NHẬT KÝ TRONG TÙ
(Ngục trung nhật ký)
Hồ Chí Minh
NHỮNG THÔNG TIN CƠ BẢN
Nhật kí trong tù là một tập nhật kí bằng thơ được viết trong nhà tù. Sau một thời gian dài về nước và công tác tại Cao Bằng, tháng 8 năm 1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh lên đường trở lại Trung Quốc với danh nghĩa đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam để tranh thủ sự viện trợ của thế giới. Sau nửa tháng trời đi bộ, đến Túc Vinh, Quảng Tây (29-8-1942), Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Mười ba tháng ỏ tù (mùa thu 1942 – mùa thu 1943), tuy bị đày ải vô cùng cực khổ, lại bị giải đi quanh quẩn gần 30 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, Người vẫn làm thơ. Người đã sáng tác 133 bài thơ bằng chữ Hán ghi trong một cuốn sổ tay mà Người đặt tên là “Ngục trung nhật ký” (Nhật kí trong tù).
Tập thơ viết theo nhiều bút pháp khác nhau: bút pháp tả thực, bút pháp trữ tình, bút pháp mỉa mai, châm biếm, bút pháp hài hước tự trào… vừa hướng nội, vừa hướng ngoại, khi hiện thực, khi lãng mạn…
Tập Nhật kí trong tù vừa ghi lại một cách chân thực đến nhiều chi tiết của bộ mặt đen tối của chế độ nhà tù cũng như xã hội Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch, vừa thể hiện tâm hồn phong phú, cao đẹp của người tù vĩ đại.
-> Nhật kí trong tù chính là bức tự họa chân dung của Hồ Chí Minh: vừa kiên cường bất khuất, vừa mềm mại, tinh tế, hết sức nhạy cảm với mọi biến thái của thiên nhiên và lòng người; vừa ung dung tự tại, hết sức thoải mái, như bay lượn ở ngoài nhà tù, vừa nóng lòng sốt ruột như lửa đốt, khắc khoải ngóng trời tự do; vừa đầy lạc quan tin tưởng… Tất cả bắt nguồn từ bản chất của một con người yêu nước lớn, một tấm lòng nhân đạo lớn, một cốt cách nghệ sĩ lớn.
Hơn trăm bài thơ của Nhật kí trong tù có nhiều bài thật tài hoa. Căn cứ vào những bài hay và tiêu biểu của tập thơ, người ta thấy màu sắc đậm đà nhất của hồn thơ Hồ Chí Minh là màu sắc cổ điển: giàu tình cảm đối với thiên nhiên, bút pháp chấm phá như muốn ghi lấy linh hồn của tạo vật, hình tượng nhân vật trữ tình ung dung, nhà nhã, tâm hồn hòa hợp với thiên nhiên, vũ trụ. Nhưng cổ điển mà vẫn thể hiện tinh thần hiện đại: hình tượng thơ luôn luôn vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Trong quan hệ với thiên nhiên, con người là chủ thể – không phả là ẩn sĩ mà là chiến sĩ… Tinh thần dân chủ thể hiện sâu sắc ở đề tài, tư tưởng, nhân vật trữ tình, hệ thống hình ảnh ước lệ tượng trưng, ngôn ngữ, giọng điệu, v..v.. Hồn thơ ấy tự tìm đến hình thức ưa thích nhất và phù hợp nhất: thơ chữ Hán, thể tứ tuyệt cổ điển.
(Theo “Văn học 11”, tập 1, NXB Giáo dục 1990)
MỘT SỐ BÀI THƠ NỔI BẬT (Bản dịch thơ)
LAI TÂN
Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,
Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh;
Chong đèn, huyện trưởng làm công việc,
Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.
GIẢI ĐI SỚM
Gà gáy một lần đêm chửa tan,
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn;
Người đi cất bước trên đường thẳm,
Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn.
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đến tàn, quét sạch không;
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.
CẢNH CHIỀU HÔM
(Vãn cảnh)
Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng,
Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình;
Hương hoa bay thấu vào trong ngục,
Kể với tù nhân nỗi bất bình.
CHIỀU TỐI
(Mộ)
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.
NGẮM TRĂNG
(Vọng nguyệt)
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ!
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
VÔ ĐỀ (I)
Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao;
Muốn nên sự nghiệp lớn,
Tinh thần phải càng cao.
MỚI RA TÙ TẬP LEO NÚI
(Tân xuất ngục học đăng sơn)
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ.
Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh,
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.