Những câu văn ấn tượng phần NLVH của Học sinh cô Sương Mai
  1. Mị bị trói đứng, bị quấn tóc lên cái cột ấy. Đó cũng là khoảnh khắc mị được ngẩng cao đầu để đối diện với chính mình sau ngần ấy năm cúi mặt lầm lũi. 
  2. Kim Lân là một nhà văn tôn trọng hiện thực, cho nên niềm hạnh phúc của con người lúc ấy tuy thật đáng giá, song cũng không thể mãi duy trì, mãi tồn tại mà không có bất cứ sự hòa trộn nào của nỗi sợ hãi, đau khổ và lo âu. Cái chết luôn kề cận bên họ, nhưng ít ra họ cũng đã được sống, sống cho ra một con người. 
  3. Lưu luyến ra đi để rồi sông Hương “sực nhớ ra còn điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố ở thị trấn Bao Vinh xưa cổ”. Đối với Huế, đó là địa điểm chia tay “dõi xa mười dặm trường đình”, là nơi cách xa cách nhau không hẹn ngày tái ngộ, vì thế cho nên cảm xúc câu văn trở nên chùn lại, bịn rịn, đầy lưu luyến như chàng Kim Trọng vẫn mãi ở lại đợi chờ nàng Kiều.
  4. Nắng trên sông mang một màu sắc mới lạ “một màu nắng tháng ba Đường thi”. Đó không phải là gam màu có trong hội họa mà được thêu dệt nên từ xúc cảm lâng lâng, bồi hồi của nhà văn về một nền Hán học xưa cũ lấp lánh vần thơ của thi tiên Lý Bạch: “yên hoa tam nguyệt há dương châu”. Một chút mơ hồ của “yên hoa” hòa quyện với nét cổ kính, trang nhã của thành Dương Châu đã khơi gợi nguồn cảm hứng bất tận cho Nguyễn Tuân khi quan sát Sông Đà. Con sông như hiện lên với những vẻ đẹp thật thi vị, cổ kính, gợi nhớ đến những tiết học thơ Đường của Nguyễn Tuân khi còn được cắp sách đến trường .
  5. Cái hay của Nguyễn Minh Châu ở chỗ bằng việc khắc họa một đối tượng – Phùng – mà đã nêu ra được toàn bộ vấn đề cần phải nhìn nhận của những người nghệ sĩ trẻ. Từ một gia đình hàng chài mà lột trần được một tệ nạn xã hội mang tính báo động. Từ những nghịch lý chủ quan thể hiện sâu sắc những quan điểm đạo đức cần phải nhìn nhận lại. Và từ một khoảng cách “ngoài xa” ấy đã nêu bật lên được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Nghệ thuật không phải là một khí giới sinh ra để bài trừ, thoát ly khỏi cuộc sống, mà hơn bao giờ hết, nó luôn phải gắn bó chặt chẽ với hiện thực, đó mới là thứ nghệ thuật vị nhân sinh, một thứ nghệ thuật của đạo đức.
  6. Kim Lân miêu tả thật trìu mến và tinh tế cảm giác hạnh phúc tràn ngập trong lòng người đàn ông nghèo khổ: “Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát, ghê gớm đang đe dọa, quên cả những ngày tháng trước mắt”. Cảm giác có vợ sung sướng biết bao, mãn nguyện biết bao nhưng cũng bất ngờ biết bao, khiến cho Tràng cảm nhận “Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn mởn khắp da thịt Tràng”. Có lẽ chính niềm hạnh phúc ấy đã xoay chuyển thái độ của Tràng với hiện tại, cái đói vẫn ở đó, vẫn hoành hành đó, nhưng tâm trí con người lúc này đã được thanh thản. Tràng tìm thấy hạnh phúc trong chính tận cùng của đói khát, khổ đau.
  7. Tác nhân khiến Mị rã đông tâm hồn giá băng của mình không hẳn là giọt nước mắt của A Phủ, mà từ giọt nước mắt của người khác, Mị nhớ lại giọt nước mắt của chính mình; từ nỗi đau cận kề cái chết của người khác; Mị lo sợ cho số phận của bản thân cô. Quá khứ đóng một vai trò rất quan trọng trong sự trỗi dậy của nhân vật Mị, vì thế mà nó mới cần có sự đồng hiện với thực tại để quá trình chuyển hóa tâm lí diễn ra một cách nhanh chóng nhất. 
  8. Sự sống là điều quý giá, là ao ước của bất cứ ai, nhưng đôi lúc bám víu sự sống mà đánh mất chính mình cũng khiến con người ta chán ghét, Trương Ba từ chối: “Không thể sống với bất cứ giá nào. Có những cái giá đắt quá, không thể trả được”. Vấn đề nhân sinh đặt ra không nằm ở việc ta được sống, mà ta sống như thế nào, và trong suốt thời gian được sống, ta có hạnh phúc hay không? Đó là suy nghĩ của một cá nhân đã từng rất đau khổ vì chịu những mâu thuẫn và tha hóa của xác thịt, để rồi lời giải duy nhất cho vấn đề chính là “Tôi đã chết rồi, hãy cho tôi chết hẳn”
  9. Cuộc sống mà chúng ta đang tồn tại không đơn giản, xuôi chiều. Giữa những chân lý luôn sẽ tồn tại một vài nghịch lý, những người tưởng chừng toàn năng như thần tiên, cao quý như Đế Thích đôi lúc cũng mắc phải những sai lầm. Trương Ba đã sai lầm khi đồng ý thỏa hiệp với xác hàng thịt, sống cuộc đời không phải của mình để rồi phải sửa chữa bằng cách cứu sống Cu Tị và chấp nhận chết hẳn .Có những cái sai không thể sửa được, chấp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chí có cách không bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác. Để làm được điều đó, hơn ai hết, chúng ta phải hiểu bản thân, thấu hiểu lẽ đời, dũng cảm và đôi lúc cũng phải đánh đổi cả sự sống như Trương Ba. 
  10. Có lẽ Mị sợ, cái chết dần dần ập đến khiến cho Mị bừng tỉnh về giá trị của bản thân. Mị đã trình ma, A Phủ cũng đã trình ma; A Phủ chạy thoát thì Mị cũng có thể.