- Giới thiệu vấn đề
“Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mang bát ngát tình”
(Hoàng Trung Thông)
Thơ của Bác là sự kết hợp hoàn hảo giữa những yếu tố đối nghịch nhau mà hiếm có nhà thơ, nhà văn nào có phong cách độc đáo như thế. Khi thưởng thức những vần thơ của Bác, người đọc không chỉ nhìn thấy một tâm hồn đầy xúc cảm, rung động của một nhà thơ mà còn là thế giới quan duy biện chứng của một người chiến sĩ cách mạng. Một trong những sáng tác đặc sắc của người lãnh tụ vĩ đại ấy là tập thơ “Nhật ký trong tù” được ra đời trong hoàn cảnh Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Trung Quốc. “Mộ” là một bài thơ được rút ra từ tập thơ nêu trên, thể hiện rõ nét không gian cảnh chiều muộn đầy rực rỡ, qua đó cho người đọc thấy được tinh thần lạc quan, kiên cường của người chiến sĩ cách mạng.
- Phân tích
- Bức tranh thiên nhiên lúc chiều tối (2 câu đầu)
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
Ở bản dịch thơ của Nam Trân đã đánh mất thần thái vốn có của sự vật. “Cô vân” là áng mây cô đơn, lẻ loi. “Mạn mạn” là động thái trôi nhẹ nhàng, lững lờ, chậm chạp.
a, Cảnh thơ mang âm hưởng của thơ Đường
– Bằng bút pháp lấy điểm tả diện, tác giả chỉ dùng đến hai sự vật là “cánh chim” và “chòm mây” mà đã khắc họa nên được một bức tranh thiên nhiên núi rừng lúc chiều muộn vô cùng rực rỡ và hùng vỹ.
– Hình ảnh cánh chim và chòm mây đơn độc, lẻ loi nhưng tạo ấn tượng cho một không gian bầu trời vừa cao, vừa rộng.
– Tác giả đã vận dụng thành công bút pháp lấy động tả tĩnh: Cụm từ “mạn mạn” miêu tả chuyển động lững lờ, chầm chậm, ngang qua trời của một chòm mây cô đơn, lẻ loi. Chuyển động ấy được khắc họa vô cùng nhẹ nhàng, trôi như không trôi tạo ra một bầu trời thoáng đãng, bao la, gợi ấn tượng về một không gian yên tĩnh, tịch mịch.
=> Ảnh hưởng sâu sắc lối viết Đường thi, bút pháp được vận dụng đậm chất cổ điển, thi liệu quen thuộc, gần gũi.
b, Cảnh thơ mang cảm quan hiện đại.
Thơ Bác là sự kết hợp không chỉ có yếu tố cổ điện mà còn mang cảm quan hiện đại, thể hiện qua các hình tượng trong câu thơ.
– Hình ảnh cánh chim là hình ảnh đậm chất cổ điển, mang tính ước lệ cho không gian và thời gian chiều ta: “Chim hôm thoi thót về rừng” (Nguyễn Du). “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi/ Dặm liễu sương sa khách bước dồn” (Buổi chiều lữ thứ – Bà Huyện Thanh Quan). Cánh chim trong thơ xưa mang dáng vóc nhỏ bé, không có sức sống -> Cánh chim bay mất hút vào không trung. Nhưng trong thơ Bác, hình ảnh cánh chim hướng đến sự vận động cụ thể bằng cách sử dụng bốn động từ: Quyện, quy, tầm, túc. Đó là hình ảnh hết sức đời thường, không nhỏ bé, mặc cảm.
– Trong thơ xưa, hình ảnh áng mây gợi lên sự thoát tục, đại diện cho sự vĩnh hằng của trời đất: “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” (Hoàng Hạc Lâu – Thôi Hiệu). Còn trong thơ Bác, áng mây ấy thật giản dị, là hình ảnh mang những nét đời thường của cảnh quan vùng rừng núi.
c, Vẻ đẹp tâm hồn của tác giả
* Ở cương vị là một nhà thơ: Bác mang một tình yêu thiên nhiên rộng mở khi đã cảm nhận rõ nét linh hồn của tạo vật. Đó là sự giao hòa giữa ngoại cảnh và nội tâm.
+ Áng mây cô đơn, lẻ loi như chính Bác cô đơn nơi đất khách quê người.
+ Cánh chim mỏi mệt như chính Bác mỏi mệt trên bước đường chuyển lao
* Ở cương vị là một chiến sĩ cách mạng: Ở trong con người tù ấy vẫn mang một dáng vóc to lớn, kiên cường, bất khuất trước những gian ải tù đày.
– Bác vẫn chỉ là con người, vẫn biết cô đơn nơi đất khách, vẫn biết mỏi mệt sau hàng vạn bước chuyển lao. Chúng ta không nhìn nhận Bác là một thánh nhân, vì ở Bác vẫn có những cảm xúc rất người, rất tự nhiên. Nhưng vượt lên trên tất cả điều ấy, B vẫn hướng đến sự tự do, hướng đến quê nhà, hướng đến con đường cách mạng, đó mới là điều mà chúng ta phải nghiêng mình trước ý chí bất khuất của người lãnh tụ vĩ đại ấy.
+ Hình ảnh áng mây trôi nhẹ nhàng hay chính là phong thái ung dung, tự tại của một người tù trong khó khăn, gian khổ. Trong bài thơ “Giải đi sớm”, dù bị giải lao trong thời gian nửa đêm khi gà chỉ mới vừa gáy, nhưng B vẫn giữ phong thái ung dung, tự tại, coi mình là một “chinh nhân” đang dạo những bước chân trên con đường hành quân:
“ Gà gáy một lần đêm chửa tan
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn
Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn”
(Tảo giải – Hồ Chí Minh)
+ Hình ảnh chim bay về tổ là minh chứng cho tinh thần lạc quan của B. Cánh chim mỏi mệt ấy đang tìm về với tổ ấm sau một ngày kiếm ăn vất vả. Cũng như B sẽ mau chóng được trả tự do và tiếp tục về quê nhà thực hiện con đường Cách mạng
=> Đây là một cuộc vượt ngục tinh thần của một người chiến sĩ cách mạng mang dáng vóc vĩ đại, ý chí hiên ngang, bất khuất. Hai câu thơ là sự kết hợp đặc sắc giữa các yếu tố đối nghịch: cổ điển – hiện đại, chất tình – chất thép. Một mặt đã khắc họa rõ nét không gian chiều muộn bao la, rộng lớn, song với đó thể hiện được tinh thần lạc quan của người tù mang một hoài bão lớn lao.
2, Bức tranh cuộc sống lúc chiều tối (2 câu cuối):
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”
– Bức tranh sinh hoạt đời thường của con người miền núi hiện lên rõ nét bằng bút pháp tả thực với hai hình ảnh: cô gái xay ngô và lò than rực hồng.
– Cô gái trong thơ xưa được khắc họa với những dáng vẻ kiêu sa, đài các, mỏng manh. Trong “Chinh Phụ Ngâm”, hình ảnh người chinh phụ hiện lên với hành động cuốn rèm lên, kéo rèm xuống, dạo hiên vắng, đối diện với ngọn đèn thể hiện sự bất an chiếm lĩnh toàn bộ cõi lòng và suy nghĩ: “Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”. Nhưng ở thơ Bác, hình người người thiếu nữ lại được khắc họa trong phong thái trẻ trung và yêu lao động. Hình ảnh con người trở thành trung tâm của bức tranh , khác với sự mờ nhạt, thưa thớt ở thơ xưa: “Lơ thơ dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà” (Bà Huyện Thanh Quan). Ở bản nguyên tác, B sử dụng từ hán việt “thiếu nữ” gợi lên sự trang trọng, có chút gì đó ngợi ca, khác với bản dịch thơ “cô em” thể hiện ý muốn trêu ghẹo, bông đùa.
=> Đặt hình ảnh con người vào sự lao động, chỉ có lao động mới có thể hạnh phúc.
– Hình ảnh lò than rực cháy đốm lửa màu hồng rực rỡ được B xây dựng bằng bút pháp lấy sáng tả tối. Cả bài thơ tác giả chẳng nói gì về bóng đêm cả, người đọc chỉ có thể dự đoán theo quy luật tự nhiên và ánh sáng sắp tàn của lò than. Bởi vì chỉ khi màn đêm buông xuống, cái tối bao trùm cả không gian đất trời, ánh sáng của lò than mới có thể cháy và tỏa ra một ánh lửa rực hồng đến như thế.
– Nhãn tự “hồng” gợi cho người đọc cảm nhận không chỉ có ánh sáng mà còn tỏa ra hơi ấm, một hơi ấm của sự ấm no, hạnh phúc.
– Nhịp thơ 4/3 tạo ấn tượng với sự bùng lên, nhanh và mạnh của ngọn lửa, khác với nhịp thơ 2/2/3 ở bản dịch thơ.
*Vẻ đẹp tâm hồn
– Ở cương vị là một nhà thơ: Tình yêu thương con người, tấm lòng nhân đạo bao la, sâu rộng:
+ B đã đồng cảm với sự cực khổ, vất vả của cuộc sống con người lao động nơi đây. Thể hiện rõ nét qua thủ pháp điệp vòng “Ma bao túc/ Bao túc ma hoàn” khi đã gợi sự cảm nhận về chuyển động nặng nề của cối xay ngô.
+ Cuộc sống lao động tuy vất vả nhưng lại gợi nên sự yên bình, hạnh phúc. Hình ảnh lò than chính là biểu tượng cho những bữa cơm gia đình đầm ấm.
– Ở cương vị là một chiến sỹ cách mạng: Ý chí hiên ngang, tinh thần lạc quan.
+ Âm hưởng câu thơ chuyển từ chậm rãi, buồn bã sang phấn chấn, hứng khởi.
+ Nhãn tự “hồng” chính là ánh sáng duy nhất trong màn đêm tăm tối, là niềm hi vọng của nhà thơ trước hoàn cảnh đề lao gian khổ. B vẫn luôn một lòng hướng về tổ quốc, hướng về con đường CM
=> Hai câu thơ được xây dựng chủ yếu bằng bút pháp tả thực, hình ảnh thơ mang tinh thần hiện đại. Tác giả đã khắc họa bức tranh sinh hoạt và lao động của con người nơi miền núi -> Tinh thần lạc quan, ý chí hiên ngang của một người chiến sỹ CM.
III. Kết thúc vấn đề
Giá trị nội dung
– Bài thơ cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách người nghệ sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh: yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống. Luôn kiên cường, ung dung, tự tại và lạc quan trong mọi hoàn cảnh.
Giá trị nghệ thuật
– Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, hàm súc, cô đọng. Kết hợp với thủ pháp đối lập, điệp vòng…
– Bài thơ mang đậm sắc thái nghệ thuật cổ điển và hiện đại.
+ Cổ điển: Thể thơ: thất ngôn tứ tuyệt, văn tự: chữ Hán, bút pháp tả cảnh ngụ tình, nghiêng về cảm hứng thiên nhiên,…
+ Hiện đại:
Cảnh vật có sự vận động hướng về sự sống.
Con người là trung tâm trong bức tranh thiên nhiên.
Nhân vật trữ tình không phải là ẩn sĩ mà là chiến sĩ.