Tố Hữu là một nhà thơ lớn, là cánh chim đầu đàn trong nền văn học kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Thơ ông chủ yếu khai thác và bắt nguồn từ cảm hứng trong đời sống chính trị của đất nước , từ những hoạt động của cách mạng. Nhưng thơ ông không chỉ đơn thuần phản ánh những sự kiện lịch sử hay cột mốc thời gian mà còn là “tiếng lòng của người cầm bút” , là xúc cảm dạt dào trong chính bản thân tác giả được bộc lộ rõ nét qua từng từ ngữ, dấu câu, thể thơ, biện pháp tu từ hay cách ngắt nhịp đầy dụng ý nghệ thuật. Hai yếu tố này được ông kết hợp và quyện hoà với nhau để tạo thành nên những áng thơ lay động trái tim bao độc giả qua từng thế hệ. Bài thơ “Từ ấy” trích trong phần đầu tiên của tập thơ cùng tên, được sáng tác năm 1938, đánh dấu cho cột mốc nhà thơ chính thức bước chân vào hàng ngũ Đảng cộng sản Việt Nam. Bài thơ thể hiện rõ nét sự thay đổi trong nhận thức và hành động của chàng thanh niên trẻ sau khi được giác ngộ lý tưởng Đảng:
“ Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
….
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bấc cù bơ.”
“Từ ấy” là một cụm từ chỉ thời gian phiếm chỉ, đánh dấu mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời của nhà thơ và gợi nhiều cảm xúc mạnh mẽ. Đó thật sự là một bước chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến tình cảm, từ cuộc sống bế tắc đã được lý tưởng cộng sản soi rọi, chỉ lối. “Từ ấy” còn là khoảnh khắc mà tâm hồn nhà thơ được rung động mãnh liệt và sâu thẳm nhất. Ở góc độ lịch sử, “Từ ấy” chính là thời khắc thiêng liêng mà chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Kim Thành tìm lấy lẽ sống cho cuộc đời mình, rũ bỏ cuộc sống đơn điệu, cá nhân để đứng vào hàng ngũ cộng sản và tự nguyện chan hòa với cuộc sống của nhân dân.
Khổ thơ đầu chính là niềm vui của tác giả khi được giác ngộ lý tưởng của Đảng. Đến với hai câu thơ đầu tiên, độc giả có thể cảm nhận được những tác động mạnh mẽ của ánh sáng cộng sản đến nhà thơ.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”
Tác giả đã mở đầu bài thơ bằng một cụm từ “Từ ấy”, nhắc lại nhan đề và thể hiện tư tưởng, lối sống cao đẹp. Đó là khi một tâm hồn cô đơn, giá lạnh được ánh sáng của lí tưởng chiếu soi, giác ngộ. Trước đó, Tố Hữu vẫn như bao nhà thơ khác cùng thời, vẫn băn khoăn đi tìm nỗi yêu đời cho riêng mình. Hiện thực cuộc sống tàn nhẫn tác động mạnh mẽ đến nhận thức của các nhà trí thức tiểu tư sản, họ là những người thấm thía hơn ai hết nỗi đau mất nước, nỗi đau của thân phận làm nô lệ, từ đó, họ mong muốn tìm đến những chân trời tươi đẹp, hư ảo để thoát li khỏi cuộc đời đầy đau khổ và bế tắc:
“Tạo hoá hỡi! Hãy trả tôi về Chiêm quốc!
Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian!
Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt!
Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn!”
(Những sợi tơ lòng – Chế Lan Viên)
Nhưng sau một quá trình được tiếp xúc với những con người hoạt động cách mạng, hiểu và nhận thức được đó chính là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc, Tố Hữu đã được giác ngộ lí tưởng cộng sả. Vào năm mười tám tuổi, ông chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng, chiến đấu hết mình vì tổ quốc, nhân dân. Từ sự giác ngộ ấy mà cuộc đời bế tắc của chàng thi sĩ Nguyễn Kim Thành được giở sang một trang mới, nơi ấy là một chân trời của sự hòa bình, của tình yêu và tự do. Cái tôi trong thơ Tố Hữu cũng vì thế mà được rộng mở, luôn nhân danh tiếng nói của Đảng, của cộng động và dân tộc.
Hai hình ảnh ẩn dụ đặc sắc “nắng hạ”, “Mặt trời chân lý” hiện lên trong câu thơ như mang đến một nguồn sáng vô cùng rực rỡ, chói chang. Đúng vậy! Nắng ở đây không dịu nhẹ như mùa thu, cũng không mềm yếu như mùa đông, mà là nắng hạ vô cùng gắt gỏng, chói chang và tỏa ra một hơi ấm mạnh mẽ xuyên qua cõi lòng của nhà thơ. Hình ảnh “Mặt trời chân lý” nhấn mạnh rõ ràng hơn lí tưởng sâu sắc của nhà thơ khi được giác ngộ lí tưởng cộng sản. Mặt trời ấy là mặt trời của chân lý, tỏa rạng khắp mọi miền tổ quốc và soi rọi cho cuộc sống u ám, tăm tối của nhân dân. Và cũng chính nó đã chiếu những luồng sáng ấm áp chói qua trái tim của người nghệ sĩ, mang đến cho Tố Hữu những đổi thay trong nhận thức và tình cảm. Cùng với sự kết hợp giữa hai hình ảnh ẩn dụ trên là những động từ mạnh “bừng”,”chói” đã tạo ấn tượng về một ánh sáng mạnh mẽ, quyết liệt, có sức mạnh to lớn để cảm hóa tình cảm và nhận thức của con người. “Chói” là động tự chỉ cho sự tác động ở bên ngoài, đó không phải là tác động hời hợt, mông lung mà rất quyết liệt, chuyển hóa hoàn toàn lẽ sống và phương hướng tồn tại của con người. Từ “bừng” gợi cảm giác nhanh mạnh, bất ngờ, tạo nên cảm xúc vừa hân hoan, vừa sung sướng của tác giả. Ngoài ra, hình ảnh “mặt trời chân lí” được sử dụng nhà thơ đầy sáng tạo và mới mẻ. Đó là cách gọi thể hiện thái độ thành kính của Tố Hữu đối với cách mạng.
Hai câu thơ tiếp theo được xây dựng bằng bút pháp trữ tình và đã khắc họa rõ nét niềm hân hoan của tác giả khi đứng vào hàng ngũ của Đảng.
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”
Âm điệu thơ hào sảng, rộn rã, hân hoan đã thể hiện rằng tâm hồn nhà thơ đang đắm chìm trong những cung bậc cảm xúc vui sướng và ngọt ngào nhất. Tác giả đã thể hiện sự độc đáo trong phong cách sáng tác khi so sánh “hồn tôi” với “một vườn hoa lá”. Dường như khi được chìm đắm trong ánh sáng rực rỡ của lí tưởng cách mạng, tâm hồn của nhà thơ cũng vì thế mà căng tràn sức sống, đầy những thanh âm trong trẻo của “tiếng chim” và hương thơm lan tỏa. Từ “đậm” và “rộn” thể hiện rõ nét cung bậc cao nhất của sức sống dồi dào, niềm vui ngây ngất. Tác giả đã mở rộng tấm lòng để đón nhận mọi âm vang của cuộc đời, vì thế mà tâm hồn Tồ Hữu càng thêm rộng lớn, bao dung và nhân đạo. Ở đây, hình ảnh thơ không hư ảo, mơ hồ mà rất thực tế, tạo ấn tượng về một cái tôi gắn bó sâu sắc với cuộc đời, với nhân dân. Hồn thơ của Tố Hữu vẫn mang âm hưởng của Thơ Mới, nhưng khác ở chỗ là nó mang ý nghĩa tích cực, lạc quan, gắn bó chặt chẽ với lí tưởng của Đảng. Bằng bút pháp tự sự và trữ tình, khổ thơ đã thể hiện rõ nét niềm sung sướng, hân hoan của nhà thơ khi bắt gặp lý tưởng cộng sản và được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những câu thơ trên được viết bằng cảm xúc dạt dào, diễn tả tâm trạng, tâm hồn bằng những hình ảnh cụ thể và sinh động, tạo được một ấn tượng độc đáo, mới lạ so với thơ ca mang yếu tố chính trị đương thời . Song cái hấp dẫn lớn nhất trong thơ Tố Hữu là con người chân thành, tâm hồn trong trẻo, nồng nhiệt và yêu đời.
Ở khổ thơ tiếp theo, người đọc có thể cảm nhận được những quan niệm và nhận thức mới về lẽ sống của nhà thơ
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”
“Buộc” là động từ ngoa dụ, thể hiện sự tự nguyện gắn kết và quyết tâm cao độ của nhà thơ. “Buộc” còn có ý nghĩa là tự mình phải có trách nhiệm gắn kết với cộng đồng. Nhà thơ đã đứng trên lập trường của giai cấp vô sản để khai mở tấm lòng, tự nguyện gắn kết bản thân với mọi người, với nhân dân, đất nước. Từ sự giác ngộ lí tưởng cộng sản mà cái “tôi” nhỏ bé của nhà thơ đã được mở rộng thành cái “ta” chung của cộng đồng, “Để tình trang trải với trăm nơi”. Thi nhân mang trong mình một khao khát được mở rộng tấm lòng của bản thân và hòa vào cuộc đời của nhân dân, để cùng khổ, cùng đồng cảm, cùng vui niềm vui chung của họ. Đó là một mong muốn đáng trân trọng và cao cả của một người mang con tim bừng sáng luôn hướng về lí tưởng cách mạng. Có thể thấy con đường nhà thơ chọn không chỉ là sự giải thoát cho một cá nhân mà là sự sống còn của toàn bộ dân tộc; hướng về Đảng, hướng về cộng sản chính là hướng về nhân dân bằng một tình yêu chân thành và nồng cháy nhất.
Từ cách nhìn nhận về lẽ sống mới mà tâm hồn thi nhân ngập tràn tình yêu thương da diết với cuộc đời. Từ “để” được điệp hai lần và đặt ở đầu câu, tạo ấn tượng về niềm vui sướng, rộn ràng và ý thức tự nguyện của nhà thơ trên bước đường của chân lí sống mới. Liên từ “với” được đặt ở giữa hai hình ảnh hoán dụ “hồn tôi” – “hồn khổ” cho người đọc thấy được một tình cảm lớn lao của thi nhân. Tố Hữu chủ động đặt mình bên cạnh cuộc đời của quần chúng lao khổ, hướng về những con người bần cùng, chịu áp bức và bất công của xã hội. Đó không phải là thứ tình yêu chung chung mà hơn hết chính là lòng nhân đạo, niềm đồng cảm sâu sắc của một giai cấp xã hội. Đối tượng TH hướng đến vừa rộng lớn, vừa cụ thể khiến cho người đọc dễ dàng hình dung và nắm bắt được tình cảm lớn lao của thi nhân. Từ việc gắn bó cái “tôi” cá nhân với cộng đồng và những người cùng khổ ấy đã giúp nhà thơ liên kết muôn kiếp nhân sinh lại thành một “mạnh khối đời”. Cụm từ “khối đời” tạo ấn tượng về sự rộng lớn, bền chặt và hơn hết là cùng nhau đoàn kết, phấn đấu vì mục đích chung, lẽ sống tốt đẹp và vì lí tưởng cách mạng. Nhịp thơ lắng đọng, tứ thơ chặt chẽ đã đóp phần tạo nên âm hưởng da diết, chân thành trong cảm xúc thi nhân. Chính tinh thần tự nguyện ấy là sức mạnh vô cùng to lớn, đưa một nhà thơ đã từng băn khoăn đi tìm bến đỗ cho cuộc đời chuyển thành một người có tư tưởng vĩ đại, tinh thần lạc quan và lòng yêu con người sâu sắc. Đúng như Dostoevsky từng viết: “Tôi hãy còn một trái tim, một dòng máu nóng để yêu thương, cảm thông và chia sẻ”.
Từ sự chuyển biến trong nhận thức ở khổ hai , khổ thơ thứ ba đã khắc họa rõ nét hơn sự chuyển biến trong tình cảm của nhà thơ.
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…”
Tác giả đã có những sự thay đổi sâu sắc trong đường đời của mình. Cụm từ “tôi đã” được đặt ở đầu đoạn thơ như một bước chuyển mình đầy táo bạo. Giờ đây thi nhân đã lột bỏ được cuộc sống tù túng, chất hẹp trong quá khứ để có thể vươn đến những giá trị cao hơn, sâu sắc hơn và thiết thực hơn. Đó là bằng chứng cho sức mạnh cảm hóa vô cùng mạnh mẽ của lí tưởng cộng sản. Giờ đây, ông chẳng còn phải tìm kiếm một “tình cầu giá lạnh” hay “một vì sao trơ trọi cuối trời xa” nữa mà hơn hết thi nhân quyết tâm sống hết mình với cuộc đời, với con người đặc biệt là những kiếp người lao khổ. Không chỉ có vậy, tác giả còn liệt kê những giai cấp trong xã hội và có xu hướng cụ thể dần: “vạn nhà”, “vạn kiếp phôi pha”, “vạn đầu em nhỏ”. Đó đều là những mảnh đời, những kiếp người khốn khổ, bế tắc, bị đối xử bất công trong xã hội đương thời. Đứng trước những con người ấy, Tố Hữu đã dành một sự kính trọng sâu sắc. Từ “là” được kết hợp với những mối quan hệ thân quen “con”, “em”, “anh” cho thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của thi nhân. Rõ ràng Tố Hữu không những không quay lưng với những kiếp người nhỏ bé ấy mà chính nhà thơ còn thể hiện lòng yêu thương, đồng cảm và san sẻ, tự nguyện gắn kết với họ, coi họ là gia đình, đứng lên đấu tranh vì họ và đặt họ làm mục tiêu để hết mình chiến đấu, hết mình tận hiến. Đây là thứ tình cảm vô cùng to lớn và đáng trân trọng, có được một thành viên như thế thì Đảng chúng ta mới có thể vững mạnh và phát triển nhanh chóng. Cuộc đời Tố Hữu đã rẽ sang một bước ngoặt mới. Thi nhân đã từ bỏ cái “tôi” nhỏ bé, ích kỷ để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, của quần chúng nhân dân lao khổ, cùng chiến đấu vì mục đích và lẽ sống cao đẹp.
Từ sự yêu thương, gắn kết tự nguyện với những “vạn kiếp phôi pha”, “cù bất cù bơ” mà đường thơ Tố Hữu đã có những chuyển biến mạnh mẽ lẫn về mặt cảm xúc và tư tưởng. Các kiếp người khốn khổ dần trở thành đối tượng sáng tác chính trong thơ Tố Hữu: “Đi đi em, can đảm bước chân lên/ Ừ đói khổ đâu phải là tội lỗi!” (Đi đi em – Tố Hữu). Ngoài ra, đề tài và nội dung trong thơ Tố Hữu đều bắt nguồn từ những sự kiện, từ những vấn đề lớn của đời sống cách mạng, từ lí tưởng chính trị và tình cảm chính trị. Thơ TH không thoát li mà gắn bó chặt chẽ với cuộc đời, với con người, ca ngợi nhịp sống, giá trị của con người:“ Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình” (Việt Bắc). Chính thi nhân đã khẳng định một chân lí sống còn của văn chương, đó là nghệ thuật không thể tách rời khỏi cuộc đời, nghệ thuật chỉ mang những giá trị đích thực khi nó vị nhân sinh.
Với cách sử dụng linh hoạt các bút pháp tự sự, trữ tình và lãng mạn, sử dụng linh hoạt và hiệu quả các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, sử dụng từ ngữ giàu tình cảm, giàu hình ảnh. Bài thơ đã thể hiện được một cách sâu sắc, tinh tế sự thay đổi nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một thanh niên ưu tú khi được giác ngộ lí tưởng cách mạng và được vinh dự đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng. Bài thơ cũng thể hiện những nhận thức mới về lẽ sống, đó là lẽ sống gắn bó hài hòa giữa cái tôi riêng với cái ta chung của mọi người. Cũng như sự chuyển biến sâu sắc của nhà thơ, bài thơ cũng có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, con đường thơ ca của Tố Hữu. Bài thơ cũng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, có sự kết hợp hài hòa giữa trữ tình và chính trị, sử dụng nhuần nhuyễn các thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của thơ ca truyền thống nhưng giàu hình ảnh và giàu nhịp điệu lời thơ giản dị khiến nó dễ đi vào lòng người đọc.