đó mà bàn về Thạch Lam thì cũng dễ có sự đồng tình của tất cả, để cùng thấy cái chỗ đóng góp của nhà văn xuôi Thạch Lam. Bằng sáng tác văn học. Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra và tươi đậm hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta. Và theo tôi nghĩ, đứng bên cái tiêu chuẩn thái độ tư tưởng đó là cái tiêu chuẩn chung cho các thể các ngành văn nghệ, thì đây là cái chuẩn quan trọng – nếu không nói là duy nhất – để nhận định giá trị của một nhà văn, nhà văn ấy dù qua đời rồi hoặc còn đang làm việc cho văn học. Và đánh giá một nhà văn, đứng về nghề nghiệp chuyên môn mà bàn, thì giá trị một nhà văn xuôi, cụ thể còn là những công đức lập ngôn của nhà văn đó mở mang thêm vốn liếng dân tộc về tiếng nói được tới mức nào, và đã góp phần sáng tạo của mình vào ngôn ngữ Việt Nam như thế nào.

(Lược trích từ “Nguyễn Tuân – Bàn về văn học nghệ thuật” – Nxb Hội nhà văn, 1999)