Phân tích cơ bản “Dưới bóng Hoàng Lan”

I. Tác giả Thạch Lam

Thạch Lam (1910 – 1942), tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân. Bút danh Thiện Sĩ – Việt Sinh – Thạch Lam.

Sinh ra trong một gia đình có gốc quan lại đến hồi sa sút

Ba anh em nhà Thạch Lam đều là những cây bút đắc lực trong nhóm Tự lực văn đoàn: Nhất Linh – Hoàng Đạo – Thạch Lam. Nhóm văn chương này đi sâu vào tầng lớp thượng lưu với những mối tính lãng mạn để chống phá lại chế độ phong kiến.

Thạch Lam có một khuynh hướng thẩm mỹ khác so với nhóm Tự lực Văn đoàn, ông đi sâu vào tầng lớp nghèo khổ, bơ vơ và bất hạnh: trí thức nghèo, nông dân nghèo bằng tính thương và lòng nhân ái.

Phong cách truyện ngắn Thạch Lam: đơn giản, đa phần không có cốt truyện nhưng vẫn hấp dẫn với lối viết trong sáng, đầy chất thơ. 

II. Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan”.

Thể loại: Truyện ngắn không cốt truyện

Phương thức trần thuật: nửa trực tiếp (ngôi kể thứ ba nhưng điểm nhìn là của nhân vật)

-> Là ngôi kể thứ ba, nhưng tác giả thuật lại câu chuyện không phải dưới góc độ của một người kể toàn năng, mà tác giả trao ngòi bút của mình cho nhân vật tự kể ( lời văn hòa cùng với cảm xúc, nội tâm của nhân vật. Dù là ngôi thứ ba nhưng ta vẫn cảm giác là nhân vật đang kể lại câu chuyện của cuộc đời mình). Từ đó ta thấy được tài năng kể chuyện của Thạch Lam. 

– Nội dung truyện ngắn: Kể về Thanh thông qua một lần trở về quê hương, được gặp lại bà, gặp lại Nga, gặp lại những điều dẫu nghèo khó, bình dị nhưng vô cùng yên bình, thân thương. Khi anh trở lại thành phố công tác, căn nhà của bà anh càng trở nên yên ắng, cô đơn, khiến Thanh nghẹn ngào. 

-> Không tình tiết, không cao trào, nhưng truyện ngắn vẫn hấp dẫn người đọc bởi lối hành văn vô cùng nhẹ nhàng, tinh tế, giàu chất thơ. Dường như cả một làng quê nghèo hiện lên trước mắt chúng ta sau từng con chữ mà Thạch Lam đã xây dựng nên. 

– Nhan đề “Dưới bóng hoàng lan”:

một trạng từ chỉ nơi chốn cụ thể: dưới bóng cây hoàng lan

Gợi ra biết bao nhiêu kỉ niệm thân thương về quê hương, về con người mà Thanh yêu quý. Bởi lẽ tuổi thơ của anh bên cha mẹ, bên bà, bên Nga đều diễn ra dưới bóng cây hoàng lan. 

III. Đọc hiểu văn bản: 

A. Tâm trạng của nhân vật Thanh sau khi trở về (trọng tâm)

a. Cảm xúc của Thanh khi trở về nhà.

Thanh gặp lại những điều bình dị của quê hương, của mái ấm thân thuộc:

“Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong khu vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều ngưng lại trên bậc cửa”.

“cảnh tượng không gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y như ngày chàng đi khi xưa” -> sự yên tĩnh, vắng lặng khiến Thanh bỗng nghẹn lòng 

“trên con đường gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây nhảy múa theo chiều gió”.

-> Không gian ấy tuy bình dị nhưng khúc xạ qua trái tim đầy thổn thức của Thanh, dường như nó trở thành những điểm tựa thiêng liêng, có sức mạnh khơi gợi xúc cảm nhớ mong, bồi hồi trong tâm hồn. 

– Khi gặp bà; mọi phiền muộn, lo âu của cuộc sống tấp nập nơi phố thị dường như đã biến mất, Thanh trở về làm một người cháu nhỏ bé, tha thiết, cảm động trước tình cảm của người bà thân yêu:

Thanh mồ côi cha mẹ từ sớm nên anh phải sống cùng bà. Vì thế mà tình cảm giữa anh và bà vô cùng thấm thiết.

Khi trở về, Thanh cảm nhận được sự chăm sóc tận tình của bà: “Đi vào trong nhà không nắng cháu”; “Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt”; “bà lại gần săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi, gió quạt nhẹ trên mái tóc chàng”. 

– Một cảm giác thân thuộc vẫn vẹn nguyên trong cõi lòng của Thanh dẫu cho anh đã xa quê hương hai năm. Hai năm ấy đặt trong bối cảnh của một cuộc sống thành thị, có biết bao nhiêu đổi thay mà người ta còn lo lắng đến cái gọi là “vật đổi sao dời”. Nhưng khi trở về quê hương, trở về với vòng tay của bà, Thanh vẫn cảm nhận được một sự thân thuộc, sự bền vững của những giá trị tuy bé nhỏ nhưng lại vô cùng ý nghĩa. 

=> Thời gian không thể làm hao mòn đi tình cảm của Thanh với quê hương, với người bà hiền hậu. 

b. Cảm xúc của Thanh khi gặp cây hoàng lan

– Hình ảnh cây hoàng lan: 

“dưới làn gió nhẹ. Một cây vút cao lên trước mặt”

“mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào”

-> Hình ảnh cây hoàng lan được khắc họa bằng những nét chấm phá vô cùng độc đáo qua tán cây đung đưa theo chiều gió và mùi hương gợi biết bao niềm thân mật. Cũng như quê hương, cây hoàng lan gợi lại trong Thanh những cảm xúc vô cùng ngọt ngào.

– Cảm xúc của Thanh khi gặp lại cây hoàng lan:

Nhớ về quá khứ khi ba mẹ còn sống

Nhớ về tuổi thơ nô đùa dưới gốc cây, ngắm mùi hương, nhặt hoa.

Nhớ về những kỉ niệm bà cháu quấn quýt bên nhau.

> Đứng trước cây hoàng lan, Thanh dường như rơi vào một thế giới của hoài niệm, của những ký ức tươi đẹp. Trải nghiệm ấy khiến Thanh thoải mái, nhẹ nhõm và vô cùng xúc động. 

c. Cảm xúc của Thanh khi gặp lại Nga.

Nga tuy là một cô bé hàng xóm hay sang chơi, nhưng Thanh và bà đều coi cô là một thành viên trong gia đình. 

Cảm xúc của Nga khi thấy Thanh về:

đang nhặt rau vội ngửng đầu

một nụ cười, đôi mắt trong sáng lên

Lời nói dịu dàng, trìu mến: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”.

Tình cảm giữa Thanh và Nga

Thanh không muốn Nga đứng ăn cơm mà ra sức thuyết phục cô hãy ngồi xuống và tự nhiên như ở nhà -> Thanh không muốn Nga cảm thấy ngại vì mình là khách. 

Thanh cùng Nga ra vườn nhặt hoàng lan. Thanh cài hoa hoàng lan lên mái tóc của Nga 

Niềm hạnh phúc chưa kéo dài bao lâu thì hai người lại sắp phải chia xa nhau. Lời thoại: “Bao giờ anh lên tỉnh” như một sự chuyển giao tinh tế về mặt cảm xúc.

=> Qua đó ta thấy được tình cảm vô cùng trong sáng, tình tứ giữa Nga và Thanh. 

d. Cảm xúc của Thanh khi chia tay.

Trước khi lên tỉnh, cả ba đã có những giây phút vô cùng ấm áp, yên bình dưới bóng hoàng lan: “Đêm ấy, một bà, một cháu với một cô láng giềng chuyện trò dưới bóng đèn mãi đến khuya, khi trăng lên”.

Giây phút chia li, Thanh cầm lấy tay Nga, để yên trong tay mình. Sau khi Ngan về, một chút dịu ngọt của tình yêu vẫn còn vương vấn trong lòng Thanh. 

Thanh ra đi nửa buồn lại nửa vui. Nhưng Thanh tin rằng Nga sẽ chờ đợi anh, tin rằng họ sẽ được hội ngộ và trao nhau tình yêu chân thành nhất dưới bóng ngây hoàng lan. 

IV. Đánh giá điểm nhìn trần thuật.

Điểm nhìn trần thuật của truyện ngắn “dưới bóng hoàng lan” là điểm nhìn nửa trực tiếp, nhà văn kể bằng ngôi thứ ba nhưng vẫn theo rất sát vào diễn biến tâm lý, tình cảm của nhân vật.

Điểm nhìn của truyện có sự dịch chuyển đa dạng từ không gian đến con người. Khi là ở con mèo, rồi người bà, rồi đến cây hoàng lan,…

Tác dụng của điểm nhìn trần thuật nửa trực tiếp:

Khắc họa chân thực cảm xúc, nội tâm nhân vật. 

Tăng khả năng đồng hiện của tâm lý nhân vật, giúp nhân vật thoát ly khỏi trật tự thời gian tuyến tính và dồn nén nhiều lát cắt quá khứ – hiện tại chồng chéo vào nhau. 

Điểm nhìn trần thuật nửa trực tiếp cũng là cơ hội để Thạch Lam thể hiện sự trong sáng, tinh tế trong văn phong của mình. Dù là truyện phi cốt truyện, nhưng mọi thứ đều diễn ra vô cùng hấp dẫn, nhẹ nhàng và đi sâu vào tâm hồn bạn đọc. 

v. TỔNG KẾT.

Giá trị nội dung:

Khắc họa bức tranh làng quê bình dị, thân thuộc, cùng với những con người đôn hậu, chất phác.

Thể hiện tâm tư, tình cảm và nỗi niềm của những người con xa quê luôn tha thiết trở về. 

Giá trị nghệ thuật:

Khắc họa hình tượng nghệ thuật độc đáo “cây hoàng lan”

Nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật

Giọng văn trong sáng, giàu chất thơ.