Yêu cầu phụ các tác phẩm truyện học kỳ 2

 

VỢ CHỒNG A PHỦ 1. Chủ nghĩa nhân đạo

1.1, Các phương diện chủ yếu của chủ nghĩa nhân đạo: 

– Tình yêu thương dành cho con người

– Đồng cảm với số phận của con người

– Lên án, đấu tranh chống lại những thế lực đẩy con người đến đường cùng

– Tin tưởng vào những phẩm chất tốt đẹp của con người

– Tìm cho họ những con đường để giải thoát. 

1.2, Biểu hiện trong tác phẩm VCAP

– Tô Hoài dành một tình yêu to lớn đối với những người nông dân ở Tây Bắc, ông tỉ mỉ quan sát lối sống, phong tục và văn hóa của họ; ông đặt họ làm trung tâm cho mọi tình tiết, diễn biến trong câu truyện. 

– Tô Hoài đồng cảm với số phận của những con người thấp cổ bé họng, họ bị những hủ tục và quyền lực vô lí áp đặt, đè nén đến mất tự do, không còn được làm chủ quyền sống của mình. 

– Từ đó, Tô Hoài lên án sâu cay chế độ thực dân nửa phong kiến, đả kích những phong tục cổ hủ, lỗi thời, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân lao động. 

– Tô Hoài luôn tin tưởng vào khát vọng sống của con người. Ông tập trung khắc họa sự trổi dậy đầy ngoạn mục trong tâm hồn của Mị, cũng như khẳng định rằng “đối diện với cái ác, họ không âm thâm chịu đựng”, “sự hồi sinh của một con người là vô cùng quý giá. 

– Tô Hoài không để nhân vật của mình rơi vào bế tắc mà đã đồng tình với khát vọng giải phóng của họ.

2. Hình ảnh người nông dân

– Hình ảnh người nông dân đặc trưng cho miền núi Tây Bắc: Họ có những lối sống vô cùng đặc biệt, với những thú vui đậm nét miền sơn cước: thổi sáo, chơi hội, làm nương….

– Hình ảnh người nông dân điển hình cho xã hội áp bức bóc lột: Những con người không có địa vị, vật chất sẽ dễ dàng bị đàn áp, bị tước đoạt quyền sống như Mị và A Phủ. 

– Hình ảnh người nông dân với khát vọng sống mạnh mẽ, dữ dội: Thấp cổ bé họng nhưng họ vẫn không rơi vào tha hóa, bần cùng hóa. Đâu đó bên trong họ vẫn giữ được những khát vọng sống tiềm tàng, mãnh liệt, không gì có thể hủy diệt được. 

– Hình ảnh người nông dân của thời đại mới, tự giác tìm đến cách mạng để giải phóng chính mình. 

3. Nghệ thuật miêu tả tâm lý 

3.1, Trần thuật nửa trực tiếp

– Đây là một trong những phương thức trần thuật phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn văn học sau cách mạng. Trong đó, nhà văn kể chuyện theo ngôi thứ ba; nhưng điểm nhìn trần thuật lại trao cho nhân vật. Nói một cách dễ hiểu, trần thuật nửa trình tiếp là cách kể chuyện theo dòng tâm lí nhân vật nhưng ngôi kể lại thuộc về tác giả. 

– Tác dụng của phương thức này là vừa giữ được sự khách quan trong quá trình kể chuyện, vừa thể hiện sự tìm tòi, đào sâu về mặt tâm lý nhân vật. Vì thế mà những tác phẩm được kể theo phương thức nửa trực tiếp thường sẽ có chiều sâu và có sức hấp dẫn đặc biệt đến người đọc. 

– Ta cùng phân tích lại truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Trong truyện, nhà văn sử dụng ngôi thứ ba để kể lại câu chuyện như một người quan sát, dõi theo cuộc đời của nhân vật. Nhưng dẫu cho được quan sát khách quan nhưng tâm lí nhân vật Mị hiện lên vô cùng chủ quan, vô cùng tinh tế, sâu sắc. Nhà văn nắm bắt trọn vẹn quá trình thay đổi phức tạp trong nhận thức và tâm lí nhân vật, để từ đó đưa ra những góc nhìn mới mẻ hơn về đời sống của một con người cá nhân. Nghệ thuật trần thuật nửa trực tiếp được thể hiện sâu sắc qua hai phân đoạn đặc sắc nhất là đêm mùa xuân và đêm mùa đông. 

– Trong đêm tình mùa xuân, nhà văn không chỉ đặc tả không gian nhộn nhịp, say mê của núi rừng Tây Bắc; mà ông còn thu nhỏ lăng kính của mình vào sâu trong tâm hồn của nhân vật Mị. Từ lúc Mị lắng nghe tiếng sáo, lòng Mị bồi hồi; đến khi Mị say, Mị muốn đi chơi; rồi lúc bị trói, Mị mơ màng nhẩm theo lời bài hát. Dường như chính nhân vật đang kể lại cảm xúc của mình chứ không phải mang sắc thái tường thuật. Hay trong đêm đông, từ lúc Mị do dự, cho đến khi bản tính lương thiện trỗi dậy thôi thúc Mị cứu người và tự cứu lấy mình; tiến trình ấy rất nhanh, rất phức tạp nhưng lại được nắm bắt một cách trọn vẹn, tỉ mỉ. Nhà văn đã hoàn toàn trao ngòi bút của mình cho nhân vật tự kể chuyện, từ đó tạo nên sự chân thật, sống động cho thiên truyện.

– Chính phương thức trần thuật nửa trực tiếp đã thể hiện sâu sắc tài năng phân tích tâm lý điêu luyện của nhà văn Tô Hoài. Thứ chúng ta nhìn thấy từ truyện không chỉ là cuộc sống khổ cực, đày đọa của nhân vật Mị mà còn là quá trình một con người cá nhân tự đấu tranh để giành lấy quyền sống, quyền tự do cho chính bản thân mình. Những bài học đắt giá, những triết lý nhân sinh ấy sẽ khó có thể ám ảnh đọc giả nếu như tác giả lựa chọn một cách kể chuyện khác. 

3.2 Thủ pháp đồng hiện. 

– Đồng hiện là hệ quả tích cực của phương thức trần thuật nửa trực tiếp. Thủ pháp đồng hiện biểu thị ở việc nhà văn làm mờ nhạt đi sự phân lập về mặt không gian, thời gian để tiến đến sự phân lập về mặt nhận thức, tâm lí. Một tình huống, một chi tiết, một thiên truyện mang thủ pháp đồng hiện thường sẽ không tập trung quá nhiều về mặt cơ học như thời gian, không gian mà các lớp kí ức, hoài niệm của nhân vật sẽ diễn ra song song cùng nhau, tạo cảm giác như một thước phim quay chậm đang tua đi tua lại cuộc đời của nhân vật. Thủ pháp đồng hiện là một trong những đặc trưng quan trọng làm nên thành công cho truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi. 

– Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn xây dựng cốt truyện theo trình tự tuyến tính về mặt thời gian; có không gian, bối cảnh cụ thể. Nhưng ở một số phân cảnh quan trọng, sự tuyến tính và cụ thể ấy đột nhiên bị bóp méo và trở nên trừu tượng đi, tạo cơ hội để cho nhân vật hoài niệm một cách liên tục (Đặc trưng nhất là đoạn trích đêm tình mùa xuân). 

– Trong đêm tình mùa xuân, sự nhộn nhịp của không khí lễ hội, sự du dương của tiếng sáo, hay chất men say của rượu chưa hẳn đã là nguyên nhân trực tiếp giúp Mị thức tỉnh. Mà quan trọng hơn cả là những xúc tác ấy đã khơi dậy quá khứ tươi đẹp của Mị. Ở đoạn trích này, Mị nhớ rất nhiều; dường như Mị thật sự chỉ vui, chỉ hạnh phúc, chỉ trẻ trung khi đắm chìm vào thời thanh xuân tươi đẹp ấy. Nghĩ về quá khứ, lòng Mị bồi hồi, khao khát được đi chơi. Nghĩ về quá khứ, Mị muốn từ bỏ cuộc sống đau khổ, bế tắc ở hiện tại. Nhưng cái hay của Tô Hoài lại nằm ở việc luân phiên đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại. Vừa nhớ về quá khứ xong thì lại có một tác nhân nào đó khơi gợi Mị trở về với hiện tại. Men rượu làm Mị say, Mị nhớ, Mị vui; nhưng sau đó nghĩ đến việc “chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi tết”, Mị lại hụt hẫng, bước vào buồng và muốn ăn lá ngón chết. Khi tiếng sáo càng du dương, Mị lại nhớ, lại dứt khoát lấy cái váy hoa sửa soạn đi chơi; nhưng sau đó A Sử về lại khiến Mị nhận ra bi kịch đau khổ của cuộc đời mình. Trong bóng tối Mị ngẩng cao đầu, Mị nghe tiếng sáo rồi lại nhớ, lại mơ màng; nhưng khi vô thức Mị vùng bước đi, những sợi trói siết chặt lại khiến Mị đau, Mị tỉnh, rồi lại đau đớn nghe tiếng ngựa đạp vách mà khóc. Tiến trình luân phiên nhau giữa quá khứ – hiện tại ấy chính là đồng hiện, dẫu nó phức tạp nhưng lại thể hiện sâu sắc sự đấu tranh mạnh mẽ của tâm hồn Mị. Thủ pháp đồng hiện giúp cho các lớp kí ức nhân vật được chồng chéo lên nhau, đôi lúc diễn ra cùng một thời điểm. Như lúc Mị bị trói đau quá thì khóc, nhưng rồi nghe tiếng sáo cất lên Mị lại bồi hồi. Nếu như không có sự đồng hiện ấy, sự đấu tranh trong tâm hồn Mị sẽ không xảy ra, người ta sẽ tiếp tục nhìn cô như một người vô cảm, cam chịu. 

– Thủ pháp đồng hiện cũng được khai thác vào đêm mùa đông, nhưng không đặc sắc bằng đêm mùa xuân. Sở dĩ như thế bởi vì quá trình đồng hiện diễn ra theo sự chuyển hóa phức tạp của tâm lí, nhưng tình huống ở đêm đông lại đòi hỏi nhân vật phải giải quyết mâu thuẫn một cách nhanh chóng. Tác nhân khiến Mị rã đông tâm hồn giá băng của mình không hẳn là giọt nước mắt của A Phủ, mà từ giọt nước mắt của người khác, Mị nhớ lại giọt nước mắt của chính mình; từ nỗi đau cận kề cái chết của người khác; Mị lo sợ cho số phận của bản thân cô. Quá khứ đóng một vai trò rất quan trọng trong sự trỗi dậy của nhân vật Mị, vì thế mà nó mới cần có sự đồng hiện với thực tại để quá trình chuyển hóa tâm lí diễn ra một cách nhanh chóng nhất. 

=> Như vậy, phương thức đồng hiện chính là chìa khóa quan trọng để người đọc khám phá tâm lý của nhân vật. Nếu ta không hiểu về đồng hiện, ta sẽ cho rằng suy nghĩ, hành động của Mị là một sự tình cờ, ngẫu hứng; từ đó chưa thấy được cái hay, cái sâu sắc mà tác giả muốn truyền tải.

4. Chất hiện thực

– Khái niệm: Hiện thực là một chất liệu quan trọng cho văn chương nghệ thuật. Không có hiện thực, tác phẩm sẽ không thể có những giá trị bền chặt, sẽ nhanh chóng bị lãng quên và đào thải theo thời gian. Hiện thực ấy là toàn bộ những gì diễn ra ở đời sống, được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. 

– Chất liệu hiện thực trong VCAP. 

+ Chất liệu văn hóa miền núi: Nhà văn khai thác rất sâu những bối cảnh, nếp sống, văn hóa của những người dân tộc Mèo. Ông xây dựng nền tảng tác phẩm dựa trên những am hiểu của mình về cuộc sống của họ (địa danh, phong tục, ngôn ngữ, kể cả những tệ nạn…)

+ Phong tục tập quán: Tô Hoài cũng rất am hiểu về những phong tục của người đồng bào nơi đây. Ông khắc họa cả những phong tục đẹp (thổi sáo, dọn nương ăn tết, chơi hội…) cho đến những hủ tục tàn dư của phong kiến (tục cho vay nặng lãi, tục cướp vợ, tục cúng trình ma…). Chính những phong tục ấy đã cho người đọc thêm những tri thức về văn hóa của những người miền núi. 

+ Hình tượng nghệ thuật điển hình: Nhân vật ông xây dựng đều là những con người lao động giản dị, chất phác. Họ mang câu chuyện của đời sống, mang số phận chung cho cộng đồng. 

+ Quan điểm văn học đương đại: Truyện ngắn cũng mang những quan điểm khách quan của văn học đương đại 45-75 (Cảm hứng hồi sinh, chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng, lý tưởng cách mạng…)

5. Chất thơ trong đêm tình mùa xuân

– Khái niệm chất thơ trong văn xuôi:

+ Lý luận văn học Mác-xít khu biệt rõ ràng ba khái niệm văn xuôi – thơ – kịch. Nhưng trên thực tế, sẽ có những tác phẩm có sự trộn lẫn giữa các hình thức lại với nhau, tạo nên sự đa dạng trong cách tiếp nhận. Từ đó mà trào lưu đưa chất thơ vào văn xuôi càng được phổ biến (nhất là trong văn học hiện đại). 

+ Nguyên nhân của việc đưa văn xuôi vào thơ: Pha-đê-ép từng nói: “Văn xuôi cần phải có cánh. Đôi cánh ấy chính là thơ”. Chất thơ sẽ khiến văn xuôi tăng khả năng biểu đạt, tạo ra mạch cảm xúc, gây ấn tượng đối với người đọc. Chất thơ tác động đến ngôn ngữ, hình ảnh, tư tưởng…, từ đó khiến tác phẩm trở nên hấp dẫn, lôi cuốn và đọng lại nhiều giá trị trong lòng người đọc. 

– Biểu hiện chất thơ trong “VCAP”

+ Chất thơ được biểu hiện qua cách nhà văn miêu tả không gian Tây Bắc: Phông nền cho câu chuyện diễn ra được nhà văn xây dựng bằng những góc nhìn trực quan. Nhưng nó càng ấn tượng hơn khi ông mang chất thơ vào cách diễn đạt. Ông kể về Tây Bắc với những câu văn êm dịu, bằng các thủ pháp so sánh, bằng hình ảnh đẹp đẽ, thơ mộng. Đó là cảnh những đứa trẻ đợi tết, là màu sắc vàng ửng của cỏ gianh, là âm thanh ngân nga, da diết của tiếng sáo. Chất thơ còn được biểu hiện qua những giá trị văn hóa về phong tục của những con người nơi đây .Không gian, thời gian cụ thể, rõ ràng, hiện lên không hề nặng nề, tăm tối mà lại gợi cảm giác phấn chấn, yên bình. 

+ Chất thơ được biểu hiện qua chính nhân vật Mị: 

Mị là một nhân vật đời thường nhưng cũng thấm đẫm chất thơ. Chất thơ ấy thể hiện qua chuyện tình của cô, khát vọng của cô, tài năng của cô. 

Chất thơ biểu hiện qua nét đẹp tâm hồn của Mị: Mị là một cô gái mang sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ. Sức sống ấy khiến cho tâm hồn cô luôn phong phú và lưu giữ những cốt cách đẹp đẽ của một con người. Đêm tình mùa xuân đến, nó đánh thức trong Mị những hồi ức đẹp đẽ của thời niên thiếu, mang lại cho Mị những cảm xúc chân thành, trọn vẹn. Những rung động của Mị với mùa xuân cũng rất thơ, rất trữ tình khi cô nhẩm theo lời bài hát, cuốn lại tóc, lấy cái váy hoa trên vách. 

Nhưng đặc biệt hơn cả, nhà văn đã đồng nhất chất thơ với giá trị nhân văn của tác phẩm. Đó là khát vọng hạnh phúc chính đáng của nhân vật Mị. Sức sống của Mị thôi thúc cô hành động để tìm về với chính mình.  Dù nó không đủ mạnh để áp đảo hiện thực, nhưng cũng đủ để thấy rằng cái khó, cái khổ chưa chắc đã có thể hủy diệt sức sống của một con người.  Chất thơ ấy chính là cảm hứng của sự hồi sinh, trong sự vươn lên của một tâm hồn tưởng như đã cằn cỗi, tưởng như đã chết từ lâu lắm rồi. 

+ Chất thơ được thể hiện qua hình thức của truyện. Bao gồm: ngôn từ hàm súc, cô đọng; tận dụng nhiều biện pháp tu từ; hình ảnh thơ mộng, lãng mạn. Không chỉ ở hình thức mà chất thơ còn biểu hiện qua sự nhân văn của nội dung,tư tưởng. 

VỢ NHẶT 1. Chủ nghĩa nhân đạo

1.1, Biểu hiện chung (Giống ở phần trên)

1.2, Biểu hiện cụ thể

– Kim Lân dành một tình yêu sâu đậm với những người nông dân nghèo khổ, phải chịu đói khổ trong nạn đói kinh hoàng năm 1945. 

– Ông xót xa cho thân phận của con người, đau đớn khi chuyện hạnh phúc của một đời người lại diễn ra một cách qua loa như nhặt một cọng rơm, cọng rác ở ngoài đường, ngoài chợ. Ông càng thương cảm cho những con người tội nghiệp ấy khi bị chính cái nhu cầu bản năng (được ăn) làm lu mờ đi nhân cách, khiến họ không dám vui một cách trọn vẹn, phải gồng mình để sống. 

– Từ đó, Kim Lân gián tiếp phê phán chế độ thực dân, phát xít Nhật tàn bạo đã cướp hết lương thực, khiến cho hơn 2 triệu đồng bào ta phải chết đói. 

– Tuy nhiên, Kim Lân lại phát hiện ở trong chính cái thời khắc ngàn cân treo sợi tóc ấy một niềm khao khát hạnh phúc nhỏ nhoi của anh cu Tràng. Kim Lân cho rằng những người nông dân chưa bao giờ từ bỏ cơ hội được sống cho ra một con người, họ vẫn hi vọng, mặc cho niềm hi vọng ấy nhỏ nhoi và ít ỏi vô cùng. 

– Và cuối cùng, Kim Lân đã để cho họ được nghĩ đến một con đường mới cho mình: Lá cờ đỏ sao vàng

2. Nghệ thuật truyện

2.1, Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện

– Xây dựng tình huống truyện độc đáo, đặc biệt, mang tính chất bi hài, éo le. 

– Xây dựng tình huống truyện để làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: Khát vọng sống của con người. 

– Xây dựng tình huống truyện để làm bàn đạp tôn vinh vẻ đẹp nhân vật: Đứng trước tình huống ấy, những nhân vật sẽ có cách ứng xử khác nhau; và sau tình huống ấy, họ cũng sẽ có những thay đổi riêng biệt -> Làm nên sự phát triển đa dạng, phong phú cho cốt truyện. 

2.2, Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. 

– Biểu hiện qua điểm nhìn trần thuật: điểm nhìn nửa trực tiếp (Đọc kĩ thêm ở bài VCAP)

– Biểu hiện qua ngôn ngữ và lời kể: Ngôn ngữ và lời kể hướng nhiều vào nội tâm nhân vật, tập trung khắc họa sự chuyển biến và thay đổi xuyên suốt theo mạch truyện. 

– Tính logic của thủ pháp miêu tả tâm lý: 

+ Tính hợp lý: Tâm lý nhân vật được khắc họa vô cùng hợp lý dựa theo những tình tiết, bối cảnh của tác phẩm. Dù cho chìm đắm trong niềm hạnh phúc nhưng ba con người ấy chưa bao giờ thoát khỏi những suy nghĩ tối tăm, bế tắc khi đối diện với nạn đói. 

+ Tính đồng loạt: Khi tình huống truyện được diễn ra, sự thay đổi trong tâm lý nhân vật được diễn ra đồng loại, không có chuyện người này trước, người kia sau. 

+ Tính kết nối: Nét tâm lý mới của nhân vật được thừa hưởng từ những nét tâm lý cũ. Tuy sự chuyển giao tâm lý có phần đột ngột, nhưng tính logic lại được biểu hiện rất rõ qua chính hoàn cảnh của các nhân vật. 

* Khao khát hạnh phúc: Tràng thay đổi từ một người ngờ nghệch sang một người đàn ông trưởng thành. Bà cụ Tứ từ một người mẹ lom khom, bị động sang một người chủ động, tươi tắn trong bữa cơm ngày đói. 

* Bản chất vốn có: Bản chất vốn có của người vợ nhặt là một cô gái thùy mị, nết na, chỉ vì nạn đói mà nó đã hủy hoại đi một phần nhân cách đáng quý ấy. 

(Tùy vào từng nhân vật, Kim Lân sẽ có cách khai thác tâm lý khác nhau, học sinh cần đọc kĩ ngữ cảnh của đề và tư duy thêm những cách khắc họa tâm lý khác)

RỪNG XÀ NU Tính sử thi và chủ nghĩa anh hùng cách mạng

– Khái niệm tính sử thi

+ Phản ánh những sự kiện mang tính chất trọng đại, có tính cộng đồng toàn dân tộc. 

+ Ca ngợi những người anh hùng có sức mạnh thần kì, mang những phẩm chất tốt đẹp cũng như khát vọng của toàn dân tộc

– Tính sử thi trong rừng xà nu:

+ Đề tài và cảm hứng mang đậm tính sử thi

+ Không gian sử thi: Không gian kể truyện là tại ngôi làng Xô Man giữa cánh rừng xà nu đại ngan. Câu truyện của Tnu được hồi tưởng trong một căn nhà nhỏ với ánh lửa bập bùng sáng. -> Tác giả đã mượn không gian nhỏ bé của làng Xô Man để thể hiện không gian của toàn bộ chiến trường Tây Nguyên rộng lớn. 

+ Nhân vật mang tính sử thi: Tnú là một nhân vật mang đậm tính sử thi và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Anh có một ý chí sắt đá, một lòng căm thù giặc sục sôi; một tình yêu vô bờ bến với gia đình, dân làng và quê hương. Ngoài anh ra, các nhân vật khác như bé Heng, Dít, Mai, cụ Mết cũng đều toát lên vẻ đẹp của những người anh hùng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, tổ quốc.

+ Hình ảnh truyện mang đậm tính sử thi: Hình ảnh cánh rừng xà nu bạt ngàn, tạo nên một không gian thoáng đãng của núi rừng Tây Nguyên

+ Nghệ thuật xây dựng truyện mang đậm tính sử thi: Kết cấu truyện lồng truyện, nghệ thuật khắc họa nhân vật mang cảm hứng lãng mạn, sử dụng nhiều thủ pháp cường điệu, ngoa dụ; giọng kể hào hùng, mang âm hưởng của núi rừng đại ngàn… 

NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH 1. Nghệ thuật trần thuật

* Bối cảnh trần thuật của đoạn trích “Những đứa con trong gia đình”

– Sau một trận đánh giáp lá cà với giặc, Việt bị thương và lạc mất đồng đội. Anh ngất đi rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại ngất. Bốn lần như thế. Chính trong khoảnh khắc mê man ấy, Việt đã có cơ hội để nán lại lòng mình, chiêm nghiệm, nhớ lại những kỉ niệm thân thương về gia đình, về quá khứ, coi đó là sức mạnh diệu kì để vượt qua thời khắc sinh tử, ngàn cân treo sợi tóc. => Đó là bối cảnh đắt giá, phù hợp để nhà văn sử dụng phương thức trần thuật theo dòng ý thức của nhân vật.

* Phương thức trần thuật của “Những đứa con trong gia đình”.

– Nguyễn Thi đã chọn phương thức trần thuật nương theo hồi tưởng của Việt – lúc tỉnh lúc mê. Nghĩa là tác giả đã trao ngòi bút cho nhân vật tự kể, dựa theo điểm nhìn của nhân vật. 

– Chọn cách trần thuật này vừa thể hiện sự sáng tạo về hình thức nghệ thuật, vừa góp phần đắc lực trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm.

Có thể thấy khi lựa chọn cách dẫn truyện nửa gián tiếp, Nguyễn Thi như hóa thân vào từng hơi thở, xúc cảm, hồi tưởng của nhân vật trong tác phẩm nhưng ngôi kể, người kể vẫn hết sức khách quan. Điều ấy được thể hiện độc đáo nhất qua dòng xúc cảm của Việt: “Ước chi bây giờ được gặp má! Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy”. Tuy không xưng “tôi” nhưng dường như người đọc vẫn mường tượng ra rằng đó chính là những dòng suy nghĩ thực tế của nhân vật. Khiến cho mạch truyện dù có rời rạc, chuyện nọ chồng lên chuyện khác nhưng vẫn hết sức mạch lạc, dễ theo dõi. 

* Hiệu quả của phương thức trần thuật.

– Dòng hồi tưởng của nhân vật bị xáo trộn, đồng hiện hóa song vẫn mạch lạc – kết nối cá nhân với gia đình. Cách trần thuật ấy khiến cho câu chuyện càng trở nên chân thực, hấp dẫn, sống động và lôi cuốn người đọc. Bởi lẽ ta vừa có thể cảm nhận sâu sắc từng diễn biến tâm trạng nhân vật một cách cụ thể, vừa có thể nhận ra một giọng văn rất riêng trong cái tôi của Nguyễn Thi. 

– Cách trần thuật đã mang lại hiệu ứng rõ rệt về mặt cảm xúc, trữ tình cho tác phẩm. Đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật (Điều mà các tác phẩm văn học cách mạng đương thời còn rất hạn chế) -> Vì thế mà “Những đứa con trong gia đình” càng có dấu ấn riêng, ấn tượng riêng nơi người đọc.

– Cái hay của Nguyễn Thi còn nằm ở việc dựng nên một tình huống nhân vật Việt đơn độc nơi chiến trường, cái chết. Nhưng sức mạnh của điểm tựa tinh thần (gia đình, lòng yêu nước) đã vực dậy tinh thần của anh. Đó cũng là một cách thể hiện cho giá trị nhân văn của tác phẩm. 

=> Diễn biến câu chuyện vì thế mà hết sức linh hoạt, không phụ thuộc vào trật tự của thời gian, có thể xáo trộn không gian và thời gian, từ những chi tiết ngẫu nhiên của hiện thực chiến trường mà gợi ra những hồi tưởng, liên tưởng đến quá khứ khi gần khi xa, từ chuyện này sang chuyện khác hết sức tự nhiên. 

2. Màu sắc Nam Bộ trong truyện. 

– Không gian truyện mang đậm chất liệu Nam Bộ: đồng ruộng, vàm sông, vuờn trái cây…

– Chi tiết thể hiện đặc trưng văn hóa Nam Bộ: tiếng hò chú Năm…

– Ngôn ngữ Nam Bộ: dùng nhiều phương ngữ (“bơi xuồng”, “má”,…), lời nói bộc trực, thẳng thắn. 

– Nhân vật với vẻ đẹp giản dị, chất phác, ngọt ngào. 

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA 1. Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời

– Hành trình khám phá cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà đồng thời phải lý giải muôn vàng nghịch lý, lằn ranh giữa sáng- tối, thiện – ác, tốt – xấu đôi khi không rõ ràng. Cuộc dời vốn đa chiều, con người thì đa đoan. Không thể chỉ nhìn vào hiện tượng mà đánh giá cả bản chất. – Để hiểu hết giá trị của đời sống, con người phải sống hết mình. Cũng như người nghệ sĩ muốn lý giải hết chân lý của cuộc đời thì phải cúi xuống mà nếm vị mặn của nó, không thể chỉ nhìn nhận ở góc độ bề trên, phải biết yêu, ghét, vui, buồn, trăn trở những vấn đề đời thường của nhân loại – Cuộc đời và nghệ thuật phải là hai vòng tròn có chung một tâm điểm là con người, chúng phải giao thoa, hài hòa với nhau. Tuy nhiên, vẫn còn những độ chênh nhất định giữa cái đẹp và hiện thực. Muốn giảm bớt khoảng cách, người nghệ sĩ phải hướng đến thứ nghệ thuật vị nhân sinh. Nghệ thuật nếu chỉ bằng lòng với sao chép, chụp ảnh là thứ nghệ thuật giả tạo, phi đạo đức. 

2. Góc nhìn của thời đại mới. 

– Góc nhìn về cuộc đời: Nguyễn Minh Châu đã phát hiện ra rằng cuộc đời vốn không hề đơn giản như những nhà văn trước đó đã phản ánh. Nó không chỉ toàn thiện, toàn ác mà đôi khi cái thiện – cái ác nó lẫn lộn với nhau. Vì thế để hiểu được bản chất vốn có của cuộc đời là một điều vô cùng khó khăn. Không chỉ phải nhìn, nghe, thấu hiểu, mà còn phải sống và trải nghiệm nó đủ sâu, đủ lâu thì ít ra mới có thể biết được cuộc đời đa đoan như thế nào. 

– Góc nhìn về con người: Con người trong văn Nguyễn Minh Châu mang sắc thái giản dị, đời thường. Nhưng ông chưa bao giờ khắc họa nội tâm của họ một cách đơn giản. Cuộc đời đa chiều, con người cũng đa đoan. Chúng ta không thể đánh giá họ ở cái hoàn cảnh bề ngoài, bằng những tri thức mà chúng ta có sẵn mà phải đi bằng đôi chân họ để hiểu hết được những điều mà họ lựa chọn. Con người muốn chiến thắng số phận thì phải trả giá, muốn những đứa con được có đầy đủ cha mẹ thì người đàn bà phải đánh đổi bằng thể xác; muốn những bức tranh của mình thành công thì ông họa sĩ trong truyện ngắn “Bức tranh” phải đánh đổi bằng cả lương tâm của mình. 

– Góc nhìn về người sáng tạo nghệ thuật: Nguyễn Minh Châu đã đặt ra rất nhiều vấn đề xoay quanh cái gọi là thiên chức của người nghệ sĩ: Khi đứng giữa nghệ thuật và cuộc đời, anh sẽ chọn điều gì? Khi thu thập nguồn chất liệu từ đời sống, anh sẽ phải khai thác như thế nào? Làm sao để có thể thay đổi thị hiếu lệch lạc của công chúng về nghệ thuật? Và hơn ai hết, Nguyễn Minh Châu đã chứng minh cho chân lý: Hành trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ là đơn giản. Để vươn đến những cảm nhận sâu sắc về bức ảnh trắng đen, Phùng đã phải dày công mai phục để bắt gặp cảnh đắt trời cho, phải nán lại để thấu hiểu câu chuyện của những người dân lao động, và phải trải nghiệm sự khắc nghiệt, gian nan khi chứng kiến con thuyền đơn độc trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Để hiểu hết bản chất của cuộc đời, để cái đẹp thật sự là đạo đức; người nghệ sĩ phải sống thật sâu vào đời, phải dám dấn thân và trải nghiệm. Đó là cách duy nhất để những tác phẩm của anh có thể tồn tại mãi với thời gian. 

HỒN TRƯƠNG BA DA HÀNG THỊT 1. Hàm ý của tác giả qua đoạn đối thoại giữa hồn và xác

– Ý nghĩa của tiếng nói xác thịt cũng có thể hiểu theo nhiều cách. Nếu xem đó là tiếng nói của hiện thực đắng cay, là sự thắng thế của chủ nghĩa vật chất đẩy đưa con người vào hoàn cảnh nghiệt ngã cũng có lí. Mà nếu nói đó là sự mâu thuẫn ở bên trong bản thể, là tiếng nói của sâu thẳm những ham muốn ti tiện, bản năng của con người mà chúng ta không dám đối diện cũng hoàn toàn đúng như dụng ý của tác giả. Chúng thường bị coi là thấp kém nhưng cũng là một phần không thể chối bỏ của con người.

-> Lưu Quang Vũ đã thành công tạo nên một vở kịch tồn tại được cả hai mâu thuẫn

– Cơ chế tha hóa của đoạn kịch: 

+ Hồn trương Ba tha hóa vì không dám đối diện với mặt xấu của bản thân (chối bỏ xác hàng thịt)

+ Tha hóa vì chỉ đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho thân xác, không nhìn thấy được những thiếu xót và chịu trách nhiệm với bản thân.

+ Tha hóa bởi vì chà đạp thân xác, coi thường thân xác, bởi vì điều đó chỉ khiến cho những lí lẽ ti tiện của thân xác lấn át mình. 

=> Tư tưởng của văn học thời hậu chiến được bộc lộ rất rõ khi đã phản chiếu hình ảnh con người với những vận động nội tâm hết sức phức tạp. Những mâu thuẫn không chỉ bộc lộ ở bên ngoài mà còn âm ỉ ở bên trong. Từ đó Lưu Quang Vũ truyền tải thành công góc nhìn phê phán đối với bệnh chủ quan, duy ý chí, coi thường vật chất, đề cao ý thức. Nếu chỉ lắng nghe linh hồn mà chối bỏ xác thịt hay chỉ mải mê chạy theo chủ nghĩa vật chất tầm thường và để linh hồn tha hóa, kiệt quệ thì đều là những con đường dẫn đến sự đánh mất chính mình.

2. Ý nghĩa của cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích

– Quan niệm về lẽ tồn tại: Bản năng của mọi loại vật là trân trọng sự sống, con người không ngoại lệ điều đó. Ai cũng khao khát được tồn tại, dù phải trả mọi cái giá đắt nhất. Nhưng nếu như chúng ta vì sự sống mà bằng mọi giá phải đạt được nó kể cả đánh mất chính mình, thì điều ấy có còn xứng đáng hay không? Lưu Quang Vũ không đi ngược lại với những hệ tư tưởng đã có từ trước đó, thậm chí Trương Ba còn khẳng định “Không sợ chết, không phải là con người”. Nhưng nếu sống trong cuộc sống không phải của mình, thì điều đó còn đau đớn hơn cái chết. Quyết định từ bỏ sự sống của Trương Ba để được vươn đến “Tôi muốn là tôi toàn vẹn” vừa xót xa, thống khổ nhưng đã thể hiện được một năng lực của chất người, tính người và tình người => Quan niệm về lẽ tồn tại tuy mang màu sắc bi kịch, nhưng cũng có khả năng thanh lọc tâm hồn con người.

– Sự trân trọng thể xác: Mong muốn trao trả lại thân xác cho anh hàng thịt của Trương Ba chứng tỏ mọi giá trị dù là linh hồn hay thể xác, đều có ý nghĩa trong cuộc đời. Chúng ta không thể nhân danh giá trị này mà hạ thấp giá trị khác. Con người bằng mọi cách không thể chối bỏ tiếng nói của vật chất, bề ngoài mà hơn hết phải phấn đấu cho cuộc sống có đủ sự hài hòa giữa vật chất và tinh thần. Đây là một quan niệm về con người hoàn toàn mới mẻ của văn học giai đoạn hậu chiến. 

– Nhầm lẫn, sai và sửa sai: Cuộc sống mà chúng ta đang tồn tại không đơn giản, xuôi chiều. Giữa những chân lý luôn sẽ tồn tại một vài nghịch lý, những người tưởng chừng như toàn năng như thần tiên, cao quý như Trương Ba đôi lúc cũng mắc phải những sai lầm. Trương Ba đã sai lầm khi đồng ý thỏa hiệp với xác hàng thịt, sống cuộc đời không phải của mình để rồi phải sửa chữa bằng cách cứu sống Cu Tị và chấp nhận chết hẳn .Có những cái sai không thể sửa được, chấp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chí có cách không bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác. Để làm được điều đó, hơn ai hết, chúng ta phải hiểu bản thân, thấu hiểu lẽ đời, dũng cảm và đôi lúc cũng phải đánh đổi cả sự sống như Trương Ba => Đoạn kịch lấp lánh giá trị nhân văn sâu sắc.

3. Sự tiến bộ so với kịch bản dân gian. 

Kịch bản dân gian Kịch bản của Lưu Quang Vũ
– Trương Ba chết không rõ nguyên nhân. Không ai phải chịu trách nhiệm cho cái chết của ông. Việc Trương Ba được sống lại hoàn toàn là do lòng thương của thần linh ban cho con người. 

– Tình huống có phần đơn giản, mâu thuẫn chỉ diễn ra ở ngoại cảnh khi hai chị vợ kiện nhau lên quan để đòi chồng. 

– Trương Ba được sống -> Gửi gắm thông điệp về khát khao tồn tại của con người xưa. 

– Chết là hết, con người bằng mọi giá phải sống

– Trương Ba bị chết oan do sự tắc trách của Nam Tào, Bát Đẩu. Sự hồi sinh của Trương Ba là hành động sửa sai của bậc bề trên – những người đại diện cho sự hoàn hảo, công bằng. 

– Tình huống có phần phức tạp hơn, mâu thuẫn không chỉ ở bên ngoài mà còn nằm chính bên trong bản ngã của Trương Ba. Và mâu thuẫn nội tâm ấy vô cùng mạnh mẽ, tạo nên bi kịch đau đớn mang tên “bên trong một đằng bên ngoài một nẻo”. 

– Nếu như con người sống không còn là mình, sống nhưng bị tha hóa, bị ruồng bỏ thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Trương Ba đã chấp nhận bước vào cửa tử – nơi mà ai làm người đều sợ – để trao trả thân xác cho anh hàng thịt và trả lại sự sống cho cu Tị. => Góc nhìn mang tính thời đại, thấm đẫm giá trị nhân đạo. 

– Con người chỉ thật sự chết khi không còn ai tưởng nhớ họ. Nếu họ sống nhưng không được là chính mình thì nó còn đau đớn gấp vạn lần cái chết -> Sống là một điều quý giá, nhưng phải sống làm sao cho ý nghĩa, phải được sống là mình.