Hồ Chí Minh là một trong những vị lãnh tụ vĩ đại của toàn thể nhân dân Việt Nam. Người không chỉ là một chính trị gia, mà còn là một nhà văn, nhà thơ, với các sáng tác độc đáo, rung động lòng người. Thơ của Bác là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất tình và chất thép, giữa cổ điển và hiện đại, giữa tâm hồn đầy chất thơ của một thi nhân và ý chí sắt đá của một chiến sĩ. .Một trong những sáng tác đặc sắc của người lãnh tụ vĩ đại ấy là tập thơ “Nhật ký trong tù”, được ra đời trong hoàn cảnh Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Trung Quốc. “Mộ” là một bài thơ được rút ra từ tập thơ nêu trên, thể hiện rõ nét không gian cảnh chiều muộn đầy rực rỡ, qua đó cho người đọc thấy được tinh thần lạc quan, kiên cường của người chiến sỹ cách mạng.
“Quyện điểu quy lâm tầm túc tụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”
Mở đầu bài thơ, vị lãnh tụ vĩ đại đã mở ra trước mắt người đọc không gian chiều tà nơi đất khách với những nét chấm phá độc đáo:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không.”
Trước hết, đó là cảnh thơ mang đậm nét âm hưởng của thơ Đường. Bằng bút pháp lấy điểm tả diện, tác giả chỉ dùng đến hai sự vật là “cánh chim” và “chòm mây” mà đã khắc họa nên được một bức tranh thiên nhiên núi rừng lúc chiều muộn vô cùng rực rỡ và hùng vỹ. Hình ảnh cánh chim và chòm mây đơn độc, lẻ loi nhưng tạo ấn tượng cho một không gian bầu trời vừa cao, vừa rộng. Tác giả đã vận dụng thành công bút pháp lấy động tả tĩnh qua cụm từ “mạn mạn”- miêu tả chuyển động lững lờ, chầm chậm, ngang qua trời của một chòm mây cô đơn, lẻ loi. Chuyển động ấy được khắc họa nhưng lại vô cùng nhẹ nhàng, trôi như không trôi, tạo ra một bầu trời thoáng đãng, bao la, càng tạo ấn tượng cho một không gian yên tĩnh, tịch mịch. Bác đã thành công thổi cái hồn Á Đông vào trong tác phẩm, khiến cho nét đẹp cổ điển được tạo nên thành hình, thành khối, mang màu sắc trang trọng, thành kính mặc dù đây không phải là thiên nhiên quê nhà.
Không chỉ có vậy, cảnh thơ còn có những nét hiện đại. Hình ảnh cánh chim là thi liệu quen thuộc của thơ ca cổ điển. Nguyễn Du từng viết: “Chim hôm thoi thót về rừng”. Nhưng nếu cánh chim của thơ xưa gợi cảm giác mệt mỏi, lẻ loi thì cánh chim trong thơ Bác lại vận động qua bốn động từ “quyện”, “quy”, “tầm”, “túc”. Ngoài ra, áng mây trong thơ Bác lại rất đời thường, cô đơn, lửng lờ trôi; không phải là áng mây thoát tục, cao quý trong thơ xưa: “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” (Thôi Hiệu).
Qua sự hòa quyện giữa thi liệu cổ điển và tinh thần hiện đại, người đọc tiếp tục cảm nhận được chất tình và chất thép trong tâm hồn người nghệ sĩ. Chất tình, đó là sự rung cảm đầy tinh tế của thi nhân với thiên nhiên. Bác mang một tình yêu thiên nhiên rộng mở khi đã cảm nhận rõ nét linh hồn của tạo vật. Đó là sự giao hòa giữa ngoại cảnh và nội tâm. Áng mây cô đơn, lẻ loi như chính Bác cô đơn nơi đất khách quê người. Cánh chim mỏi mệt như chính Bác mỏi mệt trên bước đường chuyển lao. Cảnh đẹp nhưng lòng người lại cô độc, trống vánh. Phải tinh tế lắm thì người nghệ sĩ mới có thể biến ngoại cảnh trở thành tâm cảnh, để từng lời thơ cất lên đều mang một nỗi niềm, một cảm xúc vô cùng riêng biệt. Chất thép, đó là trái tim dũng cảm, ý chí kiên cường của một người hoạt động cách mạng. Trong bài thơ “Vô đề”, Người từng viết:
“ Thân xác ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao.”
Bác vẫn chỉ là con người, vẫn biết cô đơn nơi đất khách, vẫn biết mỏi mệt sau hàng vạn bước chuyển lao. Chúng ta không nhìn nhận Bác là một thánh nhân, vì ở Bác vẫn có những cảm xúc rất người, rất tự nhiên. Nhưng vượt lên trên tất cả điều ấy, Bác vẫn hướng đến sự tự do, hướng đến quê nhà, hướng đến con đường cách mạng, đó mới là điều mà chúng ta phải nghiêng mình trước ý chí bất khuất của người lãnh tụ vĩ đại ấy. Hình ảnh áng mây trôi nhẹ nhàng hay chính là phong thái ung dung, tự tại của một người tù trong khó khăn, gian khổ. Trong bài thơ “Giải đi sớm”, dù bị giải lao trong thời gian nửa đêm khi gà chỉ mới vừa gáy, nhưng Bác vẫn giữ phong thái ung dung, tự tại, coi mình là một “chinh nhân” đang dạo những bước chân trên con đường hành quân:
“Nhất khứ kê đề dạ vị lan
Quầng tinh ủng nguyệt thướng thu san
Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng
Giáp mặt thu phong trận trận hàn.”
Ngoài ra, hình ảnh cánh chim “quy lâm” cũng gợi nên khát khao được đoàn tụ, được rời khỏi chốn tù ngục để về nơi quê hương và tiếp tục con đường cách mạng. Đó là một cuộc vượt ngục tinh thần của một người chiến sĩ cách mạng mang dáng vóc vĩ đại, ý chí hiên ngang, bất khuất. Hai câu thơ là sự kết hợp đặc sắc giữa các yếu tố đối nghịch: cổ điển – hiện đại, chất tình – chất thép. Một mặt đã khắc họa rõ nét không gian chiều muộn bao la, rộng lớn, song với đó thể hiện được tinh thần lạc quan của người tù mang một hoài bão lớn lao.
Ở hai câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã khắc họa nên cuộc sống sinh hoạt lúc chiều tối của nhân dân nơi đất khách:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.”
Bức tranh sinh hoạt đời thường của con người miền núi hiện lên rõ nét bằng bút pháp tả thực với hai hình ảnh: cô gái xay ngô và lò than rực hồng. Người con gái trong thơ xưa được khắc họa với những dáng vẻ kiêu sa, đài cát, mỏng manh. Trong “Chinh Phụ Ngâm”, hình ảnh người chinh phụ hiện lên với hành động cuốn rèm lên, kéo rèm xuống, dạo hiên vắng, đối diện với ngọn đèn thể hiện sự bất an chiếm lĩnh toàn bộ cõi lòng và suy nghĩ: “Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”. Nhưng ở thơ Bác, hình ảnh người người thiếu nữ lại được khắc họa trong phong thái trẻ trung và yêu lao động. Con người trở thành trung tâm của bức tranh , khác với sự mờ nhạt, thưa thớt ở thơ xưa: “Lơ thơ dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà” (Bà Huyện Thanh Quan). Ở bản nguyên tác, Bác đã sử dụng từ Hán Việt “thiếu nữ” để gợi lên sự trang trọng, có chút gì đó ngợi ca, khác với bản dịch thơ “cô em” thể hiện ý muốn trêu ghẹo, bông đùa. Qua đó, Người đã đặt hình ảnh con người trong trạng thái lao động, chỉ có lao động thì mới tạo ra vinh quang và hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà bức tranh sinh hoạt tuy diễn ra vào trời tối nhưng vẫn gợi ra cảm giác sung túc, ấm áp và đoàn viên.
Hình ảnh lò than rực cháy ảnh lửa đỏ hồng được Bác xây dựng bằng bút pháp lấy sáng tả tối. Cả bài thơ tác giả chẳng nói gì về bóng đêm cả, người đọc chỉ có thể dự đoán theo quy luật tự nhiên và ánh sáng sắp tàn của lò than. Bởi vì chỉ khi màn đêm buông xuống, cái tối bao trùm cả không gian đất trời, ánh sáng của lò than mới có thể cháy và tỏa ra một ánh lửa rực hồng đến như thế. Nét nghệ thuật đặc biệt ấy lại bị đánh mất ở bạn dịch thơ, khi dịch giả Nam Trân đã đặt chữ “tối” ám hiệu không gian và thời gian của khung cảnh. Tiếp đến, nhà thơ đã sử dụng nhãn từ “hồng”, gợi cho người đọc cảm nhận không chỉ có ánh sáng mà còn tỏa ra hơi ấm, một hơi ấm của sự ấm no, hạnh phúc. Nhịp thơ 4/3 tạo ấn tượng với sự bùng lên, nhanh và mạnh của ngọn lửa, khác với nhịp thơ 2/2/3 ở bản dịch thơ.
Qua hình ảnh sinh hoạt chiều tối miền sơn cước, chúng ta có thể thấy được chất tình và chất thép trong tâm hồn người nghệ sĩ. Ở cương vị là một nhà thơ, Người đã bày tỏ tình yêu thương con người, tấm lòng nhân đạo bao la, sâu sắc. Bác đã đồng cảm với sự cực khổ, vất vả của cuộc sống con người lao động nơi đây. Điều đó được thể hiện rõ nét qua thủ pháp điệp vòng “Ma bao túc/ Bao túc ma hoàn” khi đã gợi sự cảm nhận về chuyển động nặng nề của cối xay ngô. Mặc dù cuộc sống lao động vất vả nhưng lại gợi nên sự yên bình, hạnh phúc. Hình ảnh lò than chính là biểu tượng cho những bữa cơm gia đình đầm ấm, chan hòa tiếng cười. Bác yêu mến họ mặc cho đó là những con người xa lạ nơi đất khách. Ở cương vị là một người chiến sĩ, Người còn bộc lộ ý chí hiên ngang và tinh thần lạc quan. Chi tiết đó được khắc họa qua âm hưởng câu thơ chuyển từ chậm rãi, buồn bã sang phấn chấn, hứng khởi. Nhãn tự “hồng” chính là ánh sáng duy nhất trong màn đêm tăm tối, là niềm hi vọng của nhà thơ trước hoàn cảnh đề lao gian khổ. Bác vẫn luôn một lòng hướng về tổ quốc, hướng về con đường cách mạng còn đang dở dang.
Với sự kết hợp giữa yếu tố cổ điển – hiện đại, giữa chất tình – chất thép; cùng với ngôn ngữ cô đọng, hàm súc; hình ảnh thơ giàu chất nhạc, chất họa; sử dụng tài tình các bút pháp; tác giả đã thành công khắc họa nên một bức tranh thiên nhiên và sinh hoạt nơi chiều tà, cũng như gửi gắm biết bao tâm tư, tình cảm. Bài thơ “Chiều tối” là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách cổ điển xen lẫn hiện đại của Bác, bài thơ thể hiện tinh thần lạc quan của người Bác trước cảnh thiên nhiên và con người tươi đẹp, dù đang trong cảnh bị áp giải trong cảnh tù đày nhưng Bác không hề cảm thấy mất tinh thần, hay bế tắc mà vẫn tràn đầy sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Đồng thời, trong bài thơ của bác chúng ta thấy ánh lên vẻ đẹp tinh thần nhân văn có trái tim giàu lòng nhân ái luôn biết yêu thương thiên nhiên và con người.